Có một "thời xa vắng"...
Lúc tôi đến, nhà văn Lê Lựu đang chuẩn bị tập đi, ngồi trong căn phòng nhỏ với chiếc ti vi đang phát sóng chương trình ca nhạc, trông ông hiền lành và yếu ớt, tuy nhiên giọng nói vẫn rất hào sảng. Ông cho biết, một ngày của ông bắt đầu từ lúc 5h, hôm nào nắng gắt thì ông tập đi vào đầu giờ sáng, mỗi ngày ba vòng quanh khu tập thể để rèn luyện đôi chân.
Nhà văn Lê Lựu
Ông cho biết, ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm", ông đang mang trong mình tới… 15 thứ bệnh, toàn những bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim, gout, phổi, tụy, thận... Hàng ngày ông uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Tuy thế ông vẫn minh mẫn và nói chuyện rất thời sự. Nhà văn cho biết, đã 6 năm nay, ông coi viện 108 gần như là "nhà" của mình vì ông vào ra nơi đó liên tục. Hàng ngày, vào đầu giờ sáng, bác sĩ riêng sẽ đến tận nhà để chữa trị cho đôi chân của ông. Lê Lựu có hai người vợ, tuy nhiên giờ đây họ đã trở thành "người cũ", nơi ông đang ở là trụ sở của tạp chí Văn hóa Doanh nhân. Hàng ngày, việc cơm nước, giúp ông tập đi cũng là nhờ nhân viên của trung tâm Văn hóa doanh nhân. Người vợ đầu là mối tình sắp đặt từ phía gia đình ở Hưng Yên. Cuộc hôn nhân không như ông mong muốn và hai người đã chia tay từ 40 năm trước. Sau đó, ông lên Hà Nội, người vợ cũ ở quê đã âm thầm chuyển tên mảnh đất hương hỏa của tổ tiên sang tên mình.
Nhà văn cho biết, nhưng người hiểu chuyện gia đình ông trước nay đều ví rằng, người vợ cũ này giống như cô Tuyết - vợ đầu của Giang Minh Sài trong tác phẩm "Thời xa vắng" viết năm 1986 của ông. Tuyết cũng được gia đình mai mối cho Giang Minh Sài, không yêu nhưng sợ điều tiếng dư luận, sợ gia đình mang tiếng... thế nhưng mãi sau này, Sài mới chia tay được Tuyết... Tuy nhiên "thời xa vắng" của Lê Lựu xót xa hơn Giang Minh Sài.
Người vợ thứ hai của nhà văn Lê Lựu có hai người con, một trai, một gái. Nhà văn từng kể về chuyện họ sẵn sàng ký vào đơn để từ bỏ ông, nhằm có quyền bán ngôi nhà của ông tại phố Lý Nam Đế? Giờ đây, ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông phải tá túc ở trụ sở của trung tâm Văn hóa doanh nhân - nơi ông sáng lập và làm lãnh đạo nhiều năm liền. Nhìn cách những nhân viên ở đây chăm sóc ông, tôi nhận thấy rằng, họ đối xử với ông thật chân tình. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm hồn nhà văn Lê Lựu, vẫn có một tiếng thở dài về cuộc đời, về nhân tình thế thái: Hơn 70 năm cuộc đời, với hai đời vợ và ba người con, giờ đây ông phải cậy nhờ vào những người không phải là ruột thịt của mình...
Ông cho biết, với hơn 50 năm cầm bút, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm, hầu hết những nhân vật ông viết đều có sự bất trắc, vất vả trên con đường tìm đến hạnh phúc của mình. Một Giang Minh Sài trong "Thời xa vắng" với những đấu tranh cho hạnh phúc riêng, nhưng cũng không đến được với Hương - người mà Sài yêu hết mực. Một Núi trong "Sóng ở đáy sông" bị cha đẻ ghẻ lạnh từ nhỏ, cuộc đời lận đận, vào tù ra tội, vất vả mưu sinh nhiều nghề, nhưng cuộc đời cũng chưa khổ bằng ông. Điều may mắn là hai tiểu thuyết của ông đều được chuyển thành kịch bản phim để phát sóng, chính vì thế, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm càng được nhân rộng.
Nhà văn Lê Lựu đi bộ luyện tập đôi chân
Tôi là anh "chân đất mắt toét"
Nhà văn Lê Lựu đã từng chia sẻ rằng, để có được "ngôi nhà công vụ" của trung tâm Văn hóa doanh nhân này, ông đã phải rất vất vả, chạy ngược, chạy xuôi để "xin" được 300m2 nhà từ UBND thành phố Hà Nội. Ở tuổi 60, ông lại "học lại từ đầu" khi từ nhà văn, chuyển sang lãnh đạo một trong tâm văn hóa. Ông bảo nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng bảo ông: "Đừng có liều lĩnh, đừng có hoài phí cả cuộc đời để đi làm giám đốc. Viết văn thì không đến nỗi tồi, tuy thỉnh thoảng có bị ngấm nguýt, nhắc nhở...". Tuy nhiên ông vẫn "liều" để lãnh đạo trung tâm Văn hóa doanh nhân và tạp chí Văn hóa doanh nhân.
Ông cho biết, dù có sống già nửa đời người ở Hà Nội và đi nước ngoài rất nhiều, nhưng ông vẫn là một gã nhà quê chính cống. Ông tếu táo: "Tôi chỉ là gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dậm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi". Làm lãnh đạo một trung tâm, thường xuyên bị những căn bệnh "làm phiền" nhưng "mạch" viết văn vẫn thôi thúc ông. Trong ba năm qua, ông đã cho ra đời ba cuốn sách: "Thời loạn", "Ở quê ngày ấy" và "Gã dở hơi". Trong đó cuốn "Gã dở hơi" được nhiều bạn đọc quan tâm nhất. Để xuất bản được những cuốn sách này, ông đã phải nhờ nhân viên của trung tâm đánh máy và biên tập. Dường như "nghiệp văn" đã ngấm vào máu, nên mặc dù bệnh tật, ông vẫn muốn cống hiến và viết cho bằng được những suy nghĩ, những mạch văn đang âm ỉ chảy trong mình.
Rồi ông kể về kỷ niệm của kịch bản phim được lên sóng. Khi bộ phim "Sóng ở đáy sông" khởi chiếu, có người kiện ông vì đưa anh ta lên phim và đòi ông chia tiền kịch bản vì nhờ có anh ta, ông mới viết được truyện. Anh ta còn thắc mắc vì sao tên anh ta là Sơn mà ông lại đổi tên thành Núi? Ông đã trả lời rằng, mới gặp anh ta có 15 phút, thì sao mà có thể viết được 10 tập phim như thế. Ở "Sóng ở đáy sông" do ông viết, â có bốn nhân vật gồm: Núi, Sông, Biển, Cả, tuy nhiên dựng phim, do dài quá nên nhân vật được rút ngắn thành: Núi, Sông, Biển, chứ không phải là sự "biến tấu" tên anh kia... Nói chung, những kỷ niệm về những tác phẩm văn chương của ông là một phần kỷ niệm cuộc đời, dù vui hay buồn thì những kỷ niệm đó cũng thôi thúc ông cầm bút để viết nên những tác phẩm văn học mang tính nhân văn cao.
Tôi đã tận mắt chứng kiến những cán bộ ở trung tâm Văn hóa doanh nhân coi ông như cha, họ quan tâm tới nhà văn từng li từng tí. Hàng ngày, vào một giờ nhất định, chị Hoài và anh Hưởng dìu nhà văn quanh khu tập thể của ngõ 319 đường Tam Trinh để ông luyện tập đôi chân. Vừa đi, họ vừa nói chuyện rất sôi nổi và nhà văn cũng tếu táo hưởng ứng những câu chuyện vui ấy, tinh thần ông cũng phấn chấn hơn. Đây là động lưc để ông đấu tranh với những căn bệnh trong người mình.
Chỉ thiếu thốn tình cảm và mong được về "mái nhà tổ tiên" Thời gian gần đây, có nhiều độc giả tìm đến nơi ông ở để thăm và thậm chí cho cả tiền vì nghĩ giờ ông rất nghèo khổ. Nhưng ông chỉ nhận món quà về tinh thần, vì trên thực tế, ông chỉ thiếu thốn tình cảm gia đình chứ về vật chất, ông sống khá đầy đủ. Ông cho biết: "Tôi có lương hưu, có tiền từ việc viết sách và cả những khoản tích góp từ trước đến giờ. Trong cuộc sống, bên cạnh tôi luôn có những người bạn đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội sẵn sàng giúp đỡ. Về sinh hoạt, có các cán bộ của trung tâm bên cạnh. Ở vào tuổi của tôi, như vậy là một niềm hạnh phúc. Nếu có gì thiếu thốn, thì đó là niềm khao khát được trở về mái nhà của tổ tiên mà thôi". Góc bình yên và một ngày mai sẽ khác Tuy không còn khỏe mạnh, nhưng khi nhắc đến văn chương, nhà văn Lê Lựu rất rạng rỡ. Ông vẫn ấp ủ cho mình những trang bản thảo viết về quê hương, làng xóm, về những thăng trầm đã qua trong cuộc đời mình. Chạm đến một ngưỡng nào đó, những đau khổ mà cuộc sống gia đình riêng đem lại, lại chính là động lực để ông sống tiếp. Ông tin vào ngày mai, rồi mọi thứ sẽ khác... Rời phố Tam Trinh, tôi đau đáu nghĩ về hình ảnh của nhà văn Lê Lưu và tin rằng: Với những gì đã cống hiến cho văn chương từ những chân, thiện, mỹ, ông cũng sẽ tìm được cho mình một góc bình yên, thân thuộc giữa cuộc đời ngổn ngang này. |
Lạc Thành
Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh