Liên tiếp các vụ tai nạn kinh hoàng
Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra lúc 1h30 sáng 23/1, trên tuyến La Sơn – Hoà Liên (qua địa phận Tp.Đà Nẵng) khi chiếc xe khách BKS 47B - 010.67 do tài xế Phương Thanh Tùng (36 tuổi, trú huyện EaH' Leo, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển bất ngờ lao ra khỏi đường, đâm vào hộ lan cứng bê tông cốt thép và rơi xuống vực sâu.
Vụ tai nạn làm 2 người tử vong, 20 người khác may mắn chỉ bị thương song chắc hẳn mỗi đêm đều giật mình thon thót vì chưa thoát khỏi nỗi sợ hãi, ám ảnh.
Đáng tiếc, nguyên nhân ban đầu được xác định bên cạnh yếu tố khách quan là trời mưa, sương mù còn có yếu tố chủ quan do tài xế xe khách buồn ngủ nên đã gây tai nạn.
Trước đó, nhiều vụ tai nạn giao thông cũng xảy ra bởi nguyên nhân này. Khoảng 17h15 ngày 25/7/2023, trên tuyến La Sơn - Túy Loan, xe khách giường nằm BKS 47F-000.88 do anh Trần Xuân Hoàn (SN 1984, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển, khi đến Km 11+700 thì lao qua lề đường phía bên phải đâm vào vách núi.
Theo hành khách, thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách chạy nhanh và tài xế có dấu hiệu ngủ gật trước khi bị lật.
Chỉ 6 ngày trước đó, trên QL1 đoạn qua tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra vụ TNGT khi ô tô tải lao vào nhà dân bên đường khiến hai người tử vong. Tại cơ quan điều tra, tài xế khai khi lưu thông đến khu vực trên, mắt ông bị mờ và mất cảm giác điều khiển phương tiện.
Theo một cán bộ CSGT tỉnh Quảng Ngãi, do hành trình di chuyển quá dài, khi đến địa điểm trên, ông Cường đã ngủ gật, không làm chủ được hành vi trong quá trình điều khiển xe mới dẫn đến tai nạn.
Thống kê của Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ TNGT đường bộ, phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông có 0,33% do mệt mỏi, ngủ gật (khoảng 72 vụ).
Theo Giáo sư Peter Eastwood - Giám đốc Trung tâm Khoa học về Giấc ngủ tại Đại học Tây Australia: “Thiếu ngủ sẽ gây cảm giác buồn ngủ dẫn tới mệt mỏi, làm chậm phản xạ của bạn khi lái xe. Chẳng hạn thiếu ngủ từ 17-19 giờ trong một tuần tác hại tương đương với nồng độ cồn ở mức 0,05 mg/1l khí thở. Thiếu ngủ 21 tiếng sẽ ở mức 0,08 và 24 tiếng thì ở mức 0,1. Điều này dẫn đến việc tài xế theo dõi làn đường kém đi, giảm sự tỉnh táo và khả năng duy trì tốc độ. Nó cũng gây ra trạng thái ngủ quên đột ngột, đây là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông”.
Chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Minh Hiếu cho biết, đối với lái xe kinh doanh vận tải cường độ làm việc quá cao dẫn đến việc không có thời gian nghỉ ngơi và ngủ, gây ra tình trạng ngủ gật hay không tỉnh táo khi lái xe.
Trách nhiệm trước tiên vẫn thuộc về người lái xe vì không điều chỉnh, sắp xếp được thời gian làm việc của bản thân, đôi khi vì mong muốn tăng thêm doanh thu/lợi nhuận dẫn đến tình trạng "lái cố" và bị quá sức.
Cách phòng tránh cơn buồn ngủ?
Dù không mong muốn nhưng khi lái xe đường trường hoặc ban đêm, do rung động tần số đều đặn nên nhiều tài xế thường buồn ngủ, mất tập trung, gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Có thể nói, do nhiều nguyên nhân, lái xe sau một thời gian dài mệt mỏi luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Trong các cuộc thăm dò do Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia và các tổ chức khác thực hiện, khoảng 60% tài xế thừa nhận lái xe trong khi cảm thấy buồn ngủ, khoảng 40% đã gật đầu hoặc ngủ thiếp đi khi lái xe trong năm trước và khoảng một phần tư báo cáo lái xe buồn ngủ ít nhất một lần mỗi tháng. Trong số thanh thiếu niên, 50 đến 70% thừa nhận lái xe buồn ngủ trong năm qua và 15% báo cáo làm như vậy ít nhất một lần mỗi tuần. Buồn ngủ tự báo cáo trong khi lái xe có liên quan đến sự gia tăng 2,5 lần nguy cơ tai nạn xe cơ giới tương đối.
Lái xe buồn ngủ chiếm khoảng một trong sáu căn nguyên tai nạn nghiêm trọng và một trong tám căn nguyên tai nạn dẫn đến nhập viện tài xế hoặc hành khách. Tỷ lệ phần trăm cao này phù hợp với việc quan sát các vụ tai nạn lái xe buồn ngủ xảy ra ở tốc độ cao, mà không có các thao tác tránh né như phanh hoặc chuyển hướng, có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn.
Dưới đây là những cách có thể giúp các tài xế phá tan cơn buồn ngủ, giúp tài xế lái xe an toàn và xử lý tình huống một cách tốt nhất.
Ngủ đủ và sâu giấc trước khi lái xe
Cách tốt nhất để chống ngủ gật là phải ngủ đủ. Người lớn cần giấc ngủ sâu trong khoảng thời gian 7 tiếng mỗi ngày. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên, có thể coi là thiếu ngủ.
Tấp vào lề tại vị trí cho phép, ngủ 15 phút
15 phút là thời gian tối thiểu của một giấc ngủ trưa. Chỉ cần chợp mắt thoáng qua 15 phút, não bộ sẽ được nghỉ ngơi, và sau khi tỉnh dậy bạn sẽ thấy cơ thể đã được “sạc" lại ít nhất 50% "pin", tiếp tục cuộc hành trình.
Xuống xe, uống nước, rửa mặt, đi vệ sinh
Khi mệt mỏi, tự bản thân cơ thể sẽ đòi hỏi được nghỉ ngơi. Sau 2 tiếng chạy xe liên tục, tài xế nên dừng và xuống xe, rồi mới tiếp tục lái. Theo một số chuyên gia về sức khỏe, không nên lái xe liên tục trong 4 giờ đồng hồ. Vì khi đó não bộ đã làm việc quá sức, cơ thể không còn khả năng tập trung. Trong tình huống lái xe một mình, các chuyên gia khuyến cáo khi cảm thấy buồn ngủ, tài xế nên xuống xe rửa mặt đi vệ sinh có thể làm cho bạn tỉnh ngủ đến không ngờ, rất hiệu quả khi mệt mỏi.
Giữ cabin mát mẻ
Giữ cho buồng lái được thông thoáng, mát mẻ sẽ giúp các tài xế thoải mái hơn và tránh những cơn buồn ngủ. Mở cửa sổ của xe để không khí lọt vào. Điều này đặc biệt tốt nếu cabin nóng còn bên ngoài lại lạnh. Giống như lặn vào trong nước lạnh, không khí lạnh sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn.
Tập một vài động tác đơn giản
Tại mỗi khoảng nghỉ, tay lái nên tập một vài động tác giãn cơ đơn giản trong vòng 10-15 phút. Điều này có tác dụng giúp tinh thần thoải mái và cơ thể khỏe mạnh hơn, hạn chế một số bệnh về khớp tay, chân và cổ… Việc tài xế ý thức được sức khỏe của mình là vô cùng quan trọng, những thói quen tốt dần dần sẽ hình thành nên những tay lái tốt hơn.
Tránh sử dụng các loại thuốc an thần, rượu, bia
Có lẽ, đây là điều luôn được đặc biệt lưu ý. Việc sử dụng thuốc chống buồn ngủ hiện đã bị cấm. Rượu, bia cũng là những chất kích thích gây ức chế thần kinh trung ương, người uống rượu thường không đủ tỉnh táo. Vì vậy, cần triệt để không uống rượu, bia trước khi lái xe.
Dùng một số sản phẩm hỗ trợ
Vốn được sản xuất trên mục tiêu mang lại sự tỉnh táo khi làm việc, chiết xuất cà phê, nhân sâm trong kẹo ngậm Chim Sáo cũng là một giải pháp tỉnh táo, chống ngủ gật hữu hiệu. Tuy nhiên, sử dụng liên tục trong hành trình dài có thể làm cơ thể mệt mỏi quá mức, dù không ngủ gật, nhưng lái xe vẫn không thể tập trung dẫn đến tai nạn.
Đây không phải là biện pháp làm giảm cơn buồn ngủ và tăng cường tập trung cao độ ngay lập tức, mà các sản phẩm này có thể giúp thông cổ họng, tinh thần sảng khoái, tỉnh táo và đảm bảo hiệu quả công việc lái xe.
Cách hạn chế
- Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, người lái xe muốn lái xe an toàn phải có đủ 2 điều kiện gồm: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết về pháp luật GTĐB và trạng thái sức khoẻ (bao gồm trạng thái sức khoẻ thể chất và tâm thần).
Trong đó, vấn đề liên quan đến buồn ngủ thiên về trạng thái sức khoẻ tâm thần nhiều hơn, dù thể chất và tâm thần sẽ có liên đới với nhau.
Nếu tài xế ốm đau, lao động quá sức hoặc bị doanh nghiệp yêu cầu chạy quá thời gian quy định, làm việc quá nhiều, sử dụng rượu bia,… cũng gây ra tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ.
- Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, lái xe có thể chia thành 2 nhóm: nhóm lái xe cá nhân và nhóm lái xe chuyên nghiệp/kinh doanh (lái xe chở khách/hàng để có thu nhập).
Nguyên nhân đối với mệt mỏi và ngủ gật cũng có sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng này. Đối với lái xe cá nhân, có thể đến từ việc lái xe bận rộn với công việc hay vì lý do nào đó nên không ngủ đủ giấc hay mắc các chứng mất ngủ, rối loạn về giấc ngủ. Một nguyên nhân khác là lái xe cá nhân có thể sử dụng rượu bia dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ khi lái xe.
Trong khi đó, đối với lái xe kinh doanh, nguyên nhân về uống rượu bia có thể ít phổ biến hơn do họ có ý thức nghề nghiệp về việc phải đảm bảo an toàn cho hành khách và nguy cơ bị phạt, buộc thôi việc nếu mắc vào lỗi này.
“Vấn đề phổ biến đối với các lái xe này là cường độ làm việc của họ quá cao, thể hiện qua số giờ làm việc trong 1 ngày và số ngày làm việc (liên tục) trong 1 tuần hay 1 tháng. Điều này dẫn đến việc không có thời gian nghỉ ngơi và ngủ, gây ra tình trạng ngủ gật hay không tỉnh táo khi lái xe”, Hiếu nhận định.
TS.Hiếu cho biết thêm, việc quản lý sức khỏe của người lái rất được coi trọng ở nước ngoài. Theo đánh giá tại Mỹ, buồn ngủ khi lái xe có mức độ rủi ro và nguy hiểm không thua kém so với lái xe sau khi dùng chất kích thích.
Lái xe cần phải đi khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở hay phòng khám được cấp phép. Lái xe cũng được khuyến cáo liên hệ ngay để được tư vấn và thăm khám khi gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ hay cảm giác mệt mỏi. Nhiều hướng dẫn và “mẹo” về cách xử lý khi buồn ngủ trong lúc lái xe cũng được tuyên truyền qua nhiều kênh, theo những cách đơn giản và dễ hiểu.
Khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm của doanh nghiệp trong điều phối thời gian làm việc của lái xe luôn được xem xét kỹ càng cùng với các báo cáo về sức khỏe lái xe. Cũng bởi thế, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ AI tích hợp vào camera để nhận diện các trạng thái mệt mỏi của lái xe để có các cảnh bảo (tự động) kịp thời.
“Tại Việt Nam cũng đã có quy định về thời gian làm việc của lái xe tuy nhiên việc quản lý còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhìn chung không giám sát việc này, thậm chí trong một số trường hợp còn đòi hỏi người lái xe phải làm việc quá thời gian quy định. Do đó, có thể xem xét quy định các doanh nghiệp phải có danh sách lái xe và thống kê thời gian làm việc thực tế tương ứng của họ, các thông tin này cần phải được cập nhật và tích hợp lên hệ thống quản lý.
Thông số này cũng phải tương thích với thời gian các xe hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Khi có tai nạn xảy ra, các thông tin này cần được trích xuất và là cơ sở để xem xét thêm trách nhiệm của doanh nghiệp. Việc quản lý phòng chống lái xe khi mệt mỏi buồn ngủ cần được quan tâm nhiều hơn so với hiện nay”, TS. Hiếu chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật Tinh thông luật cho biết, lái xe buồn ngủ là 1 trong 6 căn nguyên tai nạn nghiêm trọng và 1 trong 8 căn nguyên tai nạn dẫn đến nhập viện tài xế hoặc hành khách.
Tỉ lệ phần trăm cao này phù hợp với việc quan sát các vụ tai nạn lái xe buồn ngủ xảy ra ở tốc độ cao, mà không có các thao tác tránh né như phanh hoặc chuyển hướng, có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn.
Điều 65 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về thời gian làm việc của tài xế ô tô như sau: “Thời gian làm việc của người lái ô tô không được quá 10 giờ trong 1 ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”.
Phương pháp tính toán vi phạm về thời gian lái xe liên tục được xác định căn cứ vào khoản 3 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-BGTVT về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT của ô tô. Ngày làm việc của người lái xe được tính từ khi người lái xe bắt đầu điều khiển phương tiện (xe bắt đầu chạy) đến khi đủ 24 giờ, hoặc đến khi người lái xe nghỉ (không điều khiển phương tiện) đủ 14 giờ trở lên. Vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày được xác định khi tổng thời gian lái xe trong ngày làm việc vượt quá 10 giờ.
Quy định này về thời gian làm việc của tài xế nhằm đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ dường như ít được các tài xế quan tâm thực hiện. Hành vi không tuân thủ quy định về thời gian làm việc của tài xế ô tô có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Khi tài xế cầm lái đồng nghĩa với việc nắm sinh mạng không chỉ của chính mình mà còn của hành khách, cộng đồng, tài sản... Cho nên an toàn là bài học không hề mới cho tất cả những ai tham gia lưu thông.
Điểm d khoản 6 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ- CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thời gian lái ô tô là từ 3-5 triệu đồng. Tài xế ô tô còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” căn cứ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017. Khung hình phạt thấp nhất là 30 triệu đồng và cao nhất là phạt tù đến 15 năm tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. |
Quỳnh Chi (t/h)