Làm báo – công việc không chỉ dừng ở việc “cầm bút” mà nó còn đòi hỏi sự tìm tòi, dấn thân, nghề nhiều sự trải nghiệm cũng không ít chông gai, thử thách. Mặc dù, khó khăn, vất vả nhưng nhiều bạn trẻ vẫn chọn và nối tiếp sự nghiệp báo chí.
Khánh Linh – Phóng viên Báo Lao động đến nay đã có 5 năm theo nghiệp cầm bút và trở thành nữ phóng viên duy nhất phụ trách các tỉnh Tây Bắc của cơ quan.
“Đó là quá trình trày da tróc vẩy”, Khánh Linh kể với Người Đưa Tin khi nhìn lại quãng thời mới vào nghề của mình.
Ra trường với tấm bằng cử nhân Quan hệ quốc tế, Khánh Linh nói rằng do chưa có kinh nghiệm nên từ những tin nhỏ các anh chị cũng phải cầm tay chỉ việc. "Mình gần như phải học lại từ đầu. Vừa làm vừa học hỏi từ những người xung quanh hay từ chính những nhân vật phỏng vấn, dần dần cứ thế rồi cũng dạn dĩ với nghề”, Khánh Linh chia sẻ.
Thời điểm mới công tác tại Báo Lao động, con gái của Khánh Linh mới chỉ hơn 1 tuổi, ngày nào cô cũng đi 80km từ huyện Kim Bôi lên Tp.Hoà Bình và ngược lại, lúc đấy tác nghiệp, Linh chỉ dám đi các huyện gần như Mộc Châu (Sơn La), Vân Hồ (Sơn La) để về trong ngày. Đến khi con được một tuôi rưỡi, cô quyết định cai sữa cho con và cứ đi biền biệt cho đến bây giờ.
Nữ phóng viên trẻ bày tỏ không vì yêu nghề, được gia đình ủng hộ thì chắc chắn sẽ không bao giờ làm báo. Do đặc thù của địa bàn, việc tác nghiệp tại vùng cao biên giới, đi sâu vào những vùng mất sóng không liên lạc với bên ngoài với Linh là chuyện thường như cơm bữa.
“Mình cứ một mình một xe, một máy ảnh, thêm chiếc máy tính trên người là đi. Có những lần đi suốt 1-2 tuần nhớ con đêm nào cũng khóc nhưng cũng phải chấp nhận vì đã theo nghề rồi”, Khánh Linh cho hay.
Cũng theo Linh, khó khăn vất cả nhất mà nhiều phóng viên mới vào nghề khó vượt qua được là do thiếu kiên trì.
“Các nghề khác bước đầu khó một thì nghề báo khó 10 vì gần như kiến thức được học trên trường là một chuyện nhưng bên ngoài thực tế lại rất khác. Có những khi gọi điện thoại nhân vật đồng ý chia sẻ đến nơi họ lại thay đổi ý định là chuyện hết sức bình thường”, cô phóng viên trẻ nói về nghề báo.
Nhưng dù khó khăn vất vả đối Linh vẫn luôn tâm niệm rằng: “Mình sống với nghề thì nghề cho mình sống”.
Là một trong những người trẻ chọn làm báo bạn Vũ Ngọc Minh Anh – phóng viên đang công tác tại Báo Phụ nữ Việt Nam bị hấp dẫn bởi công việc giúp em được mở mang kiến thức và gặp nhiều người trong xã hội. Tuy nhiên vì là thế hệ gen Z nên tư duy làm báo cũng không giống như trước kia.
“Tôi làm báo đôi khi không muốn theo khuôn mẫu, mà tìm những hướng đi mới mẻ, sáng tạo hơn. Các bài viết thường theo hướng ngắn gọn, súc tích, cô đọng”, Minh Anh chia sẻ.
Minh Anh nói rằng, bản thân nhận thấy những người trẻ đã chọn theo nghề đều rất chăm chỉ, cống hiến với công việc, bởi làm báo vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Cùng với đó, vì có ưu điểm về độ tuổi, sức trẻ, nhiệt huyết, nên người trẻ làm báo sẽ có góc nhìn phù hợp với công chúng hiện đại.
Mặc dù vậy, do chưa nhiều kinh nghiệm, việc mông lung, thậm chí là không biết mình làm có đúng hay không là điều khó tránh khỏi. Khi được chọn một từ để nói về nghề của mình, Minh Anh cho rằng “linh hoạt” là yếu tố cần thiết khi làm nghề.
“Không phải cứ biết viết là làm được báo mà bản thân sẽ phải biết rất nhiều kiến thức ở lĩnh vực khác nhau. Vì là phản ánh vấn đề xã hội nên nội dung không chỉ gói gọn trong một chủ đề mà phải xâu chuỗi nhiều nội dung khác. Người làm báo nếu không đủ kiến thức thì bài viết sẽ không đủ uy tín và chiều sâu. Ngoài ra cũng cần phải thay đổi, sáng tạo hơn nữa để ngành báo không bị mất chỗ đứng trong môi trường phát triển như hiện nay”, Minh Anh chia sẻ.
Mới chập chững vào nghề ở những bước đi đầu tiên, Lê Ngọc Ánh - phóng viên hoạt động trong mảng giáo dục gặp nhiều thách thức khi tìm kiếm nguồn tin của riêng mình. “Tôi vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, do tính chất công việc đòi hỏi bởi sự nhanh nhạy, tức thì nên đối với những người mới làm nghề không hề là dễ dàng”, Ngọc Ánh bày tỏ.
Mặc dù vậy, Ánh vẫn tự tin bởi sự khác biệt của thế hệ trẻ: “Người trẻ có thế mạnh là nắm bắt nhanh hơn những xu hướng của xã hội với lối viết cởi mở và trẻ trung hơn. Vì vậy, tôi tin vẫn sẽ có lối đi và lượng độc giả riêng dành cho những phóng viên trẻ”.