Nguyên nhân gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ dù nhẹ cũng nguy hiểm. Trên tờ VnExpress cho hay, gan nhiễm mỡ hay còn gọi gan thoái hoá mỡ là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan do nhiều nguyên nhân. Bình thường lượng mỡ chiếm khoảng 3-5% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ khi lượng mỡ trong gan chiếm 5-10%, nếu 10-25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và nếu vượt quá 30% là nhiễm mỡ nặng.
Gan nhiễm mỡ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó muốn điều trị gan nhiễm mỡ thì phải điều trị bệnh chính gây ra gan nhiễm mỡ.
Có 4 nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ:
- Thừa cân hoặc béo phì: Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (CDC), 69% người trưởng thành ở Mỹ đang gặp vấn đề thừa cân, 33% trong số đó bị béo phì. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ.
- Kháng insulin hoặc mắc bệnh tiểu đường: Theo CDC, 29 triệu người ở Hoa Kỳ đang mắc bệnh tiểu đường, 25% trong số đó gặp vấn đề gan nhiễm mỡ.
- Cholesterol cao: Cholesterol cao được biết đến là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bệnh tim và bệnh gan nhiễm mỡ.
- Thường xuyên uống rượu: 1 nguyên nhân phổ biến khác gây bệnh gan nhiễm mỡ là nghiện rượu hoặc thường xuyên uống rượu có nồng độ mạnh. Gan nhiễm mỡ phát triển khi cơ thể tạo ra quá nhiều chất béo hoặc không kịp chuyển hóa chất béo. Uống rượu sẽ làm suy giảm khả năng chuyển hóa chất béo của gan.
7 nhóm người có nguy cơ gan nhiễm mỡ
Trên một số tờ báo uy tín đã cảnh báo 7 nhóm người sau cần thận trọng với gan nhiễm mỡ. Tờ Trí Thức Trẻ đưa ra thông tin:
• Những người béo phì: Trong cơ thể người béo có quá nhiều các khối tạp mỡ. Các a xít béo trong cơ thể vào gan sẽ hợp thành triglyceride. Khi tốc độ hợp thành các protein cao hơn tốc độ bài tiết của lipoprotein (chất vận chuyển cholesterol), các chất béo dư thừa sẽ tích tụ trong tế bào gan hình thành gan nhiễm mỡ.
• Những người dinh dưỡng không tốt: Dinh dưỡng kém dẫn đến thiếu hụt protein trong cơ thể, không thể tạo ra apolipoprotein đầy đủ, lipid không thể chuyển thành lipoprotein (cholesterol tốt - HDL) sẽ cản trở quá trình vận chuyển triglyceride của gan. Mô mỡ thừa tích tụ trong tế bào gan, gây nên gan nhiễm mỡ.
• Những người thường xuyên uống rượu: Rượu bia khi vào cơ thể 90% được tiến hành phân giải trao đổi chuyển hóa trong gan. Như vậy gan phải tiếp nhận chuyển hóa một tỷ lệ rất lớn bia rượu nếu chúng ta thường xuyên sử dụng trong một thời gian dài. Do đó, dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ do chất cồn.
• Những người bị bệnh tiểu đường: Tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tuýt 2 mắc gan nhiễm mỡ lên đến 46%. Nguyên nhân là do glucose và acid béo không được sử dụng tốt, chuyển hóa thành chất béo trong gan.
• Những người thường xuyên thức đêm: Gan hoạt động mạnh nhất là từ 23h đêm – 3h sáng. Nếu thường xuyên thức đêm, gan không được nghỉ ngơi đầy đủ, chắc chắn phải chịu thêm gánh nặng.
• Người dùng thuốc lâu dài: Thuốc corticoid, thuốc chống lao, thuốc giảm cân đều là các loại thuốc nhiều nguy cơ dẫn đến gan nhiễm mỡ, tốt nhất ít dùng hoặc không nên dùng chúng.
• Những người ít kiểm tra sức khỏe: Hầu hết người mắc bệnh gan nhiễm mỡ thời kỳ đầu đều không có triệu chứng gì hoặc triệu chứng mờ nhạt nên nhiều người thường bỏ qua và chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ.
Những thực phẩm đại kỵ với người bị gan nhiễm mỡ
Theo chuyên gia y tế, một số loại thực phẩm người gan nhiễm mỡ cần tránh xa bao gồm: Rượu, đường, thực phẩm có hàm lượng fructose cao, chất béo bão hòa, thực phẩm có carbohydrate ít chất xơ, thịt đỏ…
Phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Tờ Dân trí đưa thông tin về các phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ bao gồm:
1. Siêu âm
Có 5 dấu hiệu để chẩn đoán gồm
- Nhu mô gan tăng âm so với nhu mô vỏ thận.
- Nhu mô gan tăng âm so với nhu mô lách.
- Nhu mô gan suy giảm âm vùng sâu.
- Cơ hoành bị xóa.
- Cấu trúc mạch máu trong gan bị xóa.
Để tránh bị sai sót, chỉ chẩn đoán gan nhiễm mỡ khi có từ 3-5 dấu hiệu trở lên.
2. Chụp cắt lớp vi tính
Chẩn đoán gan nhiễm mỡ không tiêm thuốc cản quang. Gan bình thường có tỷ trọng cao hơn lách, cấu trúc mạch máu dễ dàng nhìn thấy. Nếu gan nhiễm mỡ, tỷ trọng sẽ thấp hơn lách trên 10HU, hoặc tỷ trọng nhu mô gan đo được thấp dưới 40HU.
Trường hợp gan nhiễm mỡ khu trú, tạo thành những hình có hiệu ứng khối, cần tiêm thuốc cản quang để chẩn đoán phân biệt.
Cắt lớp vi tính có giá trị rất cao trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, thực tế chỉ cần siêu âm là đủ.
3. Cộng hưởng từ
Chuỗi xung GRE cho phép chẩn đoán chính xác gan nhiễm mỡ, chẩn đoán mức độ nhiễm mỡ bằng tình trạng suy giảm cường độ tín hiệu. Một biện pháp chẩn đoán nữa là cộng hưởng từ phổ, tuy không đánh giá hình thái gan nhưng chẩn đoán nhiễm mỡ lại rất chính xác.
Khi có hình ảnh nhiễm mỡ giả u, bác sĩ vẫn cần thiết tiêm thuốc đối quang từ để phân biệt, trường hợp nhiễm mỡ lan tỏa không cần áp dụng biện pháp này.
Cũng giống như cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ chỉ chẩn đoán kết hợp trong các chỉ định chụp vì bệnh lý khác, không sử dụng độc lập để chẩn đoán bệnh lý gan nhiễm mỡ.
Văn Minh (tổng hợp)