Lá rách ít đùm lá rách nhiều
Ngày 13/9, PV Người Đưa Tin đã có mặt tại một số điểm tiếp nhận hàng ủng hộ người dân miền Bắc sau bão lũ tại khu vực phía Nam.
Ghi nhận tại một số điểm tập kết ở Tp.HCM, điển hình như tại: đường Huỳnh Văn Một (quận Tân Phú); đường Kha Vạn Cân (Tp.Thủ Đức), hàng hóa (mì gói, gạo, đường, sữa,...) được một số người dân gửi lại, rồi âm thầm rời đi.
Theo bạn Trần Huyền Trân, một tình nguyện viên tại điểm vận động, những gói hàng "vô danh" xuất hiện ngày càng thường xuyên. Ban đầu, các thành viên nhóm tình nguyện cảm thấy lúng túng và gặp khó khăn trong công tác ghi nhận danh sách.
Khi đã hiểu được tâm lý muốn đóng góp, trao tặng thầm lặng của người dân, nhóm đã dành riêng một mục để kiểm kê những hàng hóa cứu trợ, nhu yếu phẩm không có tên người gửi, bằng sự biết ơn, trân trọng sâu sắc.
Tại thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), trò chuyện với PV, anh Trần Tuấn Anh, một người hỗ trợ công tác chuyển hàng hóa cứu trợ ở địa phương cho biết, trong khi tham gia cùng đoàn vào ngày 12/9, anh tình cờ phát hiện trường hợp một bạn nữ (đồng phục học sinh) xuất hiện gần điểm tập kết nhu yếu phẩm. Bạn này đặt lại 3 thùng mì ăn liền, rồi nhanh chóng rời đi.
Qua trao đổi với cơ quan chức năng địa phương, được biết nữ sinh trên có hoàn cảnh đặc biệt, khi mồ côi cha mẹ và hiện đang sống với bà. Bản thân gia đình em cũng thuộc diện khó khăn.
Anh Tuấn Anh chia sẻ, anh cảm thấy xúc động trước nghĩa cử của bạn học sinh này, cũng như nhiều người dân lao động khác. Anh cũng cảm nhận sâu sắc tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam sau những ngày hỗ trợ tại điểm tiếp nhận hàng hóa từ thiện này.
Không có của, sẵn lòng góp sức
Tấm lòng hướng về đồng bào miền Bắc thân thương không chỉ được thể hiện qua vật chất, mà còn bằng những hành động thiết thực của nhiều người dân.
Bản thân họ không khá giả, cuộc sống còn khó khăn, nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ trong phạm vi cho phép và muốn góp công, góp sức tương trợ miền Bắc.
Trò chuyện cùng PV, anh Thái Anh Vũ (quê tỉnh An Giang, hiện trú ở tỉnh Bình Phước) cho biết: "Ngoài miền Bắc, ở những tỉnh gặp lũ quét, đồng bào mình quá khổ. Bây giờ, mình có gì thì cho nấy, gom được gì giúp nấy".
Theo chính quyền địa phương, anh Vũ cũng có hoàn cảnh tương đối khó khăn, khi bản thân anh còn không có cả điện thoại để liên lạc.
Cho rằng bản thân đóng góp còn khiêm tốn, anh Thái Anh Vũ bày tỏ nguyện vọng được ra Bắc hỗ trợ đồng bào trong cơn bão lũ.
Nhận thấy bản thân chỉ có thể đóng góp 1 thùng mì ăn liền là tương đối khiêm tốn, anh Vũ nói, sẵn sàng theo đoàn xe của địa phương ra Bắc hỗ trợ phân phát nhu yếu phẩm, tham gia tiềm kiếm người gặp nạn.
Bên cạnh sự ủng hộ của người dân, còn ghi nhận tấm lòng của những tình nguyên viên tại các điểm nhận hàng cứu trợ.
Đông đảo người dân sau khi đến gửi nhu yếu phẩm đã ở lại hỗ trợ nhân viên tại các điểm tập kiểm
Ngày 12/9, tại điểm tập kết trước Nhà Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Đắk Lắk (Tp.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), không chỉ có đoàn viên Thanh niên, tình nguyện viên mà người dân địa phương cũng có mặt từ sáng sớm, tích cực tham gia bốc vác, phân loại hàng hóa lên các xe vận chuyển.
Hay tại quận 12 (Tp.HCM), ngoài các điểm tập kết hàng hóa chờ chuyển lên xe, nhiều người dân cùng nhau tập trung tại các điểm phân loại, đóng gói thực phẩm, nhu yếu phẩm thành các túi riêng biệt để chuyển đến tay đồng bào cần giúp đỡ.
Mặc dù, hoạt động này dựa trên tinh thần tình nguyện, nhiều người vẫn dành trọn thời gian trong ngày và tăng ca đến đêm, để bảo đảm công tác cứu trợ diễn ra xuyên suốt.
Vào tối ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã công khai hơn 12.000 trang sao kê chi tiết về số tiền người dân ủng hộ giúp đỡ đồng bào miền Bắc.
Ghi nhận số tiền sao kê lên đến 527,8 tỷ đồng, bao gồm các thông tin chi tiết như ngày, giờ, số tiền và số tài khoản của cá nhân, tổ chức đã đóng góp từ ngày 1 - 10/9. Trong bối cảnh mọi "trái tim" đều hướng về đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, báo cáo của MTTQVN đã thu hút được nhiều sự chú ý, quan tâm từ dư luận mạng xã hội (MXH).
Nhiều người dùng đã dành thời gian kiểm tra và phát hiện một số cá nhân, tổ chức có dấu hiệu khai khống, công bố thông tin không chính xác, hóa đơn chuyển tiền bị chỉnh sửa so với dữ liệu thực tế từ cơ quan Chính phủ.
Không ít trường hợp bị cáo buộc "phông bạt" lựa chọn cách im lặng, xóa toàn bộ thông tin hoặc khóa trang cá nhân trước cơn bão phẫn nộ. Một số khác, phần lớn là người có sức ảnh hưởng, các TikToker,... lên tiếng thừa nhận chuyển nhầm, sai sót trong quá trình vận động ủng hộ, thậm chí phải xin lỗi, mong nhận được sự bỏ qua từ cộng đồng.
Trong khi có nhiều người "thổi phồng" bản thân để gây chú ý thì có rất nhiều người dân dù cuộc sống còn khó khăn, vẫn âm thầm hướng về đồng bào miền Bắc.
Khuynh Hà