Lời tòa soạn:
Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Trong khi đó, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này, Chính phủ đề xuất chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế 5%. Trước vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến trái chiều, Người Đưa Tin thực hiện tuyến bài viết "Ngành phân bón 10 năm không chịu thuế VAT" nhằm lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp, ĐBQH.
Luật thuế 71 - Từ kỳ vọng thành thất vọng
Trong khoảng 20 năm qua, câu chuyện đưa phân bón là đối tượng chịu thuế VAT hay không luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Nhằm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động.
Để thực hiện chủ trương này, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật 71), có hiệu lực từ năm 2015, chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% (quy định tại Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008) sang đối tượng không chịu thuế với kỳ vọng có thể giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp.
Song sau 10 năm triển khai thực hiện, Luật 71 đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Mặt hàng phân bón thuộc đối tượng "không chịu thuế VAT" theo Luật số 71. Vì vậy, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào là hàng hoá, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí và giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.
Bên cạnh đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng gây bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu.
Trong khi đó, nêu ý kiến tại tọa đàm "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" mới đây, các chuyên gia cho rằng, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng cũng là nguyên nhân gây ra bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam (nhất là urê) đã tăng khoảng 3 - 5 lần và liên tục tăng trong những năm qua. Một phần nguyên nhân là do phân bón ngoại nhập được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do. Do đó, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - Là một người rất tâm huyết và gắn bó với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành phân bón nói riêng cho biết, qua thời gian thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng số 71 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và đã đạt được mục tiêu đề ra.
Với tỉ trọng lớn trong số thu ngân sách Nhà nước, thuế giá trị gia tăng góp phần tạo lập nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Hà việc triển khai thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, theo quy định của Luật Thuế 71 phân bón thuộc đối tượng "không chịu thuế VAT".
Ông Hà cho biết, thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã gặp một số khó khăn như: Do không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Thêm nữa, do không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn.
Ngoài ra, theo Luật Thuế 71, phân bón nhập khẩu không có thuế giá trị gia tăng. Điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi phải "gánh" chi phí thuế giá trị gia tăng.
Đề xuất phân bón chịu thuế VAT 5%
TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt. Vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ mà nền nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá cao hơn 5 - 8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chỉ phí sản xuất.
Vấn đề đánh thuế giá trị gia tăng với phân bón hay không đánh thuế lại một lần nữa được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Dự thảo Luật chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về nội dung này có 2 luồng ý kiến: Một luồng ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này; Một luồng ý kiến không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.
Nêu ý kiến, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính cho biết, theo Luật Thuế 71 nếu không đánh thuế giá trị gia tăng thì giá phân bón sẽ giảm đi, lúc đó nông dân sẽ được lợi vì không có thuế VAT.
"Nhưng khi Luật đi vào hiệu lực năm 2015 thì đến năm 2016 chúng tôi đã tổ chức hội thảo về việc phải đánh thuế trở lại đối với phân bón. Bởi, khi không đánh thuế VAT đối với phân bón có nghĩa là doanh nhiệp sản xuất phân bón ở đầu vào họ không được khấu trừ. Vì thế, doanh nghiệp sản xuất tính tất cả chi phí vào giá thành của sản phẩm. Từ đó, họ bán theo giá cao hơn cho nông dân và người nông dân là phải chịu hết, đây rõ ràng là điều bất lợi", ông Thịnh phân tích.
Đồng thời, vị chuyên gia cho rằng cần xem xét quay lại đánh thuế đối với mặt hàng phân bón.
"Có người nói đánh thuế 0% nhưng chúng tôi có nghiên cứu và lý giải đánh thuế 0% là không được. Bởi, chúng ta nói là khấu trừ đầu vào, khấu trừ thì phải có thuế thì mới khấu trừ, còn nếu không có thì không khấu trừ. Do đó, nếu đánh thuế 0% thì không khấu trừ được. Thêm nữa, nếu đánh thuế 0% thì doanh nghiệp nước ngoài bán phân bón vào Việt Nam thì cũng không thu được thuế", ông Thịnh nói thêm.
Dù có nhiều mức thuế suất 0%, 5%, 7%, 10% được đưa ra thảo luận, song theo ông Thịnh, 7% hay 10% thì gần với thuế suất bình thường của các ngành nghề khác nhưng quan trọng nhất là ảnh hưởng thế nào đến giá thành phân bón?
Điều này, lập tức làm cho giá phân bón cao lên, sẽ thu được một phần thuế của nước ngoài nhập vào Việt Nam cao lên.
"Nhưng điều này cũng không giải quyết vấn đề vì thuế này người nông dân phải chịu", ông Thịnh cho hay.
Bây giờ làm sao tính thuế để khấu trừ đầu vào, ông Thịnh cho biết, ông cùng các chuyên gia tính toán, nếu tính phần thuế giá trị gia tăng đầu vào (khấu trừ) sẽ dao động khoảng 3,8%. Vì thế, đánh thuế với mức 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở giá trị gia tăng đầu vào ở mức 7-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2-3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn.
"Từ năm 2016, chúng tôi đã đề xuất nên đánh thuế VAT đối với phân bón ở mức 5% là phù hợp trong quá trình chúng ta khấu trừ đầu vào phân bón", ông Thịnh cho hay.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ chịu thiệt, ông Thịnh nhấn mạnh: "Nông dân không chịu thiệt. Bởi, thà rằng Nhà nước thu được thuế rồi sẽ hỗ trợ người nông dân bằng các cơ sở hạ tầng và nhiều cách hỗ trợ khác còn hơn là cứ áp thuế 0%, rồi tất cả chi phí cuối cùng người nông dân phải chịu".
(Còn tiếp)