"Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn"
Quốc lộ 27 từ Ninh Thuận hướng lên Đà Lạt chợt có con đường nhựa mới toanh còn sực mùi đá dăm, đá chẻ trộn vôi vữa. Theo hướng chỉ tay của người dân trong vùng, chúng tôi đi. Con đường nhựa rộng thênh thang trải dài theo triền núi thấp lưng chừng. Cả một khoảng không vô tận hiện lên nào là sắn, là ngô khoai non xanh mơn mởn. Thi thoảng xuất hiện những ngôi nhà thấp lè tè dựng tạm trông nương và những đốm nón trắng lẻ loi xen giữa bạt ngàn nương sắn. "Ma Nới còn bao xa mới tới?", chúng tôi hỏi một em bé chăn bò bên vệ đường. "Các chị cứ chạy thẳng con đường này, chạy khi nào hết đường, chạm đầu tới chân núi thì đó là Ma Nới", một em nhanh nhảu trả lời. Đường vào Ma Nới chỉ có con đường độc đạo này, không một ngã ba, ngã tư, nó cứ hun hút, ngoằn ngoèo uốn lượn khuất sau những cánh rừng non lại rừng già. Qua không biết bao nhiêu cái cầu, vượt không biết bao nhiêu con dốc. Hết đường nhựa lại đường đất sang đường mòn len giữa rừng.
Con đường đi tìm giấc mơ Chapi quả thật gian truân, lắm hiểm nguy. Vậy mà cách đây gần 20 năm, nhạc sĩ Trần Tiến đã từng đặt chân đến vùng đất này trong một chuyến đi tìm nhạc cụ dân tộc. Anh thật sự bất ngờ và bị lôi cuốn ngay với cây đàn làm bằng lồ ô nguyên chất mà nghe người ta gọi đó là đàn Chapi. Giai điệu ngân lên, anh thật sự ngỡ ngàng. Anh nói với người chủ rằng mình là nhạc sĩ, muốn mua lại cây đàn Chapi ấy. Càng bất ngờ hơn khi vợ chồng người chủ trả lời: "Nếu anh thích tôi sẽ tặng. Mười mấy năm nay, chúng tôi không dùng tiền". Tình cảm và lý lẽ về cuộc sống của người Raglai nơi đây đã khơi nguồn cho Trần Tiến sáng tác nên "Giấc mơ Chapi".
Hòa tấu cồng và đàn Chapi cùng nghệ nhân Chamleau.
"Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa yêu nhau. Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo một nhà sàn yên vui... Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi, khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai...". Âm vang của ca khúc chảy tràn trong lòng người nghe. Lấy âm hưởng từ cuộc sống thực tại nên thơ, hoang dại trên vùng đất Ma Nới, ca khúc Giấc mơ Chapi lay gọi trái tim người nghe, thêu dệt nên một sức sống lạ kỳ của những con người thuần khiết đến nỗi không thích tiêu tiền.
Đúng như chỉ dẫn của em bé chăn bò, chúng tôi chạy xe mải miết tới tận chân ngọn núi xanh thẳm hùng vĩ thách thức đất trời thì vào xã Ma Nới. Khi những làn gió mơn man phớt nhẹ qua đồi cỏ non. Khi sương mù còn phảng phất trên ngọn núi cao, tiếng cu đất gù gù dưới tán cây Kơnia cao vòi vọi. Con suối vẫn rì rào hiền hòa đưa dòng chảy từ sâu thẳm đại ngàn đổ vào các nuơng ngô khoai xanh tốt. Đó cũng là lúc Ma Nới đang khoác lên mình chiếc áo mới của mùa xuân. Những ngôi nhà sàn nhỏ xinh nằm tựa lưng vào vách rừng ngày ngày ngân nga giai điệu luyến láy của chim rừng, thú núi. Chamelaau, nghệ nhân duy nhất ở xã Ma Nới (Ninh Sơn - Ninh Thuận) còn lưu giữ bí quyết chế tác đàn Chapi từ thanh âm của tọ (tức âm của tre nứa). Kỳ diệu thay, âm thanh tọ lúc trầm lúc bổng, lúc da diết sâu lắng lúc lại xa xăm, buồn thảm như tiếng hú vọng về từ rừng xanh.
Ngày thứ bảy, các cán bộ xã đang phát cứu trợ cho đồng bào. Sự xuất hiện của chúng tôi làm đám đông bà con nhốn nháo, họ nhìn chúng tôi lạ lẫm và dò xét. Khi nghe chúng tôi trình bày, anh công an viên của xã hồ hởi dẫn đi. Đường vào nhà nghệ nhân Chamaleau phải vượt qua một con dốc sỏi đá ngoằn ngoèo, khúc khuỷu lên thác xuống ghềnh. Nằm ép mình bên dòng suối Ma Nới, ngôi nhà nửa mái tôn nửa mái tranh, nửa lát gạch, nửa nền đất của Ama Âu (tên gọi thân thiện của bản dành cho nghệ nhân Chamaleau) rộn lên tiếng cười con trẻ. Vừa nhìn thấy khách lạ, đôi mắt già Chameleau rực lên ánh sáng. "Ô! Vào đây, vào đây", giọng nói tiếng Kinh lơ lớ của nghệ nhân Chamaleau tràn đầy thân thiện, mến khách. Những mỏi mệt, lo âu dường như tan biến khi người nghệ nhân duy nhất của Ma Nới tấu lên bản nhạc từ cây đàn Chapi.
Đàn Chapi
20 năm một giấc mơ
Ông già sung sướng thật sự khi có người hỏi về đàn Chapi của dân tộc mình. Đã lâu lắm rồi, đàn Chapi không dùng tới nó được cất trên gác bếp nhà Ama Âu. Ông già lấy xuống, cẩn thận phủi bụi, màng nhện bám vào. Ông nâng niu cây đàn làm bằng một đốt tre già được đốn tận trong rừng sâu. Ôi! Đàn Chapi là đây. Thật không thể ngờ rằng, một âm thanh sống động réo rắt đến mê lòng như vậy lại được phát ra từ một gốc tre già cằn cỗi. Chamleau kể: "Đàn Chapi là của đồng bào Raglai chúng tôi. Từ thời khai thiên lập địa, ở mảnh đất này, bản làng dựa vào rừng mà sống và yêu nhau. Những mùa lên rẫy trồng tỉa, trai gái hò hẹn sau mỗi đêm trăng đều nối nhịp bằng tiếng đàn Chapi. Từ ngọn đồi này đến ngọn đồi kia, họ gọi nhau bằng tiếng đàn. Mỗi tiếng ứng với một khẩu hiệu được quy ước trước".
Tình yêu bắt đầu lãng mạn, da diết cũng chính từ điệu Chapi ấy. Trai muốn bắt vợ thì phải xem cô ấy có đàn giỏi hát hay. Gái muốn bắt chồng phải chọn anh nào có sức khỏe vạm vỡ, đi rừng săn thú giỏi. Cuộc tình hò hẹn trên nương trai gái chụm đầu vào nhau, ngửa mặt lên trời mà nghe Chapi gọi gió, gọi mây về chứng giám tình yêu của chúng ta. Mỗi đêm trăng dưới liếp tranh nhà sàn, vây quanh ngọn đuốc sáng rực, những cuộc trò chuyện, ca hát, nhảy múa như muốn nổ tung cái bản nghèo này.
Chamleau kể rằng: "Tiếc thay, tiếng đàn Chapi nay đã mai một đi nhiều rồi thậm chí thế hệ con cháu bây giờ chúng nó còn không biết đánh Chapi nữa. Già buồn lắm. Trước khi ông chú qua đời, già năn nỉ ông ấy truyền lại cho bí quyết chế tác giây tọ từ nứa. Già cố gắng nghe, cố gắng hiểu thật sâu thật kỹ sau đó già tự mày mò làm đàn Chapi. Khi những âm thanh đầu tiên của tọ ngân lên, già sung sướng đến chảy nước mắt. Như vậy già biết, Chapi sẽ không bao giờ chết".
Nói rồi, Ama Âu ôm đàn Chapi vào lòng gẩy. Những điệu nhạc thay đổi, luyến láy liên tục. Già gẩy điệu hò hẹn đêm trăng, bài con ếch... để tái hiện lại cuộc sống yêu đương cái thời già còn là anh trai làng vạm vỡ, đi tán gái suốt đêm không biết mệt. Đôi mắt già xa xăm rọi vào vách rừng chợt già hát, giọng hát khỏe khoắn, ầm ầm từ tiếng Raglai vang lên như thác chảy, như lũ về. Già bảo, ngày xưa tình yêu của già với người vợ bây giờ cũng từ tiếng đàn Chapi này. Ngày đó, già hát hay, đánh đàn giỏi nên chỉ cần hai đêm thập thò dưới mái hiên, già đã bắt được vợ.
Quả đúng với lời của giấc mơ Chapi: "Ôi Raglai như rừng cây ngọn núi mang tiêng đàn Chapi. Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn. Tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn không vui. Tôi nghe Chapi chợt thấy nao lòng vì một giấc mơ, ôi Chapi...".
Ma Nới vẫn còn đó, vẫn con đường duy nhất chạy từ chân núi ra thị trấn. Vẫn những nương ngô xanh mướt, những vạt lúa tù đọng trong thung lũng. Vẫn những chiếc gùi còng lưng cuốc bộ trên chót vót đỉnh đồi. Nhịp sống hối hả hơn, gấp gáp hơn nhưng trầm lắng và vắng bặt âm thanh của tiếng đàn Chapi.
Tâm sự của già Ama Âu Chợt thấy nao lòng vì một giấc mơ Chapi. Có lẽ nhạc sĩ Trần Tiến cũng nhận ra được sự lụi tàn của giấc mơ này nơi đại ngàn. Không buồn sao được khi vốn văn hóa của cả một cộng đồng đang mai một dần đi. Linh hồn tạo nên sức sống của núi rừng là cây đàn Chapi. Thanh niên, nam nữ ở ngay bên dòng Ma Nới này đã không còn mặn mà gì với Chapi của cha ông họ nữa. Giờ đây, xe máy đã chạy vào tận bản. Họ đã biết dùng tiền để đổi lấy những thứ phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ không chỉ gói gọn trong bản làng mà còn đua tranh ra với thành thị. Già Ama Âu buồn rầu: "Những con trai con gái của làng giờ chạy ra ngoài hết rồi. Chúng không chịu làm rẫy nữa. Điều ấy cũng tốt nhưng già buồn vì bọn chúng không đứa nào biết đến giấc mơ Chapi nữa rồi". |
Hoa Nguyên