Những vần thơ mộc mạc
Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935 tại tỉnh Nam Định. Sinh thời, ông từng làm nhiều công việc nặng nhọc để mưu sinh như: Phu khuân vác tại Hải Phòng, đi bán báo dạo, làm công nhân,...
Sau này, ông chuyển vào TP.HCM và sinh sống ở đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM). Tình yêu văn thơ đã thấm vào người từ khi ông còn rất nhỏ. Người cùng thời nói rằng, Thanh Tùng đi đâu, gặp chuyện gì cũng có thể xuất khẩu được thành thơ.
Em gái thứ 8 của nhà thơ Thanh Tùng, bà Doãn Bích Châu, cho biết: “Anh Tùng từ bé đã là một người rất giàu cảm xúc. Anh ấy có tài ứng tác. Có lần, tôi nhìn ra biển và bảo đẹp quá, anh lập tức đọc ngay một bài thơ về biển. Hay, chỉ cần tôi nhìn trời, thấy trời trong xanh, anh cũng viết ngay bài thơ tặng tôi.
Tuổi thơ của tôi là những ngày hạnh phúc khi có anh bên cạnh. Anh hiền lắm, lúc nào cũng bảo vệ, lo lắng cho tôi rồi dắt tôi đi chơi khắp nơi. Lúc nhỏ, tôi hay buồn vu vơ. Lúc đó, ngoài làm thơ tặng tôi, anh còn làm trâu cho tôi cưỡi”.
Đề tài trong thơ ca của ông cũng hết sức phong phú. Đặc biệt, nhà thơ yêu quý những người công nhân và người dân lao động tay chân. Do đó, những bài thơ của ông đa số viết về hình ảnh người công nhân. Ông từng lao động chân tay vất vả, nên những vần thơ của ông rất gần gũi, mộc mạc và chân thật với người lao động.
Trong bài thơ "Hải Phòng - Muối của đời tôi", ông viết: “Tôi làm thơ từ sau xe bò chở gạch/ Đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm”. Bàn tay người thợ thô ráp, nhưng tâm hồn của Thanh Tùng lại phóng túng, nghệ sĩ như ngọn gió của đất cảng Hải Phòng.
Cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nhà thơ luôn luôn là người lạc quan và vui tính. Với ông, lúc nào cuộc đời cũng đẹp. Bà Nga, một người thân thiết với nhà thơ, chia sẻ: “Anh Tùng là người vui tính và có khiếu hài hước. Lúc nào gặp, anh cũng tràn đầy sức sống. Những lúc tôi buồn ngồi nghe anh Tùng đọc thơ và kể chuyện khôi hài là mọi muộn phiền trong tôi tan biến”.
Không chỉ là một nhà thơ được nhiều người yêu quý, Thanh Tùng còn là một người cha được các con yêu thương và kính trọng.
Chị Lan Hương, con gái nhà thơ, chia sẻ: “Bố tôi sống không ganh đua bon chen mà rất phóng khoáng. Chỉ cần nhìn vào một điều gì đó, ông cũng có thể xuất khẩu thành thơ. Bố đã truyền cho anh em tôi sự yêu đời, nghị lực sống để 2 anh em có được cuộc sống như hôm nay”.
Khi biết trong người nhà thơ Thanh Tùng mang bệnh, cả hai người con đều lo lắng và chọn cách không cho ai biết về bệnh tình của ông, để ông tiếp tục vui vẻ, sống những ngày tháng còn lại.
Anh Doãn Thi, con trai lớn của nhà thơ Thanh Tùng, cho biết: “ Khi tôi và em gái Lan Hương biết cha mình mắc bệnh ung thư, cả hai đã thống nhất giấu không cho ông cũng như những bạn bè của ông biết. Bởi, khi lâm bệnh, nếu ông biết mình mắc bệnh nặng, có lẽ sẽ suy sụp nhanh hơn”.
“Nếu mọi người biết, đến hỏi thăm, ông sẽ hoang mang hơn. Khi biết cha mang bệnh, tôi và em gái luôn biết việc chữa bệnh cho cha là quan trọng nhất. Lo cho ông và mong ông mau chóng hồi phục là điều tôi mong mỏi nhất. Chúng tôi mong muốn ba mình luôn luôn vui vẻ đến hết đời, không muộn phiền và lo lắng”, anh Thi chia sẻ thêm.
Mối tình đầu của "Thời hoa đỏ"
Trong suốt khoảng thời gian sáng tác của mình, nhà thơ Thanh Tùng hoàn thành rất nhiều tập thơ, nội dung xoay quanh những người bạn thân thiết. Cho đến năm 2001, khi đã 66 tuổi, nhà thơ Thanh Tùng mới ra tập thơ đầu tiên cho riêng mình mang tên "Thời hoa đỏ". Tập thơ đã được hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng vào năm 2002. "Thời hoa đỏ" của Thanh Tùng được giới văn chương yêu thích và đánh giá cao.
Bởi vậy, khi nhắc đến nhà thơ Thanh Tùng, nhiều người nhớ đến bài thơ "Thời hoa đỏ". Tác phẩm đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc. Những câu thơ “Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi... Trong câu thơ của em, anh không có mặt. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say” đã khiến nhiều thế hệ độc giả xao động.
"Thời hoa đỏ" là tác phẩm nhà thơ Thanh Tùng viết về người vợ tên Nhàn của ông. Nhưng, vì ông từng có thời gian sống tại TP.Hải Phòng, “thành phố hoa phượng đỏ” nên nhiều người lầm tưởng đây là bài thơ viết về loài hoa đặc trưng của phố Cảng. Tình cảm của vợ chồng nhà thơ Thanh Tùng khiến biết bao người ngưỡng mộ.
Nhắc đến chuyện tình cảm của bố mẹ, anh Doãn Thi không khỏi xúc động. Anh nói: “Từ ngày tôi lớn lên và biết nhận thức về mọi thứ, tình cảm mà ba mẹ dành cho nhau là điều tôi cảm động nhất. Hai người luôn dành cho nhau những cử chỉ rất thân mật và ở bên cạnh nhau mọi lúc mọi nơi. Khi mẹ tôi giận, chỉ cần ba tôi đọc vài câu thơ tặng là mọi tức giận trong bà như tan biến.
Chính vì tình yêu mà ba mẹ tôi dành cho nhau sâu đậm nên khi mẹ mất, ba không đi bước nữa. Dù có đôi lần cô đơn, nhiều người mai mối nhưng việc cũng chẳng thành. Cũng chỉ vì, ba tôi không quên được mẹ”.
Chị Lan Hương cũng khẳng định, chính tình cảm yêu thương sâu đậm của bố mẹ đã giúp chị lớn lên trong hạnh phúc ngập tràn và thành công trong cuộc sống.
Chị chia sẻ: “Ba mẹ tôi lúc nào cũng như mới yêu, như đôi uyên ương quấn quýt không rời. Mẹ mất khi tôi mới 15 tuổi. Từ lúc đó, tôi thấy ba như trầm ngâm hơn. Ông hay lấy những tấm ảnh, tập thơ ông dành tặng bà ra xem. Lúc đó, tôi thấy khóe mắt ông đỏ lên. Ba và mẹ dạy cho anh em chúng tôi rất nhiều điều. Giờ, cả hai chúng tôi đều thành công và có gia đình hạnh phúc. Đó cũng là nhờ học hỏi nếp sống của ba mẹ tôi”.
Đến nay, dù nhà thơ Thanh Tùng đã đi xa mãi mãi. Tuy nhiên, câu chuyện tình yêu Thời hoa đỏ của ông vẫn luôn nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ người đọc. Và, những tập thơ của ông vẫn còn sống mãi.
Nhà thơ của nhân dân Thanh Tùng là nhà thơ tiêu biểu, xuất thân từ công nhân, tác giả của những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, đặc biệt là tác phẩm "Thời hoa đỏ". Năm 1997, ông được hội Nhà văn Việt Nam cử sang Hy Lạp đại diện giao lưu, đọc thơ với đại biểu các nước khác. Sau khi in chung một số tập thơ, đến năm 2001, nhà thơ Thanh Tùng có tập thơ in riêng đầu tiên Thời hoa đỏ và được tái bản năm 2016. Tập thơ này cũng đã được hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2002. |