Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với thông tư đưa ra về tiến trình thực hiện kiểm tra chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm (ATTP).
Dự thảo về việc kiểm tra các sai phạm trong luật môi trường và tài nguyên được áp dụng đối với các đơn vị, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, do lực lượng cảnh sát môi trường và người có thẩm quyền trong Công an nhân dân (CAND) tiến hành theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với ATTP sẽ do các lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm và các cơ quan có thẩm quyền trong lực lượng CAND tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ Công an, người đưa ra quyết định kiểm tra phải đưa ra đầy đủ bằng chứng để có thể tiến hành thủ tục kiểm tra chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật.
Khi phát hiện có dấu hiệu hoạt động phạm tội; dấu hiệu vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm, các cơ quan, đơn vị Công an nhân dân được giao nhiệm vụ, thẩm quyền phải tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định có hay không có dấu hiệu phạm tội, hành vi phạm tội, hành vi vi phạm hành chính và chủ động, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời thông tư cũng nghiêm cấm hoàn toàn việc lợi dụng kiểm tra để gây khó khăn, xâm phạm hay quấy nhiễu cho các hoạt động sản xuất , kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp hay các cá nhân nhỏ lẻ.
Khi phát hiện có sai phạm, đối tượng bị điều tra có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật đối với các quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra nếu cho đây là hành vi trái pháp luật.
Ngược lại, trong trường hợp đối tượng kiểm tra có hành vi không hợp tác, cản trở hoặc chống đối các hoạt động kiểm tra thì đoàn kiểm tra hoàn toàn có quyền lập biên bản vi phạm và báo cáo hoặc chuyển đến cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu như phát hiện và xác định rõ có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền có quyền thực hiện theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
Việc quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển vụ việc để giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự (hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự đối với trường hợp kiểm tra để phục vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm) phải được thể hiện trong bản kết luận kiểm tra do Thủ trưởng cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định kiểm tra ký ban hành và trong thời hạn tối đa 15 ngày (trừ trường hợp các thủ tục áp dụng theo pháp luật tố tụng hình sự) kể từ ngày người có thẩm quyền quyết định xử phạt hành chính hoặc chuyển vụ việc để giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự (hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự) phải gửi bản kết luận kiểm tra cho người sở hữu hoặc người quản lý, người điều khiển đối tượng kiểm tra và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật (đối với thủ tục tố tụng hình sự thì thực hiện theo thời hạn được pháp luật tố tụng hình sự quy định).
Bùi Ngọc Ánh