Phớt lờ quy định
Chỉ cần dạo qua một số khu vực lễ, hội trên địa bàn thành phố, bất kì ai cũng có thể nhận thấy tình trạng mất ATVSTP ở những khu vực này. Tại cửa hàng ăn uống T- N khu vực Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội), thực khách ra vào tấp nập nhưng vấn đề đảm bảo ATVSTP dường như bị chủ quán phớt lờ. Toàn bộ thức ăn sống, chín được trưng bày chung trong tủ kính rộng khoảng 3m2. Khi khách có yêu cầu, mặc cho mình đang thái thịt sống cạnh đó nhưng chủ quán sẵn sàng dừng tay quay sang chế biến món bún ốc cho khách. Điều đáng bàn ở chỗ, chủ quán rất vô tư trong chế biến thực phẩm, họ dùng bàn tay trần vừa sơ chế thức ăn sống để bốc bánh phở, ốc đã trần sẵn, với ít rau, hành, rồi chan ít nước sôi vào bát, bưng ra phục vụ khách.
Tương tự, tại quán C- H, toàn bộ nguyên phụ liệu chế biến thức ăn được vứt ngổn ngang dưới sàn nhà, ngay cạnh đó là 2 - 3 chậu nước rửa chén bát đã đổi màu, lềnh phềnh váng mỡ cùng với đám ruồi nhặng xung quanh bu bám. Thấy khách yêu cầu đĩa phở cuốn, cô nhân viên bán hàng đang vặt lông gà vội vàng nhúng tay vào chậu nước bẩn, lau tay vào chiếc giẻ xám màu vừa dùng lau bàn rồi nhanh chóng cuốn phở cho khách.
Vào quán phở, bò gà, bún ốc M - O ở khu vực Bia Bà (quận Hà Đông, Hà Nội), bất kì thực khách nào cũng phải rùng mình. Thức ăn chế biến sẵn, bát đĩa, rau sống không mảnh vải che đậy, hàng ngày, hàng giờ hoà quện với bụi bặm, ruồi muỗi nhưng hễ có khách là chủ quán vội vã dùng tay trần bốc thức ăn, thêm bớt ít bánh, rau hành rồi chế nước đem ra phục vụ khách. Tiếp tục quan sát cho thấy, ngay cạnh đó là hai chậu nước sinh hoạt được chủ quán trưng dụng bằng cách: Khách ăn xong, bát, đũa sẽ được mang ra rửa tại chậu nước màu đỏ (nước đã ngả màu đục) rồi tráng qua chậu nước màu xanh (được chủ quán giới thiệu là nước sạch) trước khi để ráo rồi đựng thực phẩm phục vụ các thượng đế.
Thức ăn không được che đậy, chế biến theo đúng quy định rất dễ bị nhiễm khuẩn độc.
Tiếp tục tìm hiểu các quán ăn ở một số khu vực lễ, hội khác như quán ăn xung quanh khu vực chùa Hương (huyện Mỹ Đức), chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) cho thấy, người kinh doanh, buôn bán thực phẩm đều bỏ qua các quy định bắt buộc của ngành y tế như khi chế biến thực phẩm phải sử dụng găng tay, khẩu trang. Tiếp đến thực phẩm sống, chín phải để tách biệt, không chung đụng. Tủ, kệ bày bán thức ăn phải để cao so với mặt đất, sàn nhà, phải được che đậy, bảo quản theo đúng quy định. Các loại thực phẩm được chế biến ngay dưới nền gạch, xi măng, sát khu vực vệ sinh bốc mùi; rau các loại được nhặt qua loa, đem nhúng vào một chậu nước mờ đục trước khi đem chế biến và mang ra cho khách ăn sống. Toàn bộ bát, đũa, xoong nồi... chỉ được rửa bằng một chậu nước nhờ nhờ đục, váng mỡ nổi lềnh bềnh. Gần đó là những xô đựng thức ăn dư thừa, không được che đậy, đặt kề bên miệng cống thoát nước thải, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bu bám, gây mất vệ sinh. Như vậy, ai dám khẳng định về mặt chất lượng thực phẩm, chứ đừng nói tới việc phòng chống các loại dịch bệnh, nhất là tại những nơi quy tụ đông người tại các lễ, hội đầu xuân.
Khuất mắt trông coi
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có gần 50.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm thì số quán ăn, nhà hàng trên các đường phố, khu vực xung quanh các đình, chùa, khu vực diễn ra các lễ, hội chiếm khoảng 50%. Cũng theo quy định của ngành y tế, để đảm bảo ATVSTP, các cửa hàng kinh doanh ăn uống phải đảm bảo 10 tiêu chí như đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khoẻ định kỳ; nhân viên phải đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia thực phẩm, thức ăn phải được bảo quản trong tủ kính và được bày bán trên giá cao hơn 60cm...
Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi được biết, phần lớn các cơ sở kinh doanh ăn uống tại các khu vực diễn ra lễ, hội đều vi phạm các quy định trên. Mặc dù nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng này là một trong những thủ phạm chính gây ra các bệnh đường ruột, làm lây lan phẩy khuẩn tả và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất cao nhưng kẻ bán, người ăn vẫn tấp nập. Khi đề cập đến vấn đề chất lượng ATVSTP tại các quán này, phần lớn người tiêu dùng đều trả lời: "Tất cả chỉ là khuất mắt trông coi...".
Đề cập tới vấn đề trên, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết: Mặc dù các cấp, ngành thường xuyên tăng cường, kiểm tra, xử lý đối với những cơ sở kinh doanh ăn uống vi phạm các quy định nhưng muốn làm triệt để những quy định trên lại phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người kinh doanh buôn bán thực phẩm. Bởi trên thực tế, lực lượng chức năng không thể duy trì thanh tra, kiểm soát mãi được. Tất cả đều phụ thuộc chủ yếu vào cái tâm của người kinh doanh, nếu hộ kinh doanh cố tình vi phạm thì không thể phát hiện và xử lý kịp thời được. Cũng theo ông Hạnh, để hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ, người tiêu dùng nên lựa chọn những quán hàng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, có đầy đủ nguồn nước, cơ sở hạ tầng tốt cũng như có đầy đủ các trang thiết bị chế biến thực phẩm hiện đại nhằm đảm bảo ATVSTP, qua đó mới có thể phòng, chống các dịch bệnh có thể xảy ra.
70 - 90% thức ăn tại các lễ hội nhiễm khuẩn E.coli Kết quả điều tra của Cục ATVSTP (bộ Y tế) cho thấy, thức ăn tại các khu vực lễ, hội, các quán ăn đường phố có tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli (khuẩn thường có trong phân) 70 - 90% và có tới hơn 40% bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm bị nhiễm E.coli. Theo các bác sĩ chuyên ngành tiêu hoá, với thực trạng chế biến thức ăn như tại các quán hè, đường phố hiện nay thì việc ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột, nhiễm các loại giun, sán là điều khó tránh khỏi. |
Quỳnh Chi