Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ (2 làn hoặc 4 làn xe không có dải dừng xe khẩn cấp liên tục) đạt quy mô hoàn chỉnh.
Phân kỳ nâng cấp là cần thiết
Theo đó, với các tuyến cao tốc 2 làn xe, Bộ GTVT cho biết hiện có 313km đã khai thác (Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình, đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai); Đang xây dựng 293km cao tốc 2 làn xe; Đang chuẩn bị đầu tư 83km cao tốc 2 làn xe.
Để nâng cấp 689km cao tốc 2 làn xe nói trên lên 4 làn xe hoàn chỉnh (riêng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26km đạt quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh) cần tổng mức đầu tư gần 87.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước hơn 82.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Đối với các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế, Bộ GTVT cho biết, phạm vi đầu tư hơn 2.140km. Trong đó, đã khai thác 435km, đang xây dựng 1.385km, đang chuẩn bị đầu tư 321km.
Để nâng cấp theo quy mô quy hoạch (4 hoặc 6 hay 8 làn xe đầy đủ, tùy quy mô từng tuyến) cần hơn 425.700 tỷ đồng, trong đó: Vốn Nhà nước hơn 412.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng.
Ngoài 2.141km cao tốc nêu trên, hiện nay có 2 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía đông đang khai thác quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần nghiên cứu mở rộng gồm: Cao tốc TP.HCM - Trung Lương mở rộng lên 8 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 22.220 tỷ đồng; Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mở rộng từ 4 lên 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng.
Tổng hợp nhu cầu vốn, cần đến gần 494.600 tỷ đồng để nâng cấp tất cả đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe hạn chế lên quy mô đầy đủ, tuy nhiên đây là điều khó khăn.
“Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn khó khăn, việc cân đối ngay 494.592 tỷ đồng17 ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ trong giai đoạn hiện nay là khó khả thi, ảnh hưởng mục tiêu hoàn thành 5.000 km theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, Bộ GTVT đánh giá.
Do khối lượng công việc cần thực hiện và nguồn vốn cần huy động rất lớn, Bộ GTVT đề xuất một số nguyên tắc, tiêu chí xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ. Trong đó, với cao tốc đã phân kỳ 2 làn xe, khi nâng cấp phải đạt quy mô tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; Đối với cao tốc đã phân kỳ 4 làn xe, khi nâng cấp phải đạt quy mô theo quy hoạch được duyệt.
Trong đó, 2 nhóm đối tượng cần tập trung ưu tiên là các cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đặc biệt là một số đoạn nhu cầu vận tải có xu hướng tăng nhanh và các cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe nhu cầu vận tải có xu hướng tăng nhanh.
Thứ tự ưu tiên 4 nhóm cao tốc
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư nâng cấp đường cao tốc theo 4 nhóm:
Nhóm 1: Đầu tư nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 55.300 tỷ đồng (vốn nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư gần 40.300 tỷ đồng). Nhóm này gồm các tuyến cao tốc: La Sơn - Hòa Liên (dài 66km, cần hơn 3.000 tỷ đồng), Cam Lộ - La Sơn (dài 98km, cần khoảng 7.000 tỷ đồng); Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15km, cần khoảng 2.000 tỷ đồng); Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km); Hòa Lạc - Hòa Bình (dài 26km, cần khoảng 7.950 tỷ đồng)
Nhóm 2: Đầu tư nâng cấp 3 tuyến cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và khai thác đồng bộ với các đoạn cao tốc liền kề đã khai thác, đang đầu tư quy mô 4 làn xe.
Nhóm này gồm: Nâng cấp đoạn Yên Bái - Lào Cai dài 83km thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh; nâng cấp đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (dài 40km) từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe; nâng cấp 12km cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình lên 4 làn xe. Tổng nhu cầu vốn nhà nước khoảng gần 18.700 tỷ đồng.
Nhóm 3: Nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe còn lại đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 50.837 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Các tuyến cao tốc cần nâng cấp gồm: Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (dài 104km); Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu giai đoạn 1 (dài 66km, qua tỉnh Hòa Bình 34km và tỉnh Sơn La 32km); Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 (dài 93km, hiện đang đầu tư 22km 4 làn xe hạn chế và 71km quy mô 2 làn xe; Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài 17km từ 2 làn xe lên 4 làn xe; Nâng cấp đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài 84km) từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh.
Nhóm 4: Nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại.
Theo tính toán sơ bộ, phương án nâng cấp theo quy mô quy hoạch, nhu cầu vốn Nhà nước cần bổ sung khoảng 410.572 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, hiện nay cơ bản các tuyến cao tốc phân kỳ quy mô 4 làn hạn chế vẫn khai thác hiệu quả, cơ bản phù hợp với nhu cầu vận tải. Vì vậy, ngoại trừ một số đoạn có nhu cầu cấp bách cần sớm đầu tư nâng cấp (thuộc các dự án nhóm 1), các đoạn còn lại kiến nghị trước mắt tập trung đầu tư hoàn chỉnh các công trình như trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, hệ thống ITS...
Kiến nghị bố trí thêm vốn, sớm triển khai các dự án cấp bách
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bố trí khoảng 7.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai đầu tư nâng cấp đoạn Cam Lộ - La Sơn đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành cuối năm 2025.
Bộ GTVT cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm thông qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông theo kiến nghị của Bộ GTVT, làm cơ sở nghiên cứu đầu tư, nâng cấp đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.
Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí khoảng 18.683 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp các đoạn Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Ninh Bình - Hải Phòng đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh đã nêu tại nhóm 2.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, nâng cấp các đoạn La Sơn - Hòa Liên, Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận; kiến nghị giao Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TP.Hải Phòng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc Yên Bái - Lào Cai, Ninh Bình - Hải Phòng qua địa phận thành phố Hải Phòng.
Đối với các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe còn lại (Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tuyên Quang - Hà Giang, Chơn Thành - Đức Hòa, tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng), Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, nghiên cứu đầu tư bổ sung đồng bộ các công trình phục vụ khai thác; lựa chọn phương án tổ chức giao thông phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và bảo đảm an toàn giao thông.
Đối với các dự án đầu tư công, nghiên cứu phương án thu phí dịch vụ theo quy định; trường hợp chưa thu phí, cần nghiên cứu phương án phân luồng, điều tiết giao thông phù hợp để bảo đảm khai thác hiệu quả và an toàn. Việc đầu tư, nâng cấp đạt quy mô hoàn chỉnh sẽ nghiên cứu trong giai đoạn 2026 - 2030 khi cân đối được nguồn vốn.
Kiến nghị giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu vận tải, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn vốn để nâng cấp một số đoạn cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế có nhu cầu vận tải tăng cao đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch trong giai đoạn 2026 - 2030; các đoạn 4 làn xe hạn chế còn lại sẽ nâng cấp giai đoạn sau năm 2030.
Đối với các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát, đánh giá tổng thể biện pháp tổ chức giao thông đối với các tuyến đang khai thác đáp ứng yêu cầu khai thác an toàn, hiệu quả, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc…
Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cân đối nguồn vốn phù hợp để sớm triển khai đầu tư; giao UBND tỉnh Hòa Bình đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nâng cấp cao tốc đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình.