Say mê “gom” gốm quý
Vào năm 2013, anh Võ Minh Luân (SN 1985, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cùng vợ là chị Bùi Thị Yến (SN 1985) làm xong căn nhà tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thấy trong nhà trống trải, vợ chồng anh rủ nhau đi dạo bờ kênh ở thành phố mang tên Bác để mua một số hiện vật cổ về trưng bày, trang trí trong nhà.
Quá trình đó, anh phát hiện ra, nhiều đồ vật cổ xưa chứa đựng nét văn hóa về vùng đất Tây Nguyên đại ngàn – nơi anh sinh ra và lớn lên.
Cũng từ đó, anh Luân âm thầm đi đến nhiều nơi để sưu tầm các hiện vật cổ như gốm sứ, tranh ảnh, sách... có khắc họa những hình ảnh về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Cứ thế, anh mê mẩn các cổ vật từ lúc nào không hay và dành dụm không ít thời gian, công sức, lẫn tiền tiền bạc để tìm hiểu, sưu tầm.
Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của vợ, sau hơn 10 năm rong ruổi khắp nơi, anh Luân đã sở hữu hơn 10.000 hiện vật, với hơn 2.000 năm lịch sử (từ thời Đông Sơn đến nay).
Trong đó, có bộ sưu tập gốm hàng ngàn hiện vật cổ (chóe, tượng, bình, chum, ống dù, ống đựng tranh...) về các dân tộc Tây Nguyên.
Anh Luân cho hay, bộ sưu tập gốm sứ cổ xưa nói trên bao gồm nhiều dòng gốm khác nhau như: Đông Sơn, Lý, Trần, Lê, Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà, Gò Sành, Quảng Đức, Châu Ổ, Biên Hòa, Lái Thiêu.
Để có được các hiện vật này, anh Luân không ngừng tìm hiểu, sưu tầm từ các nhà sưu tầm nổi tiếng ở Việt Nam. Một số khác, anh mạnh dạn tham gia các đợt đấu giá ở các nước như Pháp, Mỹ mới có được những hiện vật cổ xưa về Tây Nguyên.
Trong rất nhiều hiện vật gốm sứ đang sở hữu, anh Luân cho biết, chiếc đĩa khắc họa rõ nét văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác phi vật thể của nhân loại được UNESCO ghi nhận. Đây cũng là linh hồn của bộ sưu tập gốm Tây Nguyên mà anh có được.
“Trên chiếc đĩa có chạm khắc hình ảnh 11 người, trong đó có 10 người đang đứng thành vòng tròn để đánh cồng chiêng và một trưởng buôn đang ngồi uống rượu cần của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, được làm trong khoảng thời gian từ 1950-1970.
Đây là chiếc đĩa được nhà sưu tập Phạm Hải Long ở thành phố Hồ Chí Minh. Quý mến niềm đam mê và mục đích từ việc sưu tầm đồ cổ của vợ chồng tôi, anh Long đã tặng cho tôi chiếc đĩa này để cho khách du lịch và người dân ở Buôn Ma Thuột được biết. Nhiều chuyên gia và các nhà chuyên môn đánh giá rất cao về giá trị hội họa trên chiếc đĩa này”, anh Luân chia sẻ.
Ngoài chiếc đĩa nói trên, chiếc chóe của dòng gốm Gò Sành trên đó có đắp nổi 2 con rồng cũng được anh Luân xem như là báu vật.
Anh Luân lý giải: “Chiếc chóe này tôi sưu tầm được của một nhà sưu tập ở Huế. Người này đã sưu tập được chiếc chóe cổ từ một người đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đây là cái chóe quý hiếm của dòng gốm Gò Sành được sản xuất ở Bình Định từ thế kỷ XIII-XV. Cho đến thời điểm hiện nay, đây là chiếc chóe duy nhất ở Việt Nam, cái còn lại được lưu giữ tại một bảo tàng ở Vương quốc Hà Lan”.
Theo anh Luân, với người đồng bào dân tộc Tây Nguyên, hình ảnh cái choé gắn liền với cuộc sống hàng ngày để chứa rượu cần, nước uống, gạo... Không chỉ vậy, với người dân tộc ở Tây Nguyên xưa, chóe còn là tài sản quý giá của gia đình, là thước đo về sự giàu có và uy lực, là lễ vật dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là vật nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng, là sính lễ trong cưới hỏi, là của hồi môn cho con cái và là tài sản chia cho người quá cố...
Mặt khác, nhiều lễ hội của người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng được thể hiện rất rõ nét trên bộ sưu tập gốm sứ cổ mà anh Luân đang sở hữu như: Lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, săn bắt thú rừng, đàn T’rưng hay lễ hội săn voi...
Mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống
Cùng với niềm đam mê với gốm sứ, anh Luân còn sưu tầm hơn 100 bức tranh mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên đạt giải cấp khu vực, quốc gia của các họa sĩ nổi tiếng ở Đắk Lắk như: Y Nhi Ksơr, Lê Vấn, Hồ Hậu, Trần Thanh Long...
Trong đó, bức tranh “Nụ cười M’nông” của họa sĩ Trần Thanh Long, Chi Hội trưởng Hội Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk đạt giải B năm 2018 đã khắc họa rõ nét về niềm vui khi mùa màng bội thu của người đồng bào Tây Nguyên. Đồng thời, thể hiện cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây ở thời buổi hiện nay.
Hay những bức tranh nổi tiếng khác như: “Giấc mơ màu xanh” của họa sĩ Hồ Hậu đạt giải khuyến khích năm 2020, “Sự nổi giận của nữ thần mặt trời” của họa sĩ Y Nhi Ksơr, “Chiều Cao nguyên” của họa sĩ Ngô Văn Sĩ đạt giải 3 năm 2020, “Ngủ ngoan a kay ơi” của họa sĩ Y Buih Niê Kdăm... cũng được anh sưu tầm và gìn giữ cẩn thận suốt nhiều năm nay.
Nhà sưu tập Võ Minh Luân còn dày công tìm kiếm sưu tầm khoảng 3.000 cuốn sách cổ xưa viết về con người, vùng đất, văn hóa Tây Nguyên.
Ngoài ra, vợ chồng anh Luân còn sưu tập hơn 20.000 hiện vật liên quan đến hình tượng con voi bằng các chất liệu khác nhau như gốm sứ, ngà, gỗ, sừng, đồng, sắt, đá, tài liệu, tranh, ảnh… Trong đó, có hơn 200 tượng voi khác nhau có niên đại hàng trăm năm lịch sử.
Tất cả những hiện vật sưu tập được, anh Luân luôn gìn giữ, bảo tồn cẩn thận tại căn nhà cổ Đại Ngàn ở số 43 Y Khu (buôn Păn Lăm, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột). Không giữ những cổ vật cho riêng mình, thời gian qua, anh Luân thường xuyên mở cửa ngôi nhà cổ Đại Ngàn để cho người dân và du khách đến tham quan.
Bằng những hiện vật cổ xưa, anh mong mọi người biết và hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thời xa xưa rất đẹp và trù phú. Để từ đó, mọi người cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy ngành du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.
Khánh Ngọc