Cụ thể, theo báo cáo thu nhập được công bố hôm 29/8, lợi nhuận ròng của Gazprom đạt 1.040 tỷ Rúp (11,5 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, so với 296,2 tỷ Rúp (3,3 tỷ USD) cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân được cho là nhờ xuất khẩu khí đốt qua đường ống nhiều hơn, doanh số dầu mỏ cao hơn, và việc Gazprom mua lại cổ phần trước đây của Shell Plc trong dự án Sakhalin-2.
"Hoạt động kinh doanh dầu mỏ hiệu quả, xuất khẩu khí đốt cao hơn, bao gồm cả kế hoạch tăng nguồn cung cho Trung Quốc và các bước tích cực của chúng tôi nhằm giảm chi phí", tất cả đều góp phần vào kết quả tài chính tích cực, Phó Tổng giám đốc điều hành Gazprom Famil Sadygov cho biết trong một tuyên bố.
Kết quả trên cũng chịu ảnh hưởng từ việc hợp nhất Sakhalin Energy, đơn vị điều hành dự án dầu khí Sakhalin-2, ông Sadygov cho biết.
Gazprom, một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, đã chứng kiến hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên cốt lõi của mình tại châu Âu suy giảm kể từ năm 2022, sau khi mối quan hệ giữa Điện Kremlin và phương Tây xấu đi theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Gã khổng lồ Nga đã công bố khoản lỗ ròng hàng năm đầu tiên trong thế kỷ này vào năm 2023. Sự phục hồi mạnh mẽ trong lợi nhuận ròng của Gazprom trong năm nay là tín hiệu tích cực cho các cổ đông, trong đó cổ đông lớn nhất là chính phủ Nga. Bất kỳ khoản cổ tức tiềm năng nào cũng sẽ có lợi cho ngân sách của quốc gia này, vốn đang căng thẳng do chi tiêu quân sự gia tăng và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu – nơi từng là thị trường lớn nhất của Gazprom, đã phục hồi hơn 1/4 so với nửa đầu năm 2023 và lượng khí đốt giao đến Trung Quốc đã tăng cao hơn mức theo hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), theo tính toán của Bloomberg và tuyên bố của nhà sản xuất.
Gazprom kỳ vọng nguồn cung khí đốt qua đường ống cho quốc gia châu Á này sẽ đạt mức 38 tỷ m3 theo kế hoạch hằng năm vào năm 2025.
Cho đến nay trong năm nay, kết quả tài chính của Gazprom cũng được hưởng lợi từ cổ phần lớn hơn của công ty trong liên doanh dầu khí Sakhalin-2 ở Viễn Đông của Nga. Công ty đã tăng tỉ lệ sở hữu trong dự án lên gần 78% sau khi mua 27,5% trước đây do Shell nắm giữ. Công ty này đã rút khỏi dự án sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Theo báo cáo tài chính, trong nửa đầu năm nay, Gazprom đã tạm thời ghi nhận khoản lãi khoảng 167,4 tỷ Rúp (1,85 tỷ USD) từ việc tăng cổ phần tại Sakhalin-2. Hoạt động kinh doanh dầu mỏ của công ty, chủ yếu do Gazprom Neft PJSC điều hành, đã được thúc đẩy nhờ đà tăng của giá dầu Ural – hỗn hợp dầu thô xuất khẩu chính của Nga.
Minh Đức (Theo Bloomberg)