Ca tử vong đầu tiên do mắc liên cầu lợn
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận thêm một ca mắc liên cầu lợn tại huyện Quốc Oai. Đó là nữ bệnh nhân 86 tuổi, khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ... được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú và xét nghiệm cấy máu, dịch não tủy. Kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.
Mặc dù được điều trị tích cực nhưng do tuổi cao, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 7 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Cùng kỳ năm ngoái, Hà Nội có 13 ca mắc, 1 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh - món ăn nhiều người ưa thích, hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua…
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Người dân không chủ quan
Trước thông tin ca tử vong đầu tiên của thành phố do nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm nay, trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không chỉ do ăn các món tái, sống, bệnh liên cầu lợn còn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín.
"Không chỉ ăn tiết canh mà ngay cả khi giết mổ, chế biến lợn không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn, cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn", BS.Thiệu cho hay.
BS.Thiệu cũng cho biết nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có hai thể chính là: Thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
Ở thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
Thể viêm màng não, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.
Từ việc có ca tử vong nêu trên, BS.Thiệu một lần nữa nhấn mạnh người dân không chủ quan với bệnh liên cầu khuẩn lợn.
"Nhiều người thường quan niệm lợn nhà nuôi, lợn rừng là "lợn sạch", hay tiết canh nhà làm sẽ không đáng lo. Tuy nhiên, bất kể giống lợn nào vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn", BS.Thiệu cho biết thêm.
Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Nấu chín, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Đặc biệt, người dân nên nhập viện khám và điều trị sớm nếu thấy có yếu tố nguy cơ.
Bệnh liên cầu lợn là gì?
Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao.
Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.