Người đọc tò mò với cái tên Phạm Thị Ngọc Thanh. Không phải vì sự ồn ào náo nhiệt mà ta thường thấy của những người viết trẻ, không phải vì cái diêm dúa sáo mòn của những tác phẩm thị trường. Người đọc tìm tới thơ văn của Ngọc Thanh vì một nét đẹp bình dị nhưng rất trang đài, một nét đẹp quý hiếm trong thời buổi kinh tế thị trường.
Cái tình trong thơ của Phạm Thị Ngọc Thanh mang lại nỗi niềm riêng cho bạn đọc.
Ngọc Thanh không xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện truyền thông nhưng thơ văn của chị vẫn có một lượng độc giả lớn. Là một cô giáo dạy Tin Học nhưng chị lại cầm bút viết văn như thể đó là cái nghiệp chính của đời mình. Khi được hỏi chị đã làm cách nào để có được một lượng độc giả như thế khi công việc chính của chị lại không liên quan đến nghề viết. Ngọc Thanh đã chia sẻ rằng: Bạn đọc thương cái tình trong thơ tôi.
Các tác phẩm xuất bản của Ngọc Thanh: Trổ bông ( Thơ) ; Hình hài của Gió ( Tản văn).Trong tháng 5 này, chị sẽ xuất bản tiểu thuyết đầu tiên, hứa hẹn nhiều bất ngờ: Ba bước tới mặt trời. Hiện chị vừa dạy học vừa viết bài cộng tác cho nhiều đầu báo và nhà xuất bản. |
Ngẫm câu nói của chị. Câu nói chính xác. Bạn đọc thương cái tình trong thơ của Ngọc Thanh. Thương cái thật thà trong thơ của chị. Thương những tình cảm trìu mến nồng nàn như xuyên qua con tim người đọc, như xâu chuỗi từng kỷ niệm vào nhau. Những câu thơ, những bài tản mạn bật lên từ con tim nên nó làm cho người đọc như khóc, như cười, như đau đáu một nỗi niềm riêng.
Thơ văn của Ngọc Thanh như dải lụa mềm mại lấp lánh. Chị sử dụng nhiều mỹ từ lạ và độc đáo nhưng rất gợi và rất đẹp. Khi đọc xong người ta cứ phải mường tượng theo. Một lần tôi có dịp gặp một ông bạn già. Trong cuộc trò chuyện, tôi nhắc tới thơ thời nay khó kiếm tìm cảm xúc chân thực lay động quá. Ông bạn kéo ngăn tủ đưa cho tôi hai tập sách của Phạm Thị Ngọc Thanh. Ông bảo: Cậu đọc cái này đi.
Bìa tiểu thuyết ba bước tới mặt trời.
Thơ văn của Ngọc Thanh khó kiếm được một câu nổi bật bởi dường như câu nào cũng gắn kết và trôi tuột vào tim. Chị tâm sự rằng: Tôi muốn níu những bàn chân đang vội vã mỗi khi lướt qua trang thơ của tôi. Tôi muốn thơ tôi thành miền đồng thảo để ru những nỗi buồn riêng chung.
Tôi chợt nhớ hai câu thơ trong bài “Đồng thảo” của chị: “Níu chân người nhẹ qua đây/ Ru miền đồng thảo buồn lay giọt buồn...”. Như vậy trong thơ chị có gửi gắm triết lý sống riêng mình. Thơ của chị buồn nhưng không bi lụy, trong những nỗi niềm chia biệt tiếc nuối vẫn có luồng ánh sáng của niềm tin yêu cuộc đời. Tôi không biết chị đã ru được nỗi buồn của bao người đọc nhưng tôi nhận thấy thơ chị mang mùi thơm một loài hoa đẹp giữa miền thảo nguyên.
Chúc cho những trang viết của chị sẽ luôn lay động tâm hồn người đọc.
Viễn Phố