"Người dân rất không yên tâm và chưa hài lòng về ngành Giáo dục"

"Người dân rất không yên tâm và chưa hài lòng về ngành Giáo dục"

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 4, 01/11/2017 19:30

“Giáo dục hiện nay có một số khâu đang đi ngược quy trình. Chính điều đó làm cho xã hội và người dân rất không yên tâm và chưa hài lòng về ngành Giáo dục”, ĐBQH Cao Đình Thưởng trăn trở.

Giáo dục đang đi ngược quy trình

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước chiều 1/11, ĐBQH Cao Đình Thưởng (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục những năm qua cùng quyết tâm, trăn trở trong đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. “Tuy nhiên, còn nhiều việc xã hội và người dân rất không yên tâm và chưa hài lòng về ngành Giáo dục hiện nay”, ông nói.

“Theo tôi, đổi mới giáo dục trước hết là xem lại tư duy về giáo dục Việt Nam, đổi mới công tác giáo dục, công tác đào tạo giáo viên, chất lượng đội ngũ, đổi mới sách giáo khoa và cuối cùng mới là đổi mới thi cử.

Song, giáo dục hiện nay có một số khâu đang đi ngược quy trình. Ngành Giáo dục nhiều năm qua cứ loay hoay với đổi mới thi cử. Điều này là cần thiết nhưng vô tình tiếp tục đẩy học sinh và phụ huynh củng cố tâm lý và mục tiêu học để thi, tư tưởng vì bằng cấp mà không hướng tới thực học, thực nghiệp.

Phải chăng, đây là một trong nhiều lý do làm cho ngành Giáo dục không có thời gian để thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới”, vị ĐBQH tỉnh Phú Thọ trăn trở.

Giáo dục - 'Người dân rất không yên tâm và chưa hài lòng về ngành Giáo dục'

ĐBQH Cao Đình Thưởng. (Ảnh: Quochoi.vn).

 Lãng phí rất lớn

Ông cũng cho rằng, lãng phí trong giáo dục hiện nay là vô cùng lớn, cả vô hình và hữu hình. Thử hình dung, học sinh tốt nghiệp THPT cứ ào ạt vào đại học như thời gian qua, đại học mọc lên như nấm sau mưa, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ngành Giáo dục.

Một sinh viên sau 4 năm học tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, trong đó nhiều sinh viên phải vay ngân hàng, nhưng ra trường rất ít sinh viên kiếm được việc làm, chủ yếu sung vào đội quân thất nghiệp hoặc phải học nghề và làm việc khác. Thật lãng phí vô cùng cả thời gian và tiền bạc.

Hay như sách giáo khoa liên tục chỉnh lý, bổ sung nên học sinh học một năm là bỏ. Em không học được sách của anh, người học sau không dùng được sách của người học trước nên phải chăng, viết sách giáo khoa phải đảm bảo cơ bản, phổ thông, ổn định chu kỳ ít nhất 5 năm. Nếu làm được như vậy sẽ tiết kiệm cho người dân một khoản tiền rất lớn.

Quy định mặc đồng phục quanh năm ngày tháng cũng rất vô lý trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay. “Theo tôi, học sinh chỉ mặc đồng phục vào ngày thứ Hai, giờ chào cờ, còn những buổi khác được mặc tự do. Như vậy, học sinh mới năng động, không bị gò bó”, vị ĐBQH tỉnh Phú Thọ nói.

“Còn nhiều việc như: Khoán mua giấy vở, thiết bị dạy học lãng phí, các khoản thu thiếu minh bạch, hội phụ huynh… Suy cho cùng, đây là sự lãng phí đánh vào người có thu nhập thấp. Nên ngành Giáo dục cần giải pháp để lấy lại hình ảnh và vị thế của sự nghiệp trồng người.

Đề nghị Quốc hội có lộ trình sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học và tiến tới xây dựng ban hành luật Nhà giáo để giải quyết những vấn đề nêu trên”, ĐBQH Cao Đình Thưởng nhấn mạnh.

Cần tăng cường giáo dục giới tính

ĐBQH Quách Thế Tản (đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình) cho rằng: “Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội”.

Giáo dục - 'Người dân rất không yên tâm và chưa hài lòng về ngành Giáo dục' (Hình 2).

ĐBQH Quách Thế Tản. (Ảnh: Quochoi.vn).

Ông quan tâm đến phương pháp giáo dục người lớn và đề nghị: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chương trình đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm về phương pháp giáo dục người lớn để sau khi ra trường sẽ thích ứng khi được giao nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục không chính quy, giáo dục thường xuyên hoặc dạy học, quản lý đối với người lớn.

Mặt khác, đề nghị bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương hết sức quan tâm đến các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn. Đây là một thiết chế giáo dục hết sức thiết thực đối với việc học của người dân.

Hiện nay, chúng ta có trên 11.000 trung tâm trong cả nước. Đồng thời, đề nghị Bộ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai tổ chức thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định số 89 ngày 9/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu thực trạng, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường còn nhiều hạn chế và chưa cập nhật với tình hình.

“Sách giáo khoa có rất ít các nội dung này. Đồng thời, trên thực tế có không ít các giáo viên vẫn có tâm lý e ngại nên chỉ truyền đạt vấn đề một cách chung nhất. Trong khi đó, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới xung quanh chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa môn giáo dục sức khỏe vào trong chương trình học bắt buộc với nhiều bài về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Mỗi bài học đều có những tình huống và những hình ảnh minh họa, giúp các em nhận biết các nguy cơ và ứng phó trước những nguy cơ.

Đặc biệt, sau mỗi bài học đều có phần thực hành, khuyến khích các em nói ra những nhận xét của riêng mình, hoặc ghi ra giấy những tình huống nguy hiểm mà mình đã từng trải qua. Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Giáo dục nước ta cần quan tâm hơn nữa cho nội dung này”, ĐBQH Thủy nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.