“Kêu khó” khi được trợ lực
Ngày 25/10, chưa đầy 10 ngày sau khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ôtô được Thủ tướng ký ban hành, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã gửi kiến nghị khẩn thiết để phản đối một số quy định quan trọng trong nghị định này và cho rằng hoạt động kinh doanh của các thành viên VAMA sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới. Tuy nhiên, hầu hết các quy định bị phản ứng đều liên quan đến việc nhập khẩu xe trong khi VAMA về bản chất là tập hợp của các doanh nghiệp đang lắp ráp xe trong nước.
Cụ thể, VAMA nhận định việc phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là vấn đề nghiêm trọng với tất cả các thành viên VAMA và lo ngại ở thời điểm nghị định có hiệu lực các xe nhập từ các đơn hàng trước đó sẽ bị ùn tắc lại ở cảng.
VAMA cũng “phàn nàn” rằng vướng mắc trong thực hiện các quy định mới trong thời gian quá ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng, đến hoạt động của doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách.
Liên quan tới quy định kiểm tra từng lô xe nhập khẩu, giải pháp kỹ thuật được cho là sẽ giúp chặn làn sóng xe nhập ồ ạt vào Việt Nam sau năm 2018, VAMA cho rằng quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và lãng phí chi phí của xã hội.
Không chỉ phản ứng với những nỗ lực chặn cơn bão xe nhập giá rẻ của chính phủ, VAMA dường như còn cho thấy không muốn đầu tư thêm vào sản xuất khi kêu khó với yêu cầu về chiều dài đường thử với chiều dài tối thiểu 800 m và tối thiểu 400 m đường thẳng.
Các chuyên gia cho rằng tiêu chuẩn đường thử trên phù hợp với thông lệ quốc tế và buộc các nhà sản xuất trong nước phải có sự đầu tư bài bản chuyên nghiệp. Tuy nhiên, VAMA lại cho rằng quy định này sẽ buộc các liên doanh xe phải tìm thêm đất, đầu tư cho việc xây mới đường thử mới hoặc mở rộng đường thử.
“Chê” ưu đãi, vì muốn thu nhiều đầu tư ít?
Phản ứng của VAMA khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, đặc biệt trong bối cảnh giá xe lắp ráp trong nước đang ngày càng giảm và có thể còn giảm tiếp khi các chính sách ưu đãi thuế có hiệu lực, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia trong ngành lại cho rằng phản ứng trên là tất yếu bởi không ít liên doanh đang rục rịch bỏ lắp ráp chuyển sang nhập khẩu xe để tận dụng việc thuế nhập khẩu xe sẽ giảm từ ngày 1.1.2018 và những quy định mới thực sự sẽ là rào cản với những kế hoạch này.
“Nhu cầu thị trường lớn, tâm lý khách hàng chuộng xe ngoại, các liên doanh sản xuất ô tô tại Việt Nam không cần phải đầu tư dây chuyền và công nghệ vì chỉ việc nhập xe rồi bán, ăn chênh lệch, lợi hơn nhiều lại ít rủi ro,... nếu các quy định về hoạt động nhập khẩu ô tô dễ như hiện tại”, một chuyên gia thẳng thắn phân tích.
Trên thực tế, để được hưởng các chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế nhập linh kiện, các nhà sản xuất xe đều phải mạnh dạn đầu tư, tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng sản lượng vì càng sản xuất nhiều càng được ưu đãi.
Trong khi đó, không phải liên doanh xe nào cũng sẵn sàng chi hàng triệu USD nâng cấp dây chuyền ngay cả khi những dây chuyền đó đã mang lại lượng lớn lợi nhuận sau hơn 20 năm hưởng ưu đãi từ các chính sách của Chính phủ Việt Nam.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước giai đoạn bước ngoặt mang tính sống còn sau 20 năm không rõ định hướng, loay hoay trong chiến lược và việc Chính phủ dành những ưu đãi cho những doanh nghiệp thực sự vì người tiêu dùng, dám đầu tư tăng tỉ lệ nội địa hóa, dám giảm giá để tăng sự cạnh tranh… được ví như “liều doping” thúc đẩy cho sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động.
Bình An