Ngành dịch vụ logistics đang được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn. Với tốc độ phát triển từ 10 - 15% mỗi năm, logistics là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Mặc dù số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 95%, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy theo tiêu chí doanh thu các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần cao hơn.
Bước đi quan trọng
Theo đó, Báo cáo Logistics Việt Nam 2021 của Bộ Công Thương đã chỉ ra, để góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú trọng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như 3PLvà 4PL, dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới…
Trong đó, điều quan trọng khác chính là nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics. Nhu cầu nhân lực cho ngành này không chỉ tăng mạnh về số lượng mà cũng có những đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng ngay ở từng địa phương.
Xuất phát từ thực tiễn đó, phát biểu tại Toạ đàm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics thông qua đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn” được tổ chức tại Thái Nguyên ngày 28/5, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các doanh nghiệp logistic Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Thái Nguyên trong những năm vừa qua đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội, trong đó có vấn đề về thương mại. Với kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4/2022 của Thái Nguyên, cho thấy triển vọng của các hoạt động kinh tế nói chung, trong đó có ngành dịch vụ logistics nói riêng là vô cùng to lớn.
Đồng thời, điều này cũng cho thấy nhu cầu logistics của các doanh nghiệp Thái Nguyên đang ngày càng gia tăng để đáp ứng cho tốc độ phát triển hiện tại.
Chính vì thế, vấn đề nhân lực cho ngành logistics luôn được Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm. Qua đó, ông bày tỏ sự vui mừng khi Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã quan tâm, mở thêm ngành đào tạo Logictics và Quản lý chuỗi cung ứng từ năm 2019.
“Ban đầu có thể sinh viên còn khiêm tốn, nhưng đây là bước đi quan trọng để trong tương lai phát triển đội ngũ nhân lực, phục vụ cho ngành dịch vụ logistics đầy hứa hẹn", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng được xem là yếu tố then chốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên bản đồ logistics thế giới.
Ước mơ cần gắn với trải nghiệm
Theo ông Nguyễn Anh Minh, đại diện Công ty TNHH KMG - Toàn Cầu Khải Minh, về góc độ doanh nghiệp, thực sự bất ngờ và vui khi tất cả các trường đại học bắt đầu có sự quan tâm nhất định đến ngành dịch vụ logistics.
Thực tế, thuật ngữ dịch vụ logistics mới xâm nhập vào thị trường Việt Nam khoảng 15 năm trở lại đây, trước đó, khi nói về vận chuyển, tất cả được học chỉ là công ty vận chuyển, đi làm với cà vạt, ca-táp, vậy nên khi ra trường sẽ rất sốc và khó tiếp nhận những kiến thức thực tiễn.
Sở dĩ bởi trong trường, thầy cô thường trang bị cho sinh viên những giấc mơ rất lớn và ước mơ đó không bao giờ kết thúc, nhưng để đạt được ước mơ đó các bạn sinh viên cần phải được trải nghiệm thực tế để hình dung rõ nhất về công việc này.
Từ đó, việc kết nối doanh nghiệp với sinh viên ngành logistics ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường là bước đi thiết thực, đem đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, lẫn cộng đồng sinh viên logistics trên cả nước.
Song, một tín hiệu đáng mừng cho thị trường, đó là hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã có cái nhìn tổng quan về thuật ngữ logistics và hiểu rõ tầm vai trò của ngành. “Đó là điều quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút nguồn vốn FDI rất lớn", ông Minh chia sẻ.
Mặt khác, đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng - trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.
Trong hoàn cảnh mới, với nhiều bất trắc, khó đoán định, một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chủ động trong sản xuất, kinh doanh đó là phát triển hoạt động logistics trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động logistics tại doanh nghiệp của mình. Thậm chí còn phát triển một số hoạt động và dịch vụ logistics vốn vẫn được thuê ngoài trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Bên cạnh những hoạt động logistics “truyền thống” tại doanh nghiệp, các hoạt động “logistics mới” này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực, với mục tiêu là bảo vệ nguồn nhân lực, đội ngũ lao động của doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, kinh doanh được diễn ra bình thường, liên tục.
Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics thông qua đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn” được trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics thông qua đào tạo gắn với trải nghiệm tiễn.
Toạ đàm cũng chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa trường Kinh tế và Quản trị kinh doanh, đại học Thái Nguyên với các doanh nghiệp logistics Atalink, Kargo365 và Dolphin Sea Air trong việc cung cấp và trao đổi, hỗ trợ nguồn nhân lực cho ngành Logistics, hướng đến mục tiêu phát triển chung cho các em sinh viên theo đuổi ngành này.
Theo PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), năm nay cũng là lần thứ 5 cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ logistics Việt Nam” được phát động. Đây là cuộc thi thường niên được đánh giá cao trong cộng đồng sinh viên toàn quốc, hy vọng cuộc thi năm nay sẽ tiếp tục nhận được nhiều sư quan tâm của các em sinh viên hơn nữa. Bên cạnh đó, năm nay Hiệp hội sẽ tổ chức VALOMA Confest 2022 - Dự án đánh dấu sự phát triển của Hiệp hội trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng.