Người thương binh trở về từ chiến trường
Như thường lệ, vào những ngày cuối tháng 7 hàng năm, thương binh 3/4 Nguyễn Bá Lệ, SN 1959, ở phường Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, thường xuyên mặc trên mình bộ quần áo màu xanh để tham gia các hoạt động tri ân, tưởng nhớ các thương binh, liệt sĩ.
Trở về đời thường sau 19 năm phục vụ quân đội, trong đó, gần nửa thời gian làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, tiếp đó một tai nạn lao động lại cướp mất cánh tay phải của người thương binh này. Cuộc sống đời thường trải qua nhiều khó khăn, biến cố, nhưng không làm ông Lệ nhụt trí.
Rót chén trà mời khách, ông Lệ rưng rưng nhớ lại những năm tháng hào hùng mà tuổi trẻ đã trải qua. "Tôi từng ước mơ trở thành thầy giáo dạy Văn, tôi đã từng là sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng đã "xếp bút nghiên" lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 1977, tôi đã lên đường nhập ngũ, trải qua thời gian huấn luyện, tân binh Nguyễn Bá Lệ được điều tới chiến trường biên giới Việt - Trung năm 1979".
Trong khoảng thời gian này, ông Lệ bị thương nặng phải đưa vào viện điều trị. Sau đó, ông Lệ học tập tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 và tiếp tục được Bộ Quốc phòng phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 143 Sư đoàn 315 mặt trận 579 ở Campuchia.
"Chiến tranh ác liệt, tôi cùng đồng đội đã bao lần "vào sinh ra tử" và may mắn sống sót, rồi những lần hành quân trong rừng sâu, bị sốt rét hành hạ…Gian khổ là vậy nhưng tư tưởng người lính bộ đội cụ hồ đã ăn sâu trong tiềm thức, giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để vượt qua tất cả", ông Lệ nhớ lại.
Năm 1994, ông Nguyễn Bá Lệ trở về quê hương với cấp bậc đại úy và mang thương tật 3/4, nhiều mảnh đạn vẫn găm trong người chưa thể lấy ra. "Bác sĩ bảo là không nên lấy mảnh đạn ra sẽ an toàn cho tính mạng của tôi. Thế nhưng, trái gió trở trời, bản thân lại lên cơn đau nhức, nằm liệt giường cả ngày", ông Lệ cho hay.
Thương binh không đầu hàng số phận
Từ một người lính vốn quen cầm súng, đánh giặc, vì cuộc sống mưu sinh của cả gia đình, người thương binh Nguyễn Bá Lệ đã thử sức với không ít ngành nghề khác nhau. Từ mở xưởng sản xuất gạch ngói đến làm Giám đốc điều hành của một Công ty xây dựng tổng hợp, rồi khai thác cát xây dựng... Khó khăn chồng chất khó khăn, thậm chí tai nạn lao động còn lấy mất cánh tay phải của người đàn ông trụ cột gia đình.
Thất bại nhiều lần trên thương trường nhưng nghị lực của người lính đã giúp ông trụ vững, từng bước vực dậy kinh tế gia đình, sản xuất có hiệu quả. Bản thân là thương binh hạng 3/4 và cũng là người khuyết tật nên ông Lệ luôn trăn trở tìm việc làm phù hợp, tự lực vươn lên làm giàu cho gia đình.
Theo đó, năm 2000, ông Lệ mở trang trại nuôi lợn, từ số lượng ít, ông Lệ nuôi, nhân đàn dần dần, có thời điểm ông nuôi hơn 100 con, cả lợn thịt và lợn nái.
Ông Nguyễn Bá Lệ chia sẻ: "Nuôi heo, điều đầu tiên phải quan tâm đến môi trường sống, đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, khép kín để hạn chế nguồn bệnh.
Cùng với đó, người chăn nuôi phải có kiến thức và kinh nghiệm, bản thân tôi cũng dành nhiều thời gian để đi tập huấn kỹ thuật nuôi lợn và học qua sơ cấp thú y".
Được biết, mỗi năm từ việc nuôi lợn, gia đình ông Nguyễn Bá Lệ đạt doanh thu từ 250 – 350 triệu đồng.
Thương binh Nguyễn Bá Lệ đã vinh dự được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế, Huy hiệu Dũng sĩ giữ nước, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba...
Ông Hoàng Văn Tùy, Chủ tịch UBND phường Bắc Nghĩa cho biết: "Ông Nguyễn Bá Lệ là thương binh hạng 3/4 nhưng với bản lĩnh của người lính cụ Hồ, ông đã vươn lên trong cuộc sống, trở thành một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương".