Thế giới đang trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết. Và khi nền kinh tế số tiếp tục mở rộng, dấu chân carbon của Internet cũng vậy.
Theo một nghiên cứu mới, có tựa đề “Tác động khí hậu thực tế và tác động chuyển đổi của ngành ICT: Xem xét các ước tính, xu hướng và quy định” được công bố trên tạp chí bình duyệt Patterns (Anh) hôm 10/9, ngành công nghệ thông tin và truyền thông, gọi tắt là ICT, chịu trách nhiệm về tỉ lệ phát thải khí nhà kính lớn hơn ước tính trước đây.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Lancaster, một trong những trường đại học hàng đầu của Anh, và công ty tư vấn phát triển bền vững Small World Consulting Ltd.
Thay đổi cách tính dấu chân carbon của ngành ICT
Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng, các tính toán trước đây về tỉ lệ phát thải khí nhà kính toàn cầu của ngành ICT, ước tính khoảng 1,8-2,8%, có thể không phản ánh đầy đủ được tác động khí hậu thực tế của ngành.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, một số ước tính trước đây đã không tính đến toàn bộ vòng đời và chuỗi cung ứng của các sản phẩm và cơ sở hạ tầng ICT, chẳng hạn như năng lượng sử dụng trong sản xuất các sản phẩm và thiết bị; chi phí carbon liên quan đến tất cả các thành phần của chúng và dấu chân carbon từ hoạt động của các công ty đứng sau chúng; năng lượng tiêu thụ khi sử dụng các sản phẩm, thiết bị đó; và cũng có thể bao gồm cả quá trình xử lý chúng sau khi chúng đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình.
Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, tỉ lệ phát thải khí nhà kính toàn cầu thực sự của ngành ICT có thể vào khoảng 2,1-3,9%. Mặc dù có sai số, nhưng những con số này cho thấy ngành ICT có lượng phát thải lớn hơn ngành hàng không, vốn chiếm khoảng 2% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Ngoài ra, nghiên cứu cảnh báo rằng các xu hướng mới trong tin học và ICT như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), cũng như blockchain và tiền điện tử, có nguy cơ làm gia tăng đáng kể hơn nữa lượng phát thải khí nhà kính của ngành ICT.
Trong công trình của mình, các nhà nghiên cứu đã xem xét hai vấn đề trọng tâm: Dấu chân carbon của ngành ICT, và tác động của ngành này đối với phần còn lại của nền kinh tế.
Đặt ra giới hạn carbon toàn cầu là cần thiết
Lâu nay người ta thường cho rằng các công nghệ của ngành ICT và tin học sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho nhiều lĩnh vực khác, từ đó giảm lượng phát thải ròng khí nhà kính.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra điều ngược lại. Cùng với thời gian, khi ngành ICT ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, lượng phát thải của ngành này cũng chiếm một tỉ lệ lớn hơn trong tổng lượng phát thải toàn cầu. Mặc dù ICT đã thúc đẩy cải thiện năng suất và hiệu quả trên phạm vi rộng, nhưng điều nguy hiểm là lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu cũng đã tăng lên đáng kể.
Điều này một phần có thể là do thứ gọi là "hiệu ứng phục hồi", trong đó hiệu quả tăng lên dẫn đến nhu cầu cũng tăng lên.
Giáo sư Mike Berners-Lee từ công ty tư vấn Small World nhận định: “Chúng ta biết rằng ICT có vai trò ngày càng lớn trong xã hội và mang lại hiệu quả cho hầu hết mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng mối quan hệ của nó với việc giảm thiểu carbon có thể không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Công việc của chúng tôi là cố gắng làm sáng tỏ phần nào vấn đề quan trọng đó”.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 – một mục tiêu mà hành tinh này cần đáp ứng để giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5°C – thì các nhà hoạch định chính sách phải phối hợp chặt chẽ với ngành ICT để phát triển các kế hoạch giảm phát thải cụ thể.
Bằng cách đặt ra các giới hạn carbon toàn cầu nghiêm ngặt, các công ty công nghệ có thể tiếp tục triển khai các cải tiến về hiệu suất năng lượng – như các trung tâm dữ liệu điện toán lượng tử – mà không tạo ra "hiệu ứng phục hồi".
Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, một số gã khổng lồ công nghệ trên thế giới đã tuyên bố những mục tiêu giảm phát thải của họ. Tuy nhiên, nhiều cam kết trong số này được cho là không đủ tham vọng, và sự tự điều chỉnh của ngành có thể không đủ để mang lại mức giảm phát thải cần thiết để đạt được trạng thái trung lập carbon vào năm 2050.
Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, việc đặt ra giới hạn carbon toàn cầu sẽ giúp loại bỏ những lo ngại về “hiệu ứng phục hồi” để có thể đạt được hiệu quả công việc thông qua sự hỗ trợ của ngành ICT mà không làm phát sinh thêm chi phí carbon.
Họ cũng cảnh báo rằng, các công ty công nghệ và các tổ chức ICT không nên dựa hoàn toàn vào năng lượng tái tạo để làm giảm lượng phát thải carbon, do có sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên hạn chế, chẳng hạn như kim loại đất hiếm hay bạc, cần thiết để sản xuất các tấm pin mặt trời.
“Ngành ICT cần phải làm nhiều hơn nữa để hiểu và giảm thiểu lượng phát thải carbon của mình, ngoài việc tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và các mục tiêu giảm carbon tự nguyện”, Tiến sĩ Kelly Widdicks tại Đại học Lancaster, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
“Chúng ta cần một cơ sở bằng chứng toàn diện về các tác động môi trường của ngành ICT cũng như các cơ chế để đảm bảo thiết kế những công nghệ có trách nhiệm, phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, Tiến sĩ Widdicks nhận định.
Dấu chân carbon là lượng khí nhà kính (trong đó chủ yếu là cacbon dioxide) thải vào khí quyển bởi một hoạt động cụ thể của con người. Dấu chân carbon có thể là phạm vi rộng hoặc được áp dụng cho các hoạt động của một cá nhân, một gia đình, một sự kiện, một tổ chức hoặc thậm chí là cả một quốc gia.
Hiểu theo cách đơn giản, dấu chân carbon là tổng lượng khí nhà kính phát thải ra trong quá trình hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động của con người.
Dấu chân carbon thường được đo bằng tấn CO2 phát ra mỗi năm, hoặc có thể được bổ sung bằng tấn khí tương đương CO2, bao gồm metan (CH4), oxit nitơ (N2O) và các loại khí nhà kính khác.
Minh Đức (Theo Eurekalert, UPI)