Lãng phí từ sản xuất đến tiêu dùng
Viện Kỹ sư cơ khí Hoàng gia Anh (IME) vừa công bố một bản báo cáo về tình trạng sử dụng lương thực của người dân nước này khiến dư luận xứ sương mù phát choáng: Trung bình mỗi năm, cả đảo quốc này đã vứt bỏ khoảng 7 triệu tấn thực phẩm, trị giá chừng 10 tỷ bảng Anh. Trong đó, số thực phẩm bị vứt bỏ khi vẫn có thể sử dụng tốt có giá trị khoảng 1 tỷ bảng. Tính trung bình, mỗi hộ gia đình Anh lãng phí tới 24.000 bảng cho thực phẩm trong suốt vòng đời của mình.
Báo cáo của IME cho biết, chỉ một số rau quả của nước Anh được người dân sử dụng trong các bữa ăn. Còn lại bị vứt bỏ bởi các lý do như: Bị hủy ngay tại nông trại do các nhà phân phối từ chối nhập vì cho rằng chúng không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông; được chấp nhận nhưng lại bị hư hỏng trong quá trình tiêu thụ; bị người mua vứt bỏ vì không dùng đến.
Chỉ một phần nhỏ số thực phẩm này được sử dụng.
IME chỉ đích danh hệ thống siêu thị nước này phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí khổng lồ trên. Theo các tác giả của bản báo cáo, chính các tem nhãn hàng chỉ bán trong ngày dán lên thực phẩm tươi sống, đặc biệt là nhóm hàng rau quả của các siêu thị đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng về hạn sử dụng ngắn ngủi của các loại thực phẩm này. Đồng thời, các siêu thị cũng thường xuyên áp dụng chính sách khuyến mại kiểu mua một tặng một khiến khách hàng có xu hướng lựa chọn một khối lượng thực phẩm vượt quá nhu cầu của họ rất nhiều.
Để rồi đến chiều tối, khi nhìn vào một đống thực phẩm có dán nhãn hàng bán trong ngày, những bà nội trợ đã hiểu đó là hàng sử dụng trong ngày. Kết cục là chỉ một lượng nhỏ trong số những thứ còn rất tươi ngon ấy được hiện diện trên bàn ăn, phần lớn còn lại bị ném vào thùng rác một cách không thương tiếc.
Tiến sĩ Tim Fox, người đứng đầu nhóm lập báo cáo cho biết, chính các siêu thị đã khiến người tiêu dùng Anh hình thành nên thứ văn hóa tiêu dùng mua để vứt đáng xấu hổ này. Khái niệm thực phẩm kém giá trị đã bị các nhà phân phối, bán lẻ áp đặt một cách bừa bãi, chặt chẽ quá mức cần thiết lên thực phẩm, khiến một lượng lớn bị vứt bỏ ngay sau khi được thu hoạch. Trong quá trình lưu thông, chúng liên tục bị thải loại với tỷ lệ rất cao. Khi đến tay khách hàng rồi, thực phẩm lại tiếp tục bị đánh giá là đã hư hỏng và bị vứt bỏ chỉ vì sự ngộ nhận của người tiêu dùng do chính các siêu thị tạo nên cho họ.
Chỉ tính riêng các sản phẩm đóng hộp, rau quả, trái cây tươi, mỗi năm nước này vứt đi tới 1 tỷ bảng, dù những thực phẩm này hoàn toàn vẫn ngon lành và có thể ăn được bình thường. Thói quen mua rồi vứt của người tiêu dùng Anh khiến cho từ 30 - 50% thực phẩm bị vứt bỏ sau khi được mua về từ các siêu thị và cửa hàng bán lẻ.
Theo tiến sĩ Tim Fox, ngoài nguyên nhân từ phía các siêu thị như đã nói ở trên, thì việc các hộ gia đình Anh chỉ mất khoảng 11% thu nhập cho thực phẩm, một tỷ lệ khá thấp trong số các nước phát triển cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ném tiền qua cửa sổ. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến khách mua hàng tại siêu thị trong khuôn khổ cuộc điều tra của IME cho thấy, riêng cái tội có vẻ bề ngoài không bắt mắt đã khiến 30% rau quả tươi bị khách hàng bỏ thối trên các kệ hàng.
Các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ngặt nghèo quá mức cần thiết và được xây dựng một cách tùy tiện của các siêu thị, khiến các nông dân phải canh tác một lượng hoa màu nhiều hơn bình thường khi nhận được một đơn đặt hàng. Đây là một cách dự phòng của các trang trại để đảm bảo rằng, họ sẽ có đủ thực phẩm tươi sống cung cấp cho siêu thị theo đúng hợp đồng đã ký. Mức phạt khi giao rau củ quả không đủ số lượng và chất lượng mà các siêu thị áp dụng cho họ rất cao, cao hơn cả giá trị số thực phẩm dự phòng dư thừa. Do đó, nếu nhận được đơn đặt hàng 10 tấn cải bắp, một người nông dân sẽ chuẩn bị trồng ra khoảng 15 tấn cho chắc ăn.
Thay vì có mặt trên bàn ăn, điểm cuối của 75% thực phẩm ở Anh là bãi rác.
Cái cách người Anh lãng phí thực phẩm cũng rất... đại gia: Trong khi nhiều quốc gia EU khác tận dụng được phần lớn lượng thực phẩm thải loại để làm thức ăn cho gia súc hoặc ủ làm phân bón sinh học, tái sử dụng cho trồng trọt thì ở Anh, những thực phẩm hẩm hiu này chỉ có một đích đến cuối cùng là bãi rác. Kết quả là, lại phải mất thêm một khoản tiền lớn nữa để xử lý những núi rác khổng lồ này. IME cho biết, đang tính toán số tiền trên để làm rõ xem, rốt cuộc thì 75% thực phẩm bị lãng phí đã khiến dân Anh mất bao nhiêu tiền.
Theo ước tính của Tổ chức lương thực thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 2 tỷ tấn lương thực bị lãng phí. Nhưng phần lớn số này xảy ra ở các nước đang phát triển, những nơi có trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp khiến thất thoát trong khâu thu hoạch, chế biến sau thu hoạch và bảo quản cao. Trong nhóm các nước phát triển, các chỉ tiêu này đều rất thấp, trừ Anh. Báo cáo của IME không phải là hồi chuông đầu tiên báo động về thực trạng đáng buồn này.
Trước đó, vào năm 2011, Tổ chức tái chế thực phẩm Anh (WRAP) cũng từng công bố thống kê rằng, tại nước này chỉ có 20% thực phẩm và đồ uống được sử dụng sau khi rời khỏi siêu thị. Đáng tiếc là lúc đó, WRAP không đưa được những con số thống kê chi tiết hơn, và chiến dịch kêu gọi đóng gói thực phẩm để bảo quản, cũng như tái chế thực phẩm hư hại mà họ kêu gọi ngay sau đó đã khiến nhiều người nghi ngờ tính khách quan của kết quả này.
Nhưng sau bản báo cáo của IME - một tổ chức đầy uy tín mang danh Hoàng gia dư luận Anh đã tỏ ra quan tâm hơn. Nhiều tranh luận đã diễn ra trên các mặt báo, chứng tỏ những con số lãng phí khổng lồ kia đã thu hút được người dân nước này. Tiến sĩ Tim Fox cho biết, sau một năm nữa, nhóm của ông sẽ tiến hành đánh giá lại những chỉ tiêu này xem có được cải thiện hay không.
Dù vậy, vị tiến sĩ cũng dè dặt khi được hỏi về phần trăm giảm lãng phí mà ông dự đoán. Rõ ràng, để thay đổi thói quen mua sắm của cả một xã hội là một điều cực kỳ khó khăn và điều đó không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Như vậy có nghĩa là, dân Anh sẽ còn tiếp tục ăn một miếng, vứt ba miếng trong nhiều năm nữa.
Trước những chỉ trích của IME và lời kêu gọi hành động thay đổi thói quen người tiêu dùng của Hiệp hội này, các siêu thị Anh đã có phản ứng khá cầu thị. Ông Andrew Opie, giám đốc phụ trách mảng thực phẩm và tính bền vững của Hiệp hội những nhà bán lẻ Anh cho biết, sẽ có những biện pháp thích hợp để chống lại sự lãng phí không thể chấp nhận được này.
Hiệp hội sẽ yêu cầu tất cả các nhà bán lẻ thành viên buộc nhà cung cấp, các trang trại có biện pháp thích hợp để cắt giảm lượng thực phẩm bị thải loại, giảm lượng canh tác dự phòng. Bản thân các siêu thị phải chấm dứt kiểu dán nhãn gây hiểu lầm của mình và hạn chế tối đa những chương trình khuyến mại khiến thực phẩm trở nên rẻ rúng một cách quá đáng.
Ông cũng cho biết đã gửi thư kiến nghị Chính phủ Anh ban hành chỉ tiêu đối với chất thải thực phẩm. Đồng thời, nghị viện EU cũng phải nới lỏng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hiện nay đối với trái cây và rau xanh để cho phép các nhà bán lẻ cung cấp nhiều hạng sản phẩm hơn. Cùng với sự chuyển biến trong ý thức của người tiêu dùng, hy vọng trong tương lai sẽ không còn cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” như hiện nay nữa.
Thanh Tùng (Theo DailyMail)