Khôi phục, phát huy nghề truyền thống
Nhắc đến những nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào dân tộc Ê Đê, không thể không nói đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra là cả quá trình dày công, chứa đựng sự tỉ mỉ, sáng tạo và những nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ, văn hóa Ê Đê.
Nói về nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê, bà H’Yam Bkrông (SN 1965, trú tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, trước đây, hầu hết phụ nữ Ê Đê ở các buôn làng đều làm được nghề truyền thống này.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc sống thị trường nên thời gian gần đây, người dân bản địa không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm nữa, sản phẩm nghệ nhân làm ra không bán được. Bà H’Yam lý giải: “Năm 1994, tôi được bầu làm Chi hội Phó, rồi Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tơng Jú. Trong quá trình làm công tác phụ nữ buôn, tôi chịu trách nhiệm việc đi thuê mượn trang phục truyền thống mỗi khi trong buôn có lễ hội. Thế nhưng, phụ nữ trong buôn không còn dệt vải như trước nên trang phục truyền thống mới rất ít nhà có. Lúc đó, tôi nhận ra, nghề dệt thổ cẩm ở buôn Tơng Jú đang đứng trước nguy cơ thất truyền”.
Từ những trăn trở ấy, bà đã suy nghĩ làm thế nào vận động chị em phụ nữ trong buôn khôi phục nghề dệt truyền thống mà cha ông để lại nhằm giúp cho các thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình và giúp phụ nữ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Để biến ý tưởng thành hiện thực, cách đây hơn chục năm, bà H’Yam không quản ngày đêm, tìm đến các buôn trong xã vận động những phụ nữ có tay nghề tham gia hỗ trợ.
Đến năm 2003, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông ra đời do bà làm chủ nhiệm với 30 thành viên. Ban đầu, các xã viên cùng nhau góp ít vốn, thuê thợ đóng hàng chục bộ khung dệt và mời hai nghệ nhân hướng dẫn. Bà H’Yam cho biết, những ngày đầu là những ngày gian khó nhất của các thành viên trong hợp tác xã. Sản phẩm làm ra đem gửi tại các điểm bán hàng lưu niệm nhưng đều bị trả về vì nhiều lỗi, mẫu mã lại không đẹp, không cạnh tranh được với thị trường. Nhiều người chán nản, có ý định bỏ nghề. Những lúc như thế, bà lại tìm cách động viên mọi người cố gắng khắc phục khó khăn. Dần dần, các sản phẩm đã hoàn thiện hơn, đẹp hơn.
Trải qua bao gian nan, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông cũng từng bước khẳng định được vị thế của mình. Sản phẩm của Hợp tác xã ngày càng phong phú và có quy trình sản xuất khép kín từ khâu dệt, may, thêu hoàn thiện sản phẩm. Các sản phẩm được làm ra với nhiều mẫu mã đa dạng như: Y phục nam nữ, túi xách, cà-vạt, khăn trải bàn, túi đựng hạt thơm, gối tựa lưng, áo dài,...
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều năm liền, bà H’Yam không ngại khó, ngại khổ đi từ Nam chí Bắc nhằm giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm của người Ê Đê tại các khu du lịch, tiệm may, quầy lưu niệm,... Với sự nỗ lực không mệt mỏi của bà H’Yam và các xã viên, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông cũng tìm được đầu ra tương đối ổn định ở thị trường Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tp.HCM, Hà Nội...
Đến nay, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông đã có 45 thành viên, tất cả đều là người Ê Đê trong xã. Ngoài những lúc làm nông nghiệp, các xã viên lại tranh thủ thời gian nhàn rỗi dệt tại nhà với mức thu nhập trung bình khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho khoảng 100 phụ nữ trên địa bàn xã có thu nhập thêm.
Bà H’Yam chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi thấy vui và tự hào hơn cả là sản phẩm của Hợp tác xã đã được lựa chọn là 1 trong 36 sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào năm 2013. Những thành quả ban đầu của hợp tác xã không chỉ giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà còn giúp các xã viên có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Minh chứng là khi tham gia hợp tác xã, đa phần xã viên là hộ nghèo thì nay chỉ còn 2 hộ cận nghèo”.
Chưa dừng lại ở đó, bà H’Yam còn liên hệ với Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk xin mở một lớp dạy nghề dệt thổ cẩm nâng cao cho 30 học viên nhằm nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân trên địa bàn xã Ea Kao.
Tiên phong phát triển du lịch cộng đồng
Không chỉ nỗ lực phát triển hợp tác xã dệt thổ cẩm, bảo tồn nét văn hóa truyền thống, bà H’Yam còn là người đặt những viên gạch đầu tiên cho hoạt động du lịch cộng đồng tại buôn Tơng Jú. Qua đó, góp phần truyền cảm hứng, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân địa phương.
Bà H’Yam chia sẻ, buôn Tơng Jú cách trung tâm Tp.Buôn Ma Thuột hơn chục cây số, giao thông thuận lợi. Trước đây, trong buôn có rất nhiều nhà dài nhưng bà con lại bán đi hoặc cưa, xẻ hết để làm nhà xây. Lo sợ kiến trúc nhà dài truyền thống của dân tộc mình sẽ bị lãng quên theo thời gian, bà đã ấp ủ ý định, nếu có vốn sẽ tiếp tục làm thêm một căn nhà dài nữa để làm nơi diễn tấu cồng chiêng, ca múa, phục vụ du khách các món ăn truyền thống. Qua đó, giúp cho người dân hiểu được tầm quan trọng của văn hóa truyền thống và cùng nhau lưu giữ.
Từ năm 2012, khi được bà con tín nhiệm giao kiêm chức Trưởng buôn Tơng Jú, bà H’Yam đã thành lập một đội cồng chiêng trẻ, một đội cồng chiêng già, một đội múa dân gian. Sau này, bà đã mạnh dạn xây dựng Homestay Hnoh Ea Kao – nơi hội tụ rất nhiều tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê như tạc tượng, nấu rượu cần, ẩm thực, chợ truyền thống, phục dựng các nghi lễ truyền thống của người Ê Đê… Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các nghi lễ truyền thống của người Ê Đê để thu hút khách du lịch. Theo đó, khách du lịch đến đây vừa được thực hành dệt thổ cẩm, tham quan trải nghiệm đời sống, xem nghệ nhân tạc tượng và được thưởng thức món ăn truyền thống, rượu cần của người Ê Đê do chính các xã viên tự làm.
Mới đây, buôn Tơng Jú được UBND tỉnh Đắk Lắk chọn là 1 trong 2 buôn điểm phát triển du lịch cộng đồng kiểu mẫu trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột. Kể từ đó, bà H’Yam làm Trưởng ban Quản lý điểm du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú. Với vai trò trách nhiệm mới, bà kêu gọi người dân trong buôn thực hiện nếp sống văn minh, nâng cấp thôn, buôn, ngõ, xóm xanh, sạch, đẹp; mở lớp dạy nghề. Đồng thời, thành lập các đội cồng chiêng, đội văn nghệ, tạc tượng, nấu rượu cần; khôi phục các lễ cúng bến nước, lễ mừng mùa... và hướng bà con dần đến sự chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch. Nhờ một phần đóng góp của bà H’Yam, đến nay, buôn Tơng Jú đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Hiện cả buôn có 20 hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng.
Với những đóng góp nói trên, thời gian qua, bà H’Yam Bkrông và Hợp tác xã Tơng Bông nhận được nhiều khen thưởng từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, năm 2012, bà H’Yam được nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA Nguyễn Thị Bình khen tặng danh hiệu “Tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội”. Năm 2013, Hợp tác xã Tơng Bông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2002-2012”. Hợp tác xã này cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019...
Khánh Ngọc