Nhà mạng “dội bom” tin nhắn, cuộc gọi rác: Trăm dâu đổ đầu... người dùng

Nhà mạng “dội bom” tin nhắn, cuộc gọi rác: Trăm dâu đổ đầu... người dùng

Vũ Kim Linh

Vũ Kim Linh

Thứ 5, 30/08/2018 15:12

Nhiều người dùng bức xúc vì vẫn đau đầu với nhiều tin nhắn, cuộc gọi rác sau hơn 1 năm các nhà mạng cùng bắt tay ngăn chặn tình trạng này.

Một trong những nơi “dội bom” tin nhắn rác nhiệt tình nhất là… nhà mạng

Theo phản ánh từ báo Thanh niên, gần đây, lượng tin nhắn rác mà người dùng điện thoại di động nhận được vẫn không hề giảm so với trước kia. Đáng chú ý, ngoài tin nhắn rác từ số các công ty dịch vụ bên ngoài thì giờ đây, nhà mạng là một trong những nơi “dội bom” tin nhắn rác nhiệt tình nhất.

Cuộc sống số - Nhà mạng “dội bom” tin nhắn, cuộc gọi rác: Trăm dâu đổ đầu... người dùng

Tin nhắn và cuộc gọi rác vẫn “khủng bố” người dùng cả ngày lẫn đêm. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Anh Văn (quận Thủ Đức, TP.HCM), chủ thuê bao 09137..., chia sẻ, ngày nào ít nhất ảnh cũng nhận 2 - 3 tin, ngày nhiều có khi lên đến 10 tin từ các nơi đổ về. Số lượng tin nhắn từ tổng đài của chính nhà mạng VinaPhone gửi đến điện thoại anh Văn chiếm phần lớn như đầu số 9188, 1525, 1544, 906...

Tương tự như vậy, người dùng điện thoại các nhà mạng khác như Viettel, MobiFone, Vietnammobile cũng bị nhận tin nhắn rác với mức độ ít nhiều khác nhau.

Ngay cả nhà mạng Viettel vốn luôn khẳng định đã nỗ lực ngăn chặn thành công lượng tin nhắn rác trong thời gian qua nhưng với khách hàng, số tin quảng cáo khuyến mãi dội vào điện thoại liên tục cũng không hề thua kém.

Anh Thanh (quận 3, TP.HCM), chủ thuê bao 01676..., cho biết, đây chỉ là số điện thoại phụ của anh và ít nhận được tin nhắn quảng cáo từ các dịch vụ khác. Thế nhưng đối tượng “dội bom” nhiều nhất chính là nhà mạng qua các đầu số dịch vụ như CSKHViettel, Viettel-DV, Viettel-QC, Viettel-KM, Chuyentien, ViettelPay...

Anh Thanh bức xúc nói: “Hiện nay, số tin nhắn từ nhà mạng gửi cho khách hàng càng nhiều hơn các tin nhắn dịch vụ khác. Lạ là nhà mạng tự động gửi quảng cáo cho khách hàng nhưng vì sao vẫn thêm câu: Từ chối QC, soạn TC gửi...? Tôi đã bị phiền hà, mất thời gian rồi lại tốn thêm tiền nếu muốn từ chối, dù đã trả cước phí sử dụng đầy đủ hằng tháng cho nhà mạng rồi. Thật không có dịch vụ nào mà vô lý như vậy”.

Ngao ngán vì bị làm “khủng bố” bởi cuộc gọi rác

Không ít người dùng ngao ngán vì bị làm phiền bởi những cuộc gọi mời chào mua bất động sản, mời tham dự hội thảo, làm thẻ tín dụng hay đề nghị cho vay tiền, mua bảo hiểm…

Cuộc sống số - Nhà mạng “dội bom” tin nhắn, cuộc gọi rác: Trăm dâu đổ đầu... người dùng (Hình 2).

Nhiều người dùng bức xúc vì sự phiền phức từ nhân viên telesales.  (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Phước Long (quận 12, TP.HCM) cho biết: “Tôi rất ám ảnh với cách thức mời chào sản phẩm như thế này. Nhiều lúc muốn từ chối lịch sự nhưng cũng không thể làm được bởi cùng một dịch vụ, cùng một công ty bảo hiểm mình đã trả lời lần trước là không có nhu cầu thì đến hôm sau, hay tuần sau họ lại gọi lại mời chào. Cứ như thể là nhân viên của hãng đó truyền tay nhau bảng số điện thoại của khách hàng rồi theo thứ tự mà bấm”.

Là một doanh nhân, anh Nguyễn Trọng Hùng (Hà Nội) cũng hết sức khó chịu với hình thức mời chào bán hàng bất kể giờ giấc, nội dung của các nhân viên telesales.

“Bản thân doanh nghiệp chúng tôi chưa bao giờ đi phát tờ rơi, nhắn tin hay gọi điện làm phiền khách hàng. Mình phải biết ai là người thực sự có nhu cầu để liên hệ làm việc. Thế nhưng, bản thân tôi rất hay nhận được những cú điện thoại mời chào dịch vụ của doanh nghiệp khác. Việc phải thường xuyên trả lời từ chối điện thoại, nhất là những lúc đang họp hay đang lái xe thực sự gây ức chế”, anh Hùng bức xúc nói.

Cũng theo anh Hùng, có lần anh đã yêu cầu một nhân viên bán bảo hiểm qua điện thoại báo lại bộ phận có trách nhiệm bỏ tên anh ra khỏi danh sách của họ nhưng vẫn không được. Vài ngày sau, anh lại phải nhận một cuộc gọi mời mua bảo hiểm từ chính doanh nghiệp đó.

Nói vê tình trạng này, cũng trên báo Dân Việt, luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, để các cơ quan chức năng có thể can thiệp xử lý, cần phải nhìn vào gốc của vấn đề. Đó là tại sao các doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm hay cho vay tài chính lại có được danh sách khách hàng với tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp như vậy?

Trong Bộ luật Dân sự thì quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng mua bán thông tin cá nhân, các cuộc gọi làm phiền vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Giải pháp thứ nhất là người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế cung cấp các thông tin cá nhân, có thể cài đặt chế độ tiếp nhận cuộc gọi hay sử dụng các phần mềm sàng lọc cuộc gọi đến. Tiếp đến, là những tổ chức, cá nhân khi thu thập những thông tin khách hàng đều phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin đó.

Mộc Trà (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.