Lạc vào dòng người lặng lẽ đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều 10/8 ở số 30, đường Hoàng Diệu, ông Nguyễn Xuân Toản (70 tuổi) ở thôn Lương Tài, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) khiến nhiều người phải để mắt bởi dáng người nhỏ thó, trên ngực phủ đầy huân huy chương kháng chiến. Ông cho biết, từng được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sông giữa mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ năm 1967.
Hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ông Toản ngày đêm mất ăn, mất ngủ gác mọi chuyện mùa màng nhờ đứa cháu tức tốc chạy xe máy vượt quãng đường dài hơn 50 cây số từ Hưng Yên sang Hà Nội để được vào viếng Người lần cuối.
Với cựu binh già gần 10 năm gắn bó với bến phà thời bom đạn đã để lại cho ông vô vàn kỷ niệm, nhưng có lẽ ấn tượng nhất với ông đó là hình ảnh vừa gần gũi vừa đáng kính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Toản kể về những kỷ niệm khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông kể, khi 20 tuổi đã tham gia vào lữ đoàn công binh sông Lô 249. Đảm nhiệm vai trò là chiến sĩ lái ca nô đi trên các bến sông miền Bắc. Cuối năm 1967, cấp trên điều đơn vị của ông (gồm 12 người) lái ở bến phà Long Đại (qua sông Nhật Lệ, Quảng Bình) làm nhiệm vụ rà phá bom mìn trên sông.
Nhớ về quãng thời gian lái ca nô trên bến phà ông Toản kể: “Lúc bấy giờ, Mỹ ném bom, đạn như trút nước đặc biệt là bến phà Long Đại. Công việc của tôi là lái ca nô rà phá bom mìn dọc trên khúc sông Nhật Lệ. Trong khoảng thời gian ấy tôi rà phá tới 27 quả bom từ trường. Trong đó có 3 lần bị bom nổ trúng vào ca nô thế là cả người và ca nô bị hất tung xuống nước nhưng may mắn thoát chết”.
Nói về cơ duyên được đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sông an toàn, ông Toản bùi ngùi nhớ lại: “Bến phà bị giặc ném bom oanh tạc nên nguy hiểm luôn kề cận, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Lần ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp có việc gấp phải qua sông. Biết tôi là người có kỹ thuật, biết chỗ nào sâu, chỗ nào nông và tình hình địch đến nên lữ đoàn đã giao trọng trách cho tôi là đưa Đại tướng qua sông”.
Một người lái đò như ông Toản được đưa Đại tướng qua sông là niềm vinh dự và tự hào nhưng việc đó cũng đè lên vai ông một trách nhiệm nặng nề. “Mỗi lần vượt sông là mỗi lần tính mạng khó bảo toàn. Hôm đó lữ đoàn xuống quyết định làm lễ truy điệu sống cho tôi trước”, người lính già nhớ lại. 12 giờ đêm tháng 5/1968 trước khi chở Đại tướng, ông xung phong lái ca nô trước để rà phá bom mìn và sau đó đã trúng và nổ được 1 quả.
“Khi nắm bắt được tình hình tôi mới mời Đại tướng cùng đoàn tất cả gồm 9 người lên ca nô. Lúc bấy giờ, quân giặc như nắm bắt được tình hình liền cho máy bay ném bom như trút nước khiến cả khúc sông nổ khói mù mịt. Tôi nắm chặt tay lái tức tốc cho ca nô cố vượt cuối cùng cũng qua khúc sông, chở Đại tướng cùng đoàn an toàn. Lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Toản nhớ lại.
Sau khi đưa được Đại tướng qua sông an toàn, ông Toản vẫn nhớ như in câu nói của Đại tướng với sư đoàn trưởng của mình: “Các cậu phải có trách nhiệm giúp đỡ tay Toản này. Khi cậu ấy chở chúng tôi trên sông thì cậu ấy đã phải nín thở. Khi chúng tớ nhảy xuống bến an toàn rồi thì cậu ấy mới thở phào một cái”.
Lần đưa Đại tướng qua sông an toàn ấy, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phong danh hiệu là “Triệu Tử Long trên sông”, từ đó cả lữ đoàn gắn anh lính công binh Toản với cái tên vui mà Đại tướng phong tặng. Chiếc ca nô 434 do ông Toản điều khiển ngay sau đó được đưa về triển lãm ở Hà Nội. Hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng công binh.
Sau khi đất nước giành lại độc lập ông Toản về quê nhà lập gia đình, sống cuộc sống gắn bó tần tảo làm ăn nuôi vợ con với thương tật 31%. Đến năm 1998, ông vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần thứ 2 tại nhà riêng của Đại tướng ở số 30, đường Hoàng Diệu.
“Lúc bấy giờ phu nhân Đại tướng là bà Đặng Bích Hà thấy tôi liền mừng rỡ bảo với con trai là ra gặp Triệu Tử Long trên sông. Tôi rất ngạc nhiên hỏi ra mới biết chuyện đưa Đại tướng qua sông của tôi đã được Người kể lại với vợ con của mình”, ông Toản cho hay.
Đối với ông Toản hay tin Đại tướng qua đời, bản thân ông như mất đi một người cha, 1 người ruột thịt của mình. “Chắc sẽ không có người thứ hai như Đại tướng. Cả cuộc đời này chắc chỉ có duy nhất một Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng mất đi đã để lại cho bao người dân Việt Nam niềm tiếc nuối vô hạn”, ông Toản buồn bã nói.
Văn Nguyên