Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, đậu đen có tên khoa học Vigna cylindrica. Trong số các loại đậu làm thực phẩm thông dụng, đậu đen được các nhà dinh dưỡng đặc biệt quan tâm.
Tuy hàm lượng đạm thấp hơn đậu nành nhưng đậu đen lại có một tỷ lệ cân đối nhiều loại axit amin thiết yếu; dồi dào về một số khoáng chất như calcium, sắt, mangnesium, manganese, đặc biệt có hàm lượng cao chất molypdenum và những sắc tố chống oxy hóa anthocyanins.
Bác sĩ Lê Hùng, Nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Bệnh viện Thủ Đức (quận Thủ Đức), cho biết đậu đen có vị hơi ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng lợi thủy, giải độc, dưỡng âm bổ thận, khu phong hoạt huyết. Theo khuyến nghị của dinh dưỡng học, chế độ ăn nhiều đậu đen là một biện pháp tự nhiên giúp phòng chống các loại bệnh thuộc hội chứng chuyển hóa như cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường.
Giống như các loại hạt thô khác, đậu đen có hàm lượng chất xơ cao. Chất xơ giúp làm chậm và giảm hấp thu mỡ qua màng ruột, đồng thời kết dính một phần muối mật để đào thải ra ngoài, qua đó góp phần làm hạ cholesterol trong máu. Những chất chống oxy hóa trong đậu đen còn có tác dụng kháng viêm. Với tỷ lệ 24,2% chất đạm và 53,3% chất bột đường và nhiều chất xơ, đậu đen là thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường.
Bên cạnh hàm lượng đạm tốt và dễ tiêu hóa, trong đậu đen còn có sắt và folate, hai loại vi chất cần thiết cho phụ nữ và thai nhi. Nhóm sinh tố B và những khoáng chất Ca, Mg... trong hạt đậu thô còn được xem là vi chất chống stress giúp làm nhẹ những cơn bốc hỏa ở phụ nữ tuổi mãn kinh và ổn định hoạt động tim mạch cho mọi giới. Tuy nhiên, để đậu đen có những tác dụng nêu trên thì phải có một quy trình chế biến hợp lý và khoa học.
Nhiều chuyên gia y tế tại TP.HCM khuyến cáo, người dân không nên nuốt sống đậu đen, bởi nuốt sống nguyên nhiều hạt đậu cùng lúc có thể gây nguy hiểm trong trường hợp tiêu hóa kém, viêm loét dạ dày, chưa kể đến việc các cháu bé do không quen hoặc do sợ nuốt có thể làm hạt đậu lạc vào đường thở gây ngạt. Nói chung những cách sử dụng đậu đen truyền thống như nấu chè, độn cơm, làm tương, làm bánh đều tận dụng được những hoạt chất trong đậu, miễn là dùng hạt toàn phần, dùng cả vỏ đen bên ngoài.
Ngoài ra, nếu ngâm đậu vào trong nước khoảng 32 độ C trong 22h trước khi nấu, sẽ tạo ra nhiều chất bổ dưỡng hơn do hạt đậu ở trạng thái đang nảy mầm. Tuy nhiên, không nên cho rằng đậu đen chữa được tất cả các loại bệnh hoặc ở tất cả mọi giai đoạn của bệnh.
Việc điều trị các loại bệnh mãn tính phải dựa vào những biện pháp tổng hợp theo chỉ dẫn của thầy thuốc và việc dinh dưỡng hợp lý chứ không thể chỉ dựa vào một bài thuốc hay vị thuốc đơn thuần.
Trước những tin đồn nuốt 49 hạt đậu đen mỗi ngày gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân, PGS.TS Nguyễn Thị Bay, Trường ĐH Y dược TP.HCM và Ths. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Đậu đen nói chung là thức ăn bổ dưỡng, giàu chất chống oxy hóa, chống lão hóa. Trong dân gian lâu nay có lưu truyền mỗi ngày nên nuốt 49 hạt đậu đen xanh còn sống vào buổi sáng với nước muối nhạt thì rất có lợi cho sức khỏe và phòng chống được nhiều bệnh tật.
Tuy nhiên, vấn đề này thực ra chưa có cơ sở khoa học hiện đại mà chỉ dựa theo quan niệm cổ xưa nam bảy vía và nữ chín vía rồi từ đó dân gian thực hiện theo sở thích. Đặc biệt, với phương pháp chữa bệnh dân gian này dễ dẫn đến tiêu chảy, gây nguy hại cho sức khỏe của mọi người".
Hội Dược liệu TP.HCM khuyến cáo: Theo Đông y, đậu đen thuộc hành thủy, liên quan đến tạng thận, có tác dụng tốt cho thận. Đậu đen khô là loại hạt cứng nên thường được ngâm nước cho mềm trước khi nấu. Nuốt sống nguyên nhiều hạt đậu cùng lúc có thể nguy hiểm cho một số trường hợp tiêu hóa kém và làm tổn hại đến dạ dày. |
Khoa học chưa công nhận tác dụng thần kì của đậu đen Bác sĩ Lê Hùng, Nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết: Theo đông y, đậu đen có vị hơi ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng lợi thủy, giải độc, dưỡng âm bổ thận. Tuy nhiên, nói nuốt 49 hạt đậu đen để trị bách bệnh là chuyện tào lao. Trong y học cổ truyền, không có phương pháp nào yêu cầu người bệnh nuốt sống 49 hạt đậu này để trị bệnh cả. Bác sĩ Hùng còn cho rằng, ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào cho việc điều trị các bệnh bằng cách sử dụng nuốt sống đậu đen cả, mà hầu hết chỉ là khuyến khích nên sử dụng đậu đen nấu chè hay canh. Vì thế, bác sĩ đưa ra lời cảnh báo với người dân việc nuốt hạt đậu đen sống dễ gây tai biến nguy hiểm cho các trường hợp tiêu hóa kém, viêm loét dạ dày. |
Thanh Tuân