Người đẹp cho biết: “Mẹ chồng mình là giáo viên, rất khéo và tâm lý. Còn bố chồng mình thì là cán bộ nhà nước, từng đi học ở nước ngoài nên tư tưởng rất thoáng và cởi mở. Đặc biệt, bố mẹ chồng mình chỉ có 2 người con trai, chồng mình là con cả, nên khi mình về làm dâu, bố mẹ chồng coi mình như con gái trong nhà. Mẹ chồng mình từng đùa: Con bé này nhí nhảnh, nũng nịu bố mẹ chồng như con gái vậy…”.
Nhớ lại lần đầu về Thanh Hóa ra mắt bố mẹ người yêu, Thụy Vân rất run. Thực ra, đó không hẳn là một buổi ra mắt, chỉ là về nhà người yêu chơi. Nhưng về nhà, sự thân thiện của bố mẹ người yêu đã khiến cô nhí nhảnh, tự tin như ở nhà.
Đến tối đi ngủ, vì nhà người yêu có 2 anh em trai nên ngoài phòng bố mẹ Cao Hoàng là có giường, còn lại phòng của 2 anh em Hoàng đều là đệm trải dưới đất. Thế là, bố mẹ Hoàng khăng khăng nhường phòng ngủ rộng thênh thang, có giường nằm, có công trình phụ khép kín của mình cho một mình Vân ngủ. Nghĩ lại cử chỉ này của bố mẹ chồng, đến bây giờ Vân vẫn cảm động vì thấy mình được trân trọng.
Sắp đến ngày kết hôn, Thụy Vân đã chủ động chuyển từ cách xưng hô cháu – bác sang gọi mẹ và xưng con. Mẹ chồng cô cũng bất ngờ và đáp lại khá “ngượng nghịu”. Lần đầu gọi tiếng mẹ với “người lạ”, Vân thấy hết sức bối rối. Buồn cười nhất là một lúc sau, Vân đang mải nói chuyện với bố đẻ của mình thì nghe mẹ chồng gọi, cô lại nhanh nhảu: “Vâng ạ! Bác bảo gì cháu ạ?” làm mẹ chồng cô cũng bật cười: “Thế lại bác – cháu à?” – Thụy Vân mới nhận ra và chỉ biết cười bối rối…
Theo lời Thụy Vân, mình là người may mắn, khi được về làm dâu trong một gia đình không chỉ tâm lý mà còn rất quý người và trọng tình cảm. Công việc bận rộn nên vợ chồng Thụy Vân ít có thời gian về quê thăm bố mẹ chồng. Thông cảm với hoàn cảnh của các con, nên thi thoảng, hai cụ lại thu xếp ra Hà Nội thăm con vài hôm.
Trong mối quan hệ với bố mẹ chồng, bản thân Vân đã luôn tâm niệm: Mình hãy cứ làm cho bố mẹ yêu quý mình đã, rồi hay đòi hỏi là mọi người yêu quý mình. Ngay từ khi xác định sẽ gắn bó cuộc đời với chàng, cô đã đặt ra cho mình một đường hướng rõ ràng: “Không nên phân biệt bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ, bên nào cũng phải yêu thương, chăm sóc như nhau… Bố mẹ đẻ của mình – mình cảm được cái tình yêu của bố mẹ từ mấy chục năm nay rồi, còn bố mẹ chồng thì khi lấy chồng mới bắt đầu làm quen, phải cảm nhận dần dần”.
Mỗi khi có dịp về quê thăm bố mẹ chồng – biết món khoái khẩu của con dâu là bánh đa nên thế nào mẹ chồng cũng dắt con dâu đi chợ để mua bánh đa sống rồi về tự tay nướng cho cô ăn. Có những khi, hai vợ chồng thức khuya đọc sách xong rồi sáng ra lại ngủ dậy muộn, trong khi người già vốn ngủ ít lại hay dậy sớm. Thế nhưng biết các con làm việc vất vả, có ngày cuối tuần nghỉ ngơi thì lại vượt đường xa về thăm nhà, nên bố mẹ chồng Vân thậm chí còn “đi nhẹ, nói khẽ” để cho hai con ngủ.
Đến 8h30, thấy muộn quá mà phòng hai con vẫn im thin thít, bố mẹ chồng cô liền đánh thức các con bằng cách nhắn tin vào điện thoại của chồng Vân: “Các con dậy chưa thế?”. Chằng thấy con trả lời, hai ông bà lại chờ thêm chút nữa rồi mới cử bố chồng Thụy Vân thân chinh lên gõ cửa: “Con ơi, dậy thôi!”…
Về nhà bố mẹ đẻ, cô con gái mới lấy chồng kể hết cho bố mẹ mình nghe, rằng bố mẹ chồng chiều con lắm, vợ chồng con ngủ nướng mà không ai nỡ gọi dậy… Thế là, cô nàng bị mẹ mắng cho một trận: “Con gái con đứa, về nhà chồng mà như thế à? Phải đặt chuông mà dậy sớm xem có việc gì làm thì phải xắn tay vào mà làm chứ? Ngày xưa mẹ đi lấy chồng, 5h sáng đã phải dậy rồi, không có việc gì làm cũng phải ngồi dưới bếp chứ?”.
Thiên Đức