Người dân lo ngại tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa"

Người dân lo ngại tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa"

Thứ 3, 22/01/2013 08:23

Liên quan đến Thông tư 30 của bộ Y tế, ông Trần Quang Trung, cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết: "Đây không phải là thông tư đầu tiên ban hành mà nó bổ sung, siết chặt thêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các quán ăn đường phố. Thông tư lần này cũng cụ thể hơn các thông tư trước và mong muốn người tiêu dùng được an toàn".

Liên quan đến những băn khoăn về việc cung cấp hóa đơn, chứng từ của nguyên liệu thức ăn, ông Trung giải thích, yêu cầu của thông tư đưa ra không quá phức tạp như nhiều người nghĩ. Hóa đơn không phải hóa đơn tài chính, không phải hóa đơn đỏ mà có thể chỉ là một hóa đơn mua bán bình thường như khi ta đi vào siêu thị để xác nhận rõ nguồn hàng thực phẩm có xuất xứ từ đâu. Ngoài ra, giấy khám sức khỏe cũng vậy. Nó không quá phức tạp như chiếc giấy khám sức khỏe để vào cơ quan Nhà nước mà là giấy chứng nhận không mang các bệnh tật lây truyền.

Đề cập đến việc khó thực thi thông tư này đối với những đối tượng bán hàng rong, ông Trung cho rằng, không có quy định nào đưa ra là không khả thi. Nó cần phải có thời gian để đi vào thực tế, phải tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu để tự nguyện thực hiện.

Xã hội - Người dân lo ngại tình trạng 'bắt cóc bỏ đĩa'

Ông Trần Quang Trung, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, ông Trung cũng nhấn mạnh, bất cứ quy định nào cũng vậy, khi mới ban hành bao giờ cũng nhận được nhiều dư luận trái chiều. Đương nhiên, không phải cứ đi vào thực hiện là có thể có được một kết quả tốt đẹp như mong muốn. Tuy nhiên, nếu cứ thấy khó mà không làm thì sẽ không bao giờ thành công được. Bản thân những người cán bộ như chúng tôi cũng chỉ mong có được sự giúp sức của tất cả các cơ quan ban ngành khác cũng như người dân để bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Hoàn toàn đồng tình với tinh thần của Thông tư 30 nhưng không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi thực tế. Chị Lê Thị Hân (Đống Đa, Hà Nội), đã có 15 năm bán bún riêu cua vỉa hè trên phố Vĩnh Hồ tỏ ra gay gắt khi nhắc đến thông tư này. Chị cho biết: "Ốc tôi đặt người quen ở quê thu mua. Đã là gia đình thì làm gì có giấy tờ, hóa đơn. Hay là mỗi lần em tôi muốn gửi ốc cho chị lại phải đi kiểm tra an toàn rồi xin giấy chứng nhận là ốc đảm bảo chất lượng, sạch rồi mới được mang ốc lên Hà Nội?".

Đồng quan điểm, cô Hoa, chủ một quán nhỏ chuyên bán trứng vịt lộn cạnh bến xe Mỹ Đình cho biết: "Tôi chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, được ngày nào hay ngày ấy. Giờ phải đầu tư cả một khóa học tập huấn về thực phẩm, nghĩ cũng thấy ngại. Nhưng nếu có cơ hội để hiểu biết thì tôi vẫn sẽ đi học. Chỉ có điều, ai sẽ là người dạy mình? Phí học tập sẽ thế nào? Chỉ sợ đến lúc chúng tôi muốn tập huấn lại không có chỗ nào dạy".

D. Thu - H. Dương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.