Oumuamua được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10 bởi kính thiên văn Pan-STARRS 1 ở Hawaii, là “du khách” đầu tiên xuất hiện trong hệ Mặt trời của chúng ta. Nó được cho là đến từ không gian giữa các vì sao ngoài hệ Mặt trời. Nó có thể đạt vận tốc tối đa 196.000 mph (87.3 km/s).
Trong lần tiếp cận Trái Đất với khoảng cách gần nhất vào tháng 10, Oumuamua được nhận định có màu đỏ, hình dạng dẹp, trông như một điếu xì gà với độ dài khoảng 400 mét.
Chương trình tìm kiếm thông tin ngoài Trái đất, được tài trợ bởi Yumi Milner, một nhà đầu tư ở thung lũng Silicon đã tuyên bố về nghiên cứu có liên quan tới vị “du khách” đặc biệt này. Theo đó, họ sẽ dùng kính thiên văn Green Bank Telescope ở West Virginia để lắng nghe liệu vật thể này có khả năng phát ra các tín hiệu của người ngoài hành tinh hay không.
Các nhà khoa học đã bị lôi cuốn bởi vật thể có màu đỏ này vì hình dáng dài, mỏng của nó không giống như các tiểu hành tinh và sao chổi thường gặp trong hệ Mặt trời.
“Hình dạng như một điếu xì gà của nó gợi lên suy tưởng về một con tàu vũ trụ vì nó sẽ giúp giảm thiểu ma sát và thiệt hại từ khí và bụi giữa các vì sao”, một đại diện của nhóm nghiên cứu cho biết.
Mặc dù hiện, khả năng Oumuamua có nguồn gốc tự nhiên cao hơn nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận tuyệt đối giữa các nhà khoa học. Chương trình nghiên cứu mới sẽ giúp khám phá ra những khả năng về một nền văn minh ngoài vũ trụ.
Kính thiên văn sẽ bắt đầu quan sát Oumuamua từ ngày 13/12. Các nhà khoa học sẽ tìm hiểu xem vật thể lạ này có phát ra các tín hiệu sóng hay không. Ngay cả khi không có tín hiệu, việc quan sát Oumuamua cũng có thể giúp họ biết thêm về các thành phần đá (có thể có cả nước) của nó.
Theo Space