Bà Nguyễn Thị Tể (82 tuổi, thường gọi bà cụ Nhượng) - quê ở thôn 10, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (Bình Định), tuy tuổi ngoài tám mươi nhưng bà vẫn còn minh mẫn, đi đứng bình thường, hiền hậu, bà con làng trên xóm dưới ai ai cũng tin yêu, kính trọng! Còn Trần Tuấn Tú (22 tuổi), con trai đầu của vợ chồng ông Trần Văn Ngọc (55 tuổi), bà Nguyễn Thị Hậu (52 tuổi) ở cùng thôn 10 (xã Mỹ Thắng).
Năm Tú 18 tuổi, cũng như bao thanh niên lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. Hơn một năm nay, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Tú về quê hương và đến sống cùng nhà với bà ngoại để bà cháu hủ hỉ bên nhau, trước đây Tú cũng sống với bà và được ngoại cưu mang, chăm bẵm từng miếng ăn giấc ngủ. Tú còn có hai người em sống với cha mẹ và rất hiếu thảo với đấng sinh thành.
Ngày 27/1/2013, bà Tể ở nhà chăm sóc mảnh vườn và thường nấu cơm đợi "quý ngoại tử" về ăn. Mãi đến chiều hắn nhậu với bạn bè về rồi tìm chỗ ngả lưng. Dù thương cháu nhưng bà cụ vẫn la rầy "thương cho roi cho vọt" nên Tú đã cãi lại: "Bà để tui yên".
Đến khoảng chạng vạng tối cùng ngày, vài người hàng xóm nghe tiếng kêu thét thảm thiết từ nhà bà Tể nên chạy qua phát hiện trong buồng là thân thể bà cụ với bê bết máu, cụ đã tắt thở vì thương tích nặng, bên cạnh thi thể là chiếc rựa dính máu tươi. Nhiều người thấy tên Tú chạy ra sân đạp xe gắn máy nổ, đầu không đội mũ bảo hiểm, đang trốn chạy khỏi hiện trường.
Nhận tin báo về án mạng kinh hoàng, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Định phối hợp cùng công an huyện Phù Mỹ xuống hiện trường điều tra vụ việc. Ngay sau đó, hung thủ đã bị bắt giữ chính là đứa cháu ruột của bà Tể.
Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Tú khai rằng do bà ngoại nhờ sửa chữa bóng đèn điện bị hỏng và có "lên lớp" nên y cầm rựa chém bà ngoại đến chết. Dư luận huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang phẫn nộ, lên án cho hành vi tàn bạo của tên nghịch tử bất nhân, đề nghị phải có bản án nghiêm khắc dành cho Trần Tuấn Tú.
Luật xưa: Kẻ bất hiếu sẽ bị xử chém
Trong xã hội xưa, bất hiếu là tội "thập ác". Còn trong pháp luật Việt Nam hiện hành, tội này có thể bị phạt tù 3 năm. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống trọng chữ hiếu. Thời xưa, trong bất cứ trường hợp nào, con cháu cũng phải giữ đạo hiếu với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, truyền thống này đôi lúc "lung lay". Ngày càng xuất hiện nhiều người không giữ đạo hiếu làm con, cháu.
Tội bất hiếu nhẹ có thể là thờ ơ, không quan tâm đến ông bà, cha mẹ. Nặng hơn có thể là bỏ mặc, hành hạ, đánh đập, thậm chí nhiều trường hợp đang tay cướp đi tính mạng của đấng sinh thành.
Những bộ luật lớn thời xưa như Bộ luật Hồng Đức (thế kỷ XV), Bộ luật Gia Long (thế kỷ XIX) đều quy định rất rõ ràng và có hình phạt rất nghiêm.
Thời đó, con cái chỉ cần làm trái lời dạy bảo của cha mẹ, rủa mắng ông bà, cha mẹ hay nuôi nấng cha mẹ không chu đáo đã là phạm tội hình sự, bị liệt vào nhóm tội thập ác (một trong mười trọng tội). Người phạm tội sẽ bị phạt đồ hình (đày đọa làm việc nặng nhọc, cực khổ), bắt làm khao đinh (phục vụ cho lính ở chiến trường) và hình phạt nặng nhất là phải bị xử chém.
Tường Linh