Sáng 12/7, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại diện bộ GTVT cho rằng: “Việc các đơn vị Trung Quốc tham gia nộp hồ sơ tại 7/8 dự án trên là chuyện bình thường trong đấu thầu quốc tế. Bộ cũng kỳ vọng sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư hơn nữa tham gia vào dự án này”.
Bộ GTVT cũng cho biết, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, bộ sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Cụ thể, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm). Tối đa mỗi dự án sẽ lựa chọn 5 nhà đầu tư được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp.
Cụ thể, dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có 6 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 4 doanh nghiệp đến từ nước ngoài và liên danh, gồm: Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc; Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Daewoo (Hàn Quốc); Liên danh Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty Cổ phần TASCO; Liên danh Cầu đường Sinohydro-Powerchina (Trung Quốc).
Dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có 10 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 7 doanh nghiệp nước ngoài và liên danh, gồm: Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc; Công ty TNHH Kỹ thuật & Xây dựng Hyundai (Hàn Quốc); Liên danh Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty Cổ phần TASCO; Liên danh Cầu đường Sinohydro - Powerchina (Trung Quốc); Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte (Hàn Quốc); Công ty Kỹ thuật & Xây dựng POSCO (Hàn Quốc); Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc).
Dự án đoạn Mai Sơn - QL45 có 11 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 9 nhà đầu tư nước ngoài và liên danh, gồm 5 nhà đầu tư từ Trung Quốc, 2 nhà đầu tư từ Hàn Quốc, 1 nhà đầu tư liên danh giữa Trung Quốc và Việt Nam và 1 nhà đầu tư từ Pháp.
Dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn có 5 nhà đầu tư tham gia và cả 5 nhà đầu tư này đều là doanh nghiệp nước ngoài và liên danh, gồm: Daewoo E&C Co., Ltd. (Hàn Quốc); China Railway 16th Bureau Group Co., Ltd. (Trung Quốc); liên danh China Road - Bridge Corporation (Trung Quốc); Metallurgical Corporation of China Ltd (Trung Quốc); Liên danh Vinci Highways - Horizon Invest JV (Pháp).
Dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 8 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 4 nhà đầu tư nước ngoài và liên danh, gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc); Tập đoàn Cầu và Đường Trung Quốc và hai liên danh giữa công ty Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc.
Dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 6 nhà đầu tư tham gia, trong đó 3 doanh nghiệp nước ngoài và liên danh, gồm: Công ty TNHH China Harbour Engineering (Trung Quốc); Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư và thi công Vân Nam (Trung Quốc); Liên danh Công ty China National Machinery Import & Export Corp - Công ty Đường sắt 21 Trung Quốc (China Railway 21 Bureau Group) - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.
Dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 5 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 3 doanh nghiệp nước ngoài và liên danh, gồm: Tổng công ty Cầu và Đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation); Liên danh Công ty China National Machinery Import & Export Corp - Công ty Đường sắt 21 Trung Quốc - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập; Liên danh Công ty TNHH China Gezhouba Group - Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620.
Cũng theo bộ GTVT, đến tháng 9/2019, bộ GTVT sẽ tiến hành thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư. Từ tháng 10/2019 – tháng 1/2020, bộ GTVT phát hành hồ sơ mời thầu. Từ tháng 1 – tháng 2/2020, đánh giá hồ sơ mời thầu và đến tháng 3/2020, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Nguyễn Lâm