Từng uống thuốc nhiều hơn ăn cơm
Chiều 9/11, nhà văn Lê Lựu qua đời tại nhà riêng ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên. Thông tin này khiến nhiều người tiếc thương và đau buồn.
Những năm cuối đời, nhà văn Lê Lựu nằm liệt một chỗ, ông mắc nhiều bệnh tuổi già như: Tai biến mạch máu não, bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến… Ông có những tháng ngày "uống thuốc nhiều hơn ăn cơm", việc không đi lại được khiến ông héo mòn và tiều tuỵ dần.
Vài ngày trước khi ông mất, nhà thơ Trần Đăng Khoa đến nhà thăm nhưng ông bất tỉnh, không còn biết gì. Nhà văn trước kia sống ở tại Tam Trinh, Hà Nội. Hơn một tháng nay, bệnh tình trở nặng, ông được con gái đầu đón về quê chăm sóc.
Lê Lựu là nhà văn quân đội mang quân hàm Đại tá. Trong sự nghiệp của mình, ông có 2 tiểu thuyết gây tiếng vang là Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông.
Trong một lần chia sẻ với Người Đưa Tin, ông cho hay, với hơn 50 năm cầm bút, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm, hầu hết những nhân vật ông viết đều có sự bất trắc, vất vả trên con đường tìm đến hạnh phúc của mình.
Một Giang Minh Sài trong Thời xa vắng với những đấu tranh cho hạnh phúc riêng, nhưng cũng không đến được với Hương - người mà Sài yêu hết mực. Một Núi trong Sóng ở đáy sông bị cha đẻ ghẻ lạnh từ nhỏ, cuộc đời lận đận, vào tù ra tội, vất vả mưu sinh nhiều nghề, nhưng cuộc đời cũng chưa khổ bằng ông.
"Điều may mắn là hai tiểu thuyết của tôi đều được chuyển thành kịch bản phim để phát sóng, chính vì thế, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm càng được nhân rộng. Tôi chỉ là gã nhà quê, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dậm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi", ông chia sẻ.
Cuộc đời nhà văn Lê Lựu có nhiều thăng trầm, ông có 2 người vợ, 3 người con nhưng những năm cuối đời, ông phải sống nhờ trụ sở của Trung tâm Văn hoá doanh nhân - nơi ông từng thành lập. Tại đây, ông được đồng nghiệp trẻ chăm sóc tậm tình. Phóng viên Người Đưa Tin đã tận mắt chứng kiến, hàng ngày sau hết giờ làm việc, ông được đồng nghiệp dìu quanh khu tập thể của ngõ 319 đường Tam Trinh để ông luyện tập đôi chân.
Tuổi già lại bệnh tật, dù được các đồng nghiệp chăm sóc nhưng ông luôn nén những tiếng thở dài khi đau yếu mà lại cô đơn, người chăm sóc ông lại không phải là người thân.
"Sau những năm làm việc ở Hà Nội, mảnh đất của tôi tôi giờ đã mang tên người khác. Buồn nhưng không biết làm sao được. Đời quăng quật tôi như vậy, nhưng tôi luôn đau đáu muốn về quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn để tìm chốn bình yên", ông từng tâm sự.
Cho dù cuộc sống có nhiều biến cố nhưng những tác phẩm của nhà văn Lê Lựu có nhiều dấu ấn, mang hơi thở thời sự, nhân văn.
Ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976) - được xem là tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh. Bộ ba tiểu thuyết khẳng định vị trí của ông trên văn đàn là Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994)... Ông từng đoạt giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết Thời xa vắng...
Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Những ký ức khó phai...
Khi nghe tin ông qua đời, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đã kể về ký ức của mình với nhà văn 81 tuổi. Trong mắt anh, nhà văn Lê Lựu là một người rất mộc mạc, dễ gần và thích uống rượu.
"Ông thường trò chuyện sôi nổi và chân tình với tôi về mặt bút pháp văn chương, thủ pháp sáng tác truyện ngắn. Ông chỉ cho tôi cách xây dựng nhân vật, nghệ thuật bố cục tác phẩm… Sau này, tôi với ông thỉnh thoảng cũng trò chuyện", nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho hay.
Để tiễn biệt nhà văn đàn anh, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đã làm một bài thơ để tiễn biệt nhà văn Lê Lựu, với anh, những tháng ngày được làm việc cùng ông là những ký ức đẹp về nghề.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý cũng có nhiều kỷ niệm với nhà văn Lê Lựu. Trong lần dự thi truyện ngắn gửi đến tạp chí Văn nghệ Quân đội khi đang là sinh viên, chị đã được nhà văn Lê Lựu đọc truyện và yêu cầu chị sửa một vài chi tiết cho truyện hay hơn, gai góc hơn.
Sau đó, truyện ngắn của chị đạt giải nhất và chị được nhận về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm việc, chị thân thiết với nhà văn Lê Lựu.
"Tôi vẫn quấn quýt với ông Lê Lựu. Tôi với Nguyễn Đình Tú ngày đó được xem như con cưng. Tất cả người lớn đều yêu quý. Sáng thứ Hai cơ quan giao ban, người nói to nhất là ông Chu Lai, người nói những câu buồn cười nhất mà mặt cứ tỉnh bơ là ông Trần Đăng Khoa, người uống nhiều thuốc nhất là ông Lê Lựu.
Không hiểu sao cứ đến giờ giao ban là ông bắt đầu uống thuốc. Một vốc to. Ông bảo ông phải uống cho 11 thứ bệnh. Cứ thong thả bỏ vào miệng, từng loại một, chiêu ngụm nước xong uống tiếp. Phải 5 phút mới xong chỗ thuốc ấy", nhà văn Đỗ Bích Thuý cho biết thêm.
Sau đó, nhà văn Lê Lựu thành lập Trung tâm Văn hoá doanh nhân và ra tạp chí. Đỗ Bích Thuý trở thành cộng tác viên thân thiết của ông Lê Lựu. Sau này bận rộn hơn, thi thoảng Đỗ Bích Thuý mới gặp nhà văn Lê Lựu nhưng với cô, ông vẫn là một người chú mà cô kính yêu, trân trọng.
Theo Đỗ Bích Thuý, trong di chúc của nhà văn Lê Lựu, ông muốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đứng ra tổ chức tang lễ cho mình.
Nhà văn Lê Lựu đã tìm về "thời xa vắng", nhưng những tác phẩm của ông sẽ sống mãi cùng sự phát triển của Văn học Việt Nam....