Ngân hàng vẫn chưa thể "ghìm cương" nợ xấu

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguyễn Thị Thu Hương

Thứ 6, 08/11/2024 07:00

Các chuyên gia dự báo nợ xấu ngân hàng có thể sẽ dần ổn định trong quý IV nhờ các biện pháp kiểm soát rủi ro và chính sách hỗ trợ xử lý tài sản đảm bảo.

Nợ xấu tiếp tục tăng

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024, số dư nợ xấu của 28/29 ngân hàng đã tăng so với thời điểm cuối năm 2023.

Ngân hàng duy nhất ghi nhận nợ xấu giảm trong kỳ này là OCB với mức giảm 4% so với cùng kỳ xuống 6.540 tỷ đồng.

Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, kết thúc tháng 9/2024, Tại BIDV, tổng nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng gần 50% so với đầu năm lên 33.385 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ vay theo đó tăng từ 1,26% lên 1,71% với 3 nhóm nợ đều ghi nhận sự tăng so với cùng kỳ.

Nợ nhóm 3 và 4 đều tăng 61% so với năm trước lên lần lượt 6.161 tỷ đồng và 8.933 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 tăng 45% lên 18.291 tỷ đồng.

Tại VietinBank, kết thúc tháng 9, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng gần 40% lên 23.225 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ theo đó tăng từ 1,13% đầu năm lên 1,45%.

Chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ngân hàng tăng 292% so với năm trước lên gần 9.823 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 555 lên gần 7.432 tỷ đồng.

Với Vietcombank, kết thúc 9 tháng năm 2024, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 36% so với đầu năm lên 17.133. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 0,99% lên 1,22% chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn tăng 39% so với đầu năm lên 11.092 tỷ đồng.

Về phía nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng chung tình cảnh nợ xấu gia tăng. Cụ thể, ngân hàng ghi nhận mức tăng nợ xấu cao nhất là LPBank 1.514 tỷ đồng, tăng đến 70% so với mức nợ xấu 3.689 tỷ đồng năm 2023. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay tại ngân hàng là 2%.

Kỳ này, MB cũng ghi nhận mức nợ xấu tăng 60% so với năm trước lên 15.685 tỷ đồng, Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,6% lên 2,23%.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ngân hàng tăng 89% lên 6.055 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 51% lên gần 5.583 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 40% lên 4.047 tỷ đồng.

Nợ xấu trong quý IV/2024 sẽ có dấu hiệu ổn định hơn

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đánh giá, trong quý III/2024, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống có xu hướng "tăng nhẹ", tuy nhiên xu hướng này có biểu hiệu thu hẹp hơn so với quý II/2024.

Do vậy có thể kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sẽ điều chỉnh giảm trong quý IV/2024 và đầu năm 2025, khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023, để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối.

Ngân hàng vẫn chưa thể "ghìm cương" nợ xấu- Ảnh 1.

Chuyên gia kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sẽ điều chỉnh giảm trong quý IV/2024.

"Điểm tích cực hiện nay là các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu. Các sắc luật mới (sửa đổi) liên quan đến thị trường bất động sản tạo cú hích, giúp thị trường này dần ấm lên, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản), thu hồi nợ xấu của các ngân hàng", ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cho phép ngân hàng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Luật cũng mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.

Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank, các ngân hàng đang có xu hướng bảo đảm lợi nhuận mang lại cho cổ đông từ việc giảm chi phí dự phòng dẫn đến tỉ lệ nợ xấu chưa giảm thì chi phí dự phòng đã mỏng đi nhiều.

Ngân hàng vẫn chưa thể "ghìm cương" nợ xấu- Ảnh 2.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank.

Điều này, phần nào sẽ tạo áp lực cho các nhà băng trong quý IV tới đây, cụ thể là áp lực về tăng trưởng tín dụng. Ông Thành nhận định, thời gian tới, nợ xấu vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Dù vậy, định hướng của các ngân hàng hiện nay đều là tăng trưởng mạnh tín dụng, vì khi tốc độ tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ cho vay thì lúc đó tỉ lệ nợ xấu mới giảm, tốc độ tăng mới chậm lại.

Ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng dự phóng nợ xấu trong quý IV/2024 sẽ có dấu hiệu ổn định hơn nhờ các biện pháp quản lý chặt chẽ từ NHNN và sự phục hồi từng bước của các lĩnh vực kinh tế. Các ngân hàng lớn đã đẩy mạnh cơ cấu nợ và hỗ trợ thanh khoản, giúp hạn chế gia tăng nợ xấu.

Năm 2025, tình hình nợ xấu sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. Nếu sức cầu cải thiện và các dự án bất động sản được hoàn thiện đúng tiến độ, nợ xấu sẽ giảm dần.

Tuy nhiên, nếu thị trường tiếp tục đóng băng hoặc có diễn biến tiêu cực, áp lực trích lập dự phòng sẽ gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của các ngân hàng.

Để ứng phó, các ngân hàng cần tập trung vào tăng cường trích lập dự phòng để tạo bộ đệm tài chính vững chắc, đồng thời đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện kịp thời các khoản vay có dấu hiệu rủi ro.

Việc tiếp tục đa dạng hóa danh mục tín dụng và tập trung vào các lĩnh vực ít rủi ro hay lĩnh vực sản xuất trong nước và xuất khẩu sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nợ xấu trong dài hạn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.