Trong 2 ngày 29 - 30/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu và đầu tư cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư tại các đơn vị trực thuộc.
Phát biểu khai mạc tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hiểu rõ về nghiệp vụ đầu thầu và đầu tư trong công tác quản lý đầu tư.
Theo Thứ trưởng, đây là nội dung khó, phức tạp và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nội dung này, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư tại các đơn vị cần có bản lĩnh, minh bạch, rõ ràng và hiệu quả.
Đồng thời, đề nghị các học viên tham gia tập huấn nghiên cứu kỹ tài liệu, tiếp thu đầy đủ thông tin, đồng thời trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình triển khai thực tế tại các đơn vị về công tác đấu thầu và đầu tư.
Tại hội nghị, các học viên là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư tại các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT sẽ được tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi, thảo luận về các quy định trong Luật Đấu thầu, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn các nội dung hoạt động đấu thầu.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vào những điểm mới của Luật Đầu tư số 22 và Nghị định số 24 về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đầu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Luật Đấu thầu năm 2023 tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn Nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật.
Nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản Nhà nước; phòng chống, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.
Luật này cũng xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.