Năm thứ 3 liên tiếp Nghệ An vượt mốc 20.000 tỷ đồng
Sáng 25/12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chủ trì, điều hành phiên họp UBND tỉnh thường kỳ để nghe, đánh giá, thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2024; kế hoạch, nhiệm vụ quý I năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,01%, đứng thứ 13 cả nước.
Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,14%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 13,61%; khu vực dịch vụ ước tăng 7,88%.
Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 24.797 tỷ đồng, đạt 155,9% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 15,3% so với thực hiện năm 2023, là năm thứ 3 liên tiếp vượt mốc 20.000 tỷ đồng và tiệm cận chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Sản xuất công nghiệp được phục hồi mạnh mẽ, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 15%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3,215 tỷ USD.
Năm 2024, lượng khách du lịch của tỉnh ước đạt 9,45 triệu lượt, trong đó khách lưu trú đạt 5,93 triệu lượt, khách quốc tế đạt 120.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 28.569 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 11.160 tỷ đồng.
Dự kiến lũy kế đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 327 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 127 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới.
"Điểm danh" 4 huyện, 3 chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư chưa lớn
Tính đến ngày 20/12/2024, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh đã giải ngân trên 7.547 tỷ đồng, đạt 73,35%, dự kiến hết năm 2024 đạt trên 95%. Các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, đúng tiến độ.
Tuy nhiên, một số nguồn vốn giải ngân còn thấp như: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (52,8%), Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (33,34%), vốn kéo dài (47,14%).
Bốn huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông và 3 đơn vị chủ đầu tư là Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh và Sở Giao thông vận tải có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn.
Mặc dù vậy, thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng, với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 61.488 tỷ đồng; trong đó vốn FDI dự kiến đạt gần 1,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, nằm trong tốp 10 cả nước.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét hơn. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã huy động dưới các hình thức đạt trên 843,19 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 11.787 căn nhà, đạt 75% kế hoạch cả giai đoạn 2023 - 2025.
Công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực; triển khai Đề án số 06 của Chính phủ đạt kết quả cao. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khối chính quyền tỉnh.
Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại tiếp tục được triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn nhiều huyện, thành phố, thị xã. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp trong tháng 12 dự kiến giảm so với cùng kỳ năm 2023.