Nằm trong nhóm kỹ thuật nhưng ngành Kỹ thuật đóng tàu hiện nay chưa được nhiều thí sinh quan tâm. Mặc dù nhu cầu lao động lớn nhưng là ngành nghề cần kỹ thuật cao, môi trường làm việc đặc thù các em vẫn còn e ngại khi theo học.
Nhận định về ngành nghề, trao đổi với Người Đưa Tin , ông Hoàng Hùng – Chủ tịch Hội khoa học Kỹ thuật Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đánh giá kỹ thuật đóng tàu, lái tàu và vận hành tàu là một trong những ngành khó nhất nhưng cũng đem lại nhiều vinh quang.
Theo chuyên gia, với vị thế Việt Nam là một đất nước có đặc thù “mặt tiền” là biển đã tạo ra tiềm năng cho ngành đóng tàu, cơ hội ngày càng lớn và phát triển với ngành trong nhưng năm trở lai đây.
Cùng với đó, ông Hùng cho hay: “Vận chuyển bằng đường thủy là hình thức vận chuyển rẻ nhất so với đường bộ hay đường hàng không. Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này khi đóng tàu là ngành công nghiệp nặng là ngành then chốt của nền kinh tế, kéo theo các ngành công nghiệp khác như là luyện kim, nội thất,... cùng phát triển. Về trình độ, chúng ta cũng đã đóng được nhiều con tàu đi khắp thế giới đạt trình độ quốc tế. Đây là những căn cứ mà các em sinh viên hãy yên tâm khi theo học ngành này”.
Về vị trí việc làm sau khi ra trường các em có thể làm việc tại viện nghiên cứu, viện thiết kế. Ngoài ra, không chỉ làm ở Việt Nam mà nhu cầu tuyển dụng lao động ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản cũng rất rộng mở.
Còn theo ThS. Trần Tuấn Lương – Phòng Đào tạo Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, chương trình đào tạo ngành Thiết kế tàu hay ngành Đóng tàu mục tiêu là đào tạo kỹ sư có khả năng tính toán, thiết kế tàu và một số công trình ngoài khơi; năng động, sáng tạo, thích ứng với mọi môi trường làm việc, có khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục vụ phát triển kinh tế biển và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế.
“Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các đơn vị, các tổ chức đăng kiểm ở trong nước và quốc tế, các nhà máy đóng tàu, các viện nghiên cứu thiết kế tàu. Hoặc có thể lựa chọn các phòng quản lý kỹ thuật phương tiện của các công ty khai thác tàu và công trình ngoài khơi”, ông Tuấn Lương chia sẻ.
Chia sẻ thêm một số điểm thí sinh cần quan tâm trước khi tiến hành đăng ký nguyện vọng, ông Lương cho biết các em cần tìm hiểu kỹ về các chuyên ngành cũng như phương thức đăng ký xét tuyển của chuyên ngành đó. Tìm hiểu thông tin về điểm chuẩn trúng tuyển của chuyên ngành trong các năm trước để có cơ sở khi đăng ký nguyện vọng.
Chậm nhất ngày 10/7/2024, các trường đại học xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống, đồng thời, cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.
Từ ngày 18/7, các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần đến 17 giờ ngày 30/7.
Trước 17 giờ ngày 19/8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Đến 17 giờ ngày 27/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ ngày 28/8, các cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh đợt bổ sung .