Nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Dần 2022, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - Cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên Các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT, Top 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam công bố.
“Một viên đá cũng có thể trở thành ngọc sáng”
PV: Thưa chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, bà có thể chia sẻ về cơ duyên khiến bản thân muốn hoạt động, cống hiến trong lĩnh vực giáo dục. Trong hành trình gắn bó ấy, có những dấu mốc quan trọng nào?
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên: Thực ra, nhắc đến cơ duyên, không bao giờ chỉ xuất phát từ một lý do mà đủ sức mạnh để thúc đẩy, mà hội tụ rất nhiều lý do. Trước đây, tôi là giáo viên dạy Hóa tại một ngôi trường cấp 2 ở khu vực khá phức tạp, học sinh rất khó khăn, xuất phát điểm thấp nên thường không muốn đi học. Tôi và đồng nghiệp luôn nỗ lực để học sinh có động lực đến trường, giúp các em thuộc bài ngay tại lớp, bởi chỉ cần bước ra ngoài, các em sẽ bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, không có thời gian học.
Chính thời gian mười mấy năm giảng dạy ở đó đã hun đúc cho tôi về kỹ năng sư phạm, giúp tôi biết cách tạo động lực, biết cách làm cho những học sinh chán học nhất trở nên thích học...
Với tôi, một người thầy giỏi là người có thể biến một đứa trẻ từ bình thường thành phi thường. Và, tôi nỗ lực để làm điều đó. Năm nào, tôi cũng có học sinh giỏi cấp thành phố, có em đỗ trường chuyên, có em đạt giải quốc gia,... mặc dù xuất phát điểm của các em rất thấp. Đó là minh chứng cho thấy, nếu các thầy cô tâm huyết và nỗ lực, hoàn toàn có thể biến một viên đá thành viên ngọc sáng.
Đặc biệt, người làm cho tôi có động lực mãnh liệt trở thành chuyên gia giáo dục và thay đổi giáo dục chính là con trai tôi. Suốt 12 năm học phổ thông của con là bi kịch! Và tôi mong muốn, trẻ em Việt Nam không có ai bất hạnh như con của mình.
Cột mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi chính là năm 2014, khi tôi được Microsoft mời đến diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha, tôi bước chân vào một căn phòng lớn, được đeo lên một chiếc bảng tên: Quyên Tô - Việt Nam. Khi MC nói: “Chào mừng 250 nhà giáo dục giỏi nhất thế giới đang có mặt ở đây ngày hôm nay”, khoảnh khắc ấy, chân tôi như không chạm đất, tôi cảm giác như có một chiếc búa gõ vào tảng băng của chính mình, khiến tôi bỗng dưng có một sự tự tin vô cùng lớn. Trở về Việt Nam, tôi nỗ lực học tập không ngừng nghỉ.
PV: Triết lý giáo dục mà bà luôn theo đuổi là gì?
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên: Tôi nhận ra một điều, đó là, tất cả mọi người đều không có giới hạn, đều có thể tốt hơn chính mình rất nhiều, nếu mình tin vào điều đó và cho phép bản thân không ngừng học hỏi. Tôi đã truyền cảm hứng đến các thầy cô giáo: Mỗi người có một rào cản lớn nhất cuộc đời là rào cản do chính chúng ta xây lên; và chúng ta mới chỉ sử dụng khoảng 20% năng lực, 80% còn lại nằm trong tiềm thức, nằm trong năng lực thực sự của mình mà bản thân chưa đủ tự tin để thể hiện ra.
45 tuổi, tôi vẫn chưa biết gì về máy tính, chưa đụng tay vào máy tính. Nhưng 46 tuổi, tôi đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu... U50 mà tôi vẫn có thể làm được như vậy, thì không có lý do gì để bất kỳ giáo viên nào còn tuổi trẻ, còn điều kiện phải dừng lại. Còn ước mơ là còn có thể chinh phục!
Và tôi cũng tâm niệm, mình đừng ngần ngại cho đi. Có người vẫn e sợ cho đi, khi họ học được điều gì hay thì giữ cho riêng mình, để trở nên giỏi hơn người khác. Nhưng từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng, khi mình càng chia sẻ nhiều bao nhiêu, thì bản thân càng giỏi hơn bấy nhiêu, bởi tôi có động lực để học tiếp và cũng có nhiều người chia sẻ lại với tôi. Đó là “đòn bẩy” để tôi tiếp tục học, học nữa, học mãi, bởi tôi rất sợ mình bị “cạn” những kiến thức để chia sẻ với mọi người.
Khi đi tập huấn cho giáo viên, chính họ lại trở thành “liều doping” khiến tôi không bao giờ mệt mỏi trong quá trình đi chia sẻ của mình, tức là, tôi được nhận năng lượng từ mọi người.
“Tôi chưa từng có một đứa trẻ cá biệt nào trong cuộc đời mình”
PV: Nhiều năm tham gia trong lĩnh vực giáo dục, có câu chuyện ấn tượng nào mà chuyên gia muốn chia sẻ?
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên: “Tôi chưa từng có một đứa trẻ cá biệt nào trong cuộc đời mình”. Vài năm trước, một phóng viên nhờ tôi giới thiệu vài học sinh cá biệt để phỏng vấn nhân dịp 20/11, lúc ấy, tôi lặng đi mất vài phút, và chợt phát hiện ra, trong đời mình chưa từng thấy một học sinh nào gọi là cá biệt. Phóng viên đó ngạc nhiên hỏi: “Chị dạy ở trường có nhiều học sinh cá biệt, mà sao lại không có em nào?”. Tôi mới bảo, tôi thấy em nào cũng dễ thương, không ai cá biệt cả, ai cũng có câu chuyện riêng, có nguyên nhân ứng xử như vậy và đều rất đáng thương.
Hồi đó, Hiệu trưởng trường cấp 2 mà tôi dạy còn nói: “Bất kỳ học sinh nào mà cô Quyên chê, có nghĩa là không thể dạy, không thể khuyên răn được nữa”.
Mới đây, khi tôi qua Mỹ, tôi gặp lại 7-8 học sinh cũ, năm nay đã 45 tuổi, mà vẫn còn nhớ, vẫn còn kể lại vanh vách những kỷ niệm cách đây 33 năm, khi cô Quyên dạy, nhớ cả cô hay mặc áo dài màu gì, hay nói câu gì, cô giảng bài ra sao... Điều đó khiến tôi xúc động muốn rơi nước mắt.
PV: Chuyên gia có điều gì muốn chia sẻ về việc dạy học online trong thời gian qua?
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên: Đã có không ít những tiêu cực xảy ra trong quá trình học online suốt 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, nhiều phụ huynh không đủ kiên nhẫn để dạy con, thầy cô giáo cũng không đủ phương pháp để phụ huynh phối hợp tốt với mình, dẫn đến giờ học giống như “tra tấn” đứa trẻ. Tâm thế một đứa trẻ ngồi học online đã không thoải mái bằng việc ngồi học trực tiếp ở trường, không được tương tác, rất đáng thương!
Tôi mong rằng, các thầy cô giáo liên tục cập nhật phương pháp, thay đổi linh hoạt, hiệu quả; bố mẹ hãy hiểu được mục tiêu giáo dục hiện tại không phải là nhồi nhét kiến thức hay điểm số, mà phải làm sao cho đứa trẻ biết cách tư duy, biết cách giải quyết vấn đề và có nhiều kỹ năng... như vậy mới tạo ra được những đứa trẻ thành công.
PV: Khi trở thành một trong những gương mặt được Forbes Việt Nam vinh danh trong năm 2021, cảm nhận của chuyên gia như thế nào? Xin bà hãy chia sẻ những mong muốn và dự định sắp tới trong lĩnh vực giáo dục?
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên: Tôi cho rằng, đó là một sự may mắn, giúp cho những điều tôi mong muốn hoặc những điều tôi làm sẽ dễ dàng lan tỏa hơn trong cộng đồng. Tôi thấy, đây trở thành một trách nhiệm xã hội, mọi hành vi, lời nói của mình đều phải chuẩn mực, tích cực và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Tất nhiên, dù có danh hiệu này hay không, tôi vẫn nỗ lực y như vậy!
Trăn trở lớn nhất hiện tại của tôi là làm sao để không chỉ học sinh trên mọi miền đất nước, không kể ở vùng sâu vùng xa đến đâu, mà còn là tất cả trẻ mồ côi, không có một em nào thất học. Tôi mong có thể chạm tay đến tất cả các em, giúp các em được chăm sóc tốt nhất, vui vẻ, hạnh phúc nhất, có thể biến những đau khổ, mất mát của các em thành một cơ hội đổi đời thực sự, như sứ mệnh mà chúng tôi đã và đang cùng nhau viết nên.
PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia. Chúc chị một năm mới an khang thịnh vượng!
Cẩm Mịch