Vậy ngộ độc cá nóc do đâu? Khi bị ngộ độc cần được điều trị như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề ngộ độc cá nóc cũng như trả lời các câu hỏi trên đây, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Chu Hòa Sơn, hiện đang là giảng viên tại trường cao đẳng Y Dược Pasteur để cùng tìm hiểu nguyên nhân cũng như biện pháp điều trị khi bị ngộ độc cá nóc.
Thưa bác sĩ, vì sao cá nóc có thể gây ngộ độc?
Cá nóc (Puffer fish, Balloon fish, Fugu tên gọi ở Nhật) có nhiều loài khác nhau. Trong từng loài, vào từng thời điểm, địa điểm mà từng loại lại chứa lượng độc tố khác nhau. Ở Việt Nam có gần 70 loài cá nóc khác nhau. Cá nóc sống ở nước mặn nhiều hơn ở nước ngọt. Độc tố trong cá nóc là Tetrodotoxin.
Chúng ta bị ngộ độc cá nóc là do trong cá nóc có chứa độc tố là Tetrodotoxin, tập trung ở trứng cá, ruột, gan, không bị hủy ở nhiệt độ sôi hay phơi khô, sấy, chất độc bị bất hoạt trong môi trường acid và kiềm mạnh. Vì vậy mặc dù đã áp dụng các biện pháp chế biến nghiêm ngặt nhưng chất độc vẫn tồn tại và không hề mất đi.
Tetrodotoxin gây ức chế bơm Sodium-potassium, block dẫn truyền thần kinh cơ gây liệt cơ, suy hô hấp. Tỉ lệ tử vong cao khoảng 60%. Tetrodotoxin còn gặp ở bạch tuộc xanh.
Khi bị ngộ độc có nóc bệnh nhân sẽ có các biểu hiện lâm sàng nào?
Lâm sàng: triệu chứng xuất hiện nhanh ngay sau ăn 5-10 phút, muộn hơn có thể đến 3 giờ.
Triệu chứng nhẹ, ban đầu: Tê lưỡi, miệng, môi, mặt, tê ngón và bàn tay, ngón chân và bàn chân. Nhức đầu, vã mồ hôi. Ðau bụng, nôn ói, tăng tiết nước bọt.
Triệu chứng nặng: Lơ mơ, mệt lã. Yếu cơ, liệt chi. Suy hô hấp, tím tái, ngừng thở. Hạ huyết áp, tim đập chậm. Hôn mê, co giật.
Sau khi các triệu chứng phát tán, có thể kéo dài 4-24 giờ sau khi ngộ độc và bệnh nhân có thể tử vong do hạ huyết áp và ngừng trệ hô hấp.
Vậy cần làm các xét nghiệm nào trong trường hợp này và bệnh được chẩn đoán xác định khi nào?
Bệnh sử có ăn cá nóc. Kết hợp lâm sàng: Tê lưỡi, miệng, môi. Yếu cơ, liệt chi. Ngừng thở.
Kết quả xét nghiệm: Xác định độc tố Tetrodotoxin (nếu có điều kiện). Chẩn đoán phân biệt với các trường hợp ngộ độc thức ăn. Ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. Viêm dạ dày ruột.
Vậy nguyên tắc điều trị khi bị ngộ độc cá nóc là gì và bệnh được điều trị ra sao?
Nguyên tắc điều trị:
- Điều trị tình huống cấp cứu.
- Nhanh chóng loại bỏ độc chất.
- Chất đối kháng đặc hiệu.
- Điều trị biến chứng.
Điều trị:
- Điều trị tình huống cấp cứu: Hồi sức hô hấp rất quan trọng trong cứu sống người bệnh ngộ độc cá nóc. Tử vong hầu hết do liệt hô hấp. Nếu hỗ trợ hô hấp tốt, các triệu chứng trên sẽ hồi phục sau 24 giờ. Thông đường thở. Bóp bóng giúp thở. Thở máy. Hồi sức chống sốc với dịch truyền và Dopamin liều 3 – 10 µg/kg/phút dựa vào CVP. Tránh truyền dịch quá mức.
- Điều trị co giật: Hiếm gặp, điều trị co giật bằng Diazepam tiêm tĩnh mạch.
Chất đối kháng đặc hiệu chưa có. Nếu liệt chi hay liệt hô hấp một số tác giả đề nghị dùng thuốc kháng men cholinesteraza: Edrophonium (TENSILON) 0,05 mg/kg/liều, TM. Hoặc Neostigmine 0,01 - 0,04 mg/kg/liều mỗi 2 - 4 giờ TB. Tuy nhiên, các thuốc này không thể thay thế các phương tiện hồi sức hô hấp.
Dinh dưỡng đường tĩnh mạch
- Điều trị biến chứng: Hạ đường huyết. Rối loạn điện giải. Rối loạn nhịp tim. Nếu bệnh nhân còn sống sau 24 giờ, khả năng cứu sống rất cao do độc tố được thải ra ngoài.
Vậy làm sao để phòng ngừa ngộ độc cá nóc?
Để phòng ngừa ngộ độc cá nóc chúng ta cần chú ý các vấn đề sau:
-Thông tin cho người dân nhận biết các loại cá nóc.
-Không bán cá nóc và sản phẩm cá nóc.
-Loại bỏ cá nóc trước khi chế biến các sản phẩm từ cá.
-Không ăn cá nóc, hoặc khô cá nóc.
-Khi ăn phải cá nghi là cá nóc (có dấu hiệu tê môi, tê bàn tay) cần gây nôn và đưa ngay đến cơ sở y tế.
Xin cảm ơn bác sĩ!