Nhà văn Như Bình: Viết cho mình, cho người, cho đời

Nhà văn Như Bình: Viết cho mình, cho người, cho đời

Ctv Ban Biên tập

Ctv Ban Biên tập

Thứ 7, 07/10/2023 09:53

Như Bình là người đàn bà tràn đầy năng lượng, dường như lần nào trò chuyện với chị, tôi cũng như bị cuốn vào vùng cảm xúc chan chứa, ám ảnh tâm thức...

Mỗi lần đọc những bài thơ mới của nhà văn Như Bình, không hiểu sao tôi bị xúc động mạnh, và những gì chị viết ám ảnh tâm thức tôi nhiều đến thế. Hai bài thơ trên Như Bình viết về tình yêu. Một “Ảo giác” chị viết cho một ký ức, cho một người không cụ thể nào đó từng đi qua đời chị. Bài hai chị đặt tiêu đề “Viết về cái chết” nhưng cũng là một bài thơ tình, bài này, chị dành cho riêng tình yêu của chị với cái tôi bản thể vô cùng kiêu hãnh.

Chúng ta phải mang vác nhiều nỗi lo toan và trách nhiệm để đến trong cuộc đời này. Mỗi người đàn bà, trong thân phận mình, thường làm phép toán cộng trừ, nhân chia. Mỗi lần cộng nhân, là mỗi lúc trừ chia, người đàn bà viết Như Bình đã hóa giải nỗi nhọc nhằn ấy bằng con đường thơ riêng tư của riêng chị, để tìm đến một thế giới khác: Thế giới của những cảm xúc.

Thơ chị, khi đọc, tôi được sống là mình trong tuyệt đối. Có khi vì sấp ngửa mưu sinh, chúng ta thường nói, thơ là sự phù phiếm, nhưng chỉ sống bằng lý trí, con người khác gì một thứ vô sản tinh thần. Và đọc thơ của Như Bình, những câu thơ của chị đã chắp cho tôi bay vào một cõi hồn lộng lẫy, ảo diệu, thực thể và trong sự thật nguyên bản đã khiến tôi chạm tới chính mình, trần trụi vẻ đẹp đàn bà khi đã lột bỏ tất cả những tấm áo đời.

Như Bình là người đàn bà tràn đầy năng lượng, dường như lần nào trò chuyện với chị, tôi cũng như bị cuốn vào vùng cảm xúc chan chứa, dãi dề nốt trăng từ thuở trinh nguyên cho đến những dạn dày, sâu thẳm khi băng qua miền giông gió. Tất cả đã trở thành cội rễ để bật lên những cơn bão cuộn lốc mà cuốn lẫn tôi vào.

Người là thơ, đời lại không bày mơ, nên đi vào linh giác để chạm ảo ảnh, thẩm thấu, chữa lành những cơn sang thương. Như Bình làm thơ để chữa lành những sang thương đâu đó trong đời mình, hoặc cho đời những người đàn bà mà chị đã từng bắt gặp. Trong cái tôi cá tính thật lòng không giấu giếm của chị, chắc hẳn nhiều đàn bà đã tìm thấy mình.

Ai trong chúng ta đủ lạnh lùng phớt lờ và đủ tỉnh táo để giải mật tình yêu? Như Bình yêu rất lạ, rất đặc biệt. Ở “Ảo giác” - một tình yêu đi qua vỏn vẹn 5 khổ thơ thôi, nhưng chị đã tự phân thân để nhập vào nhân vật trữ tình, xưng “anh” đấy nhưng là “em”, là “chúng ta” thôi. Tưởng chị viết cho anh, nhưng là viết cho em, cho những gì không có thật, tựa như là một ảo giác mà chị giễu chính chị.

“Anh sẽ nhớ em nhiều đấy

Căn phòng ấy sáng nay gió lùa trở lạnh

Chiếc ghế gỗ, tiếng mọt kiên trì kêu trong im lặng

Ngoài kia sương giá rơi rồi”

Có người đàn bà nào rời một cuộc tình và tuyên bố rằng anh sẽ nhớ em nhiều lắm không. Có người đàn bà nào tự tin đến mức kiêu hãnh nhìn anh bị giày vò trong nỗi nhớ em, khi em rời khỏi anh không?. Có Như Bình. Chỉ với 4 câu thơ chị đã họa đủ một bức tranh tình yêu, cũ kỹ, giản đơn mà diệu vợi.

Chiếc ghế gỗ là chứng nhân tình yêu của đôi ta. Nó có lẽ ban đầu thơm mùi thu thảo vẽ nét tinh khôi tình yêu, để đến lúc trở lên “tiếng mọt kiên trì”. Thời gian đã băng qua tất cả. Ghế gỗ là nhân vật, sự vật thay thế cho con người, đó là sự hiện diện của em, của hai ta, hay sự hiển diện của một nhân chứng.

Chỉ gợi về nỗi nhớ mà Như Bình đã dạo trong tôi bản bổng trầm của cây cầm thi tình ái. Nhớ là sợi đàn, mùa là khuông nhạc và những bước ta trong ngôi nhà mùa thu. Gần như đi vào máu thịt, lại tít tắp tựa hồ niềm khắc khoải chẳng thể nguôi ngoai. Từng chút một, chị thản nhiên, lạnh lùng điểm huyệt, niêm dấu nỗi nhớ lên vạn vật của căn phòng, trên cả từng nốt rêu ẩm mốc và khẳng định anh sẽ rất nhớ em khi em rời nơi này, khi mà người đã đi nhưng hương thì ở lại. Tiếng thơ chị “giày vò”, “bủa vây mùi em”, “ướt dấu môi em còn”.

Tôi rất thích cách chị dùng những hình ảnh đắt, phả nỗi cuồng nhiệt, đắm đuối vào thơ, khiến tấm tình ấy như thực, như mơ, vừa như không lại vừa như có, đến độ váng vất. Tình đã đầy nhớ, yêu, hờn, hạnh phúc, rồi vụt bay. Đẹp như không có thật. Đẹp như một ảo ảnh vụt thoáng. Có lẽ thế mà chị đặt tên bài thơ là “Ảo giác”. Viết về một ký ức, về một nỗi nhớ, về một ảo giác, và cũng có thể là một sự tưởng tượng không có thật. Nghệ sĩ thường là vậy, đôi khi họ sáng tạo từ những khao khát của nỗi cô đơn chăng?

“Nỗi nhớ sẽ giày vò anh nhiều đấy Trong bủa vây mùi em trên từng nốt rêu ẩm mốc

Cốc trà nguội dấu môi em còn ướt Ai hôn lên bóng em”

“Sợi tóc em hôm qua rụng ngời trên ghế”. Như Bình viết tình yêu rất sống, cả khi em ra đi thì dấu vết của cuộc tình thơ mãnh liệt vẫn cựa quậy qua ánh sáng ngời lên sợi tóc. Tóc -ấy vốn là vẻ đẹp đàn bà, ươm ủ năng lượng dạt dào, chan chứa, mãnh liệt trong ái ân khắc khoải. Sợi tóc bứt ra từ em, đã mang một thân phận khác trong anh.

Nó là dấu nối mảnh mai mà bền bỉ, băng qua “tiếng mọt gỗ”, qua căn phòng mùa thu, qua dại khờ, nông nổi để đau đáu trong hoài niệm và niềm tiếc nhớ khôn khuây mà chị tin chắc rằng chị đã để lại, đã phong kín một mùa kỷ niệm cho anh -người đàn ông trong “Ảo giác” của chị. Đàn bà như chị thế là quá tự tin, tự tin với những vết thương yêu chị để lại...

Văn hoá - Nhà văn Như Bình: Viết cho mình, cho người, cho đời

Nhà văn Như Bình.

“Anh sẽ nhớ em nhiều đấy

Mùa đã qua, những chiếc lá rụng bên thềm xóa bước chân em rất khẽ

Cầu thang cũ ngoài kia run lên rất nhẹ

 Nhấn chìm anh những khắc khoải vừa xa

Chúng ta đã tìm nhau, đã rời nhau đã xa vắng nhau

Chúng ta đã hôn lên nỗi cô đơn của nhau

Để giờ đây

Trong căn phòng chật đầy hương em Anh ngồi ăn kỷ niệm”

Lần đầu tiên tôi thấy một người đàn bà viết về sự chia ly trong tình yêu rằng “chúng ta đã hôn lên nỗi cô đơn của nhau”. Hôn lên vết thương, hôn lên nỗi cô đơn của nhau, một thi ảnh quá đẹp và ám gợi. Và những gì em để lại trong căn phòng ấy nhiều quá, đến nỗi giờ đây “trong căn phòng chật đầy hương em, anh ngồi ăn kỷ niệm”. Từ ăn ở đây rất “quá quắt”, nhưng lại vô cùng độc đáo và đắt giá. Lẽ ra thông thường, mùi hương chỉ để ngửi, để cảm nhận.

Như Bình bắt anh -người đàn ông yêu em, ngồi một mình ăn mùi hương em như ăn từng miếng kỷ niệm. Chị, hoặc chị giúp đàn bà “giết chết” người đàn ông của họ giỏi quá. Anh ta làm sao còn yên ổn nổi sau cuộc yêu những người đàn bà như chị... để lại. Đàn bà, yêu độc đáo và sát thương cũng đến thế là cùng.

Ở bài thơ thứ hai, Như Bình “Viết về một cái chết”. Chị tưởng tượng một ngày chị sẽ chết, sẽ lìa bỏ thế gian, và bài thơ như là một lời tiễn biệt da diết và quặn đau của chị.

“Đôi khi em thật điên rồ

Ước muốn khỏa thân trong đất nâu yên lặng

Ai sẽ mở tiệc trên cơ thể em

Để chú dế con thôi gục đầu trên ngực em bật khóc”

Nhà văn Như Bình tên thật là Lê Thị Thanh Bình, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Trong sự nghiệp văn chương, chị ghi dấu ấn với 4 tập truyện ngắn: “Giông biển” (1999), “Dòng sông một bờ” (2000), “Đêm vô thường” (2002), “Bùa yêu” (2015) cùng nhiều giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ, Báo Văn nghệ trẻ...

Ngoài đời, nhà văn Như Bình là người đàn bà viên mãn hạnh phúc. Chị thành đạt, có gia đình yên ấm, có người chồng yêu thương chị và mạnh mẽ để chị an nhiên. Như Bình có 3 đứa con, ngần ấy bổn phận chức năng đủ để chị bận rộn với hạnh phúc. Nhưng người nghệ sĩ trái tim họ đâu chỉ đập cho riêng mình. Như Bình là nhà văn, nhưng công việc của chị là làm báo. Chị đi nhiều, gặp gỡ tiếp xúc nhiều, và những phận đời chị gặp, những người đàn bà từng đi qua đời báo của chị, khiến cho một người giàu trắc ẩn như chị lưu giữ họ lại trong tâm.

Trong cuộc đời mỗi người đàn bà, ai dám nói rằng mình chưa hề chết? Tình yêu là vậy, khiến người ta có thể chết đi đấy, rồi lại tái sinh. Song le đi qua tình yêu, người đàn bà sẽ vững hơn, đẹp hơn, buồn hơn và đầy vơi cả trong nỗi mất mát hay bù đắp. Dù yêu là đau, đón nhận nỗi đau vì từ chối nỗi đau, ấy cũng là gạt bỏ hạnh phúc. Bởi thế, được “chết” trong yêu cũng là một hạnh phúc.

Hiểu điều đó, nên Như Bình đã viết bài thơ “Viết về cái chết” dành cho riêng chị. Đã bao người đàn bà mai táng giấc mơ đời mình để khất thực yêu trong “Ảo giác”? Trong cõi “chết”.

Thơ Như Bình vừa bạo liệt lại yếu mềm, đắm đuối. Những cảm xúc hòa quện và Như Bình dũng cảm sống thật với mình, hay nói một cách khác, chị đã lên tiếng cho bao khát khao điên rồ, thành thật của những đàn bà bị thói hủ nho trì trói.

Đọc đến đây, tôi nhận ra, dù văn hay là thơ thì chữ của Như Bình cũng đều quyến rũ đến ma mị. Nếu như văn chị đẹp, nhiều day dứt, thì thơ chị phóng khoáng, hoang dại và bản năng. Thế giới của đàn bà bao la trong “đất nâu”, giữa những canh dài, chỉ “chú dế con” mới biết, em ở đâu trong những đêm trường đàn bà.

Người ta cô đơn, không phải chỉ khi một mình mà đôi khi, trong hôn nhân, bên một người không hiểu mình vẫn như chỉ một mình. Ấy là nỗi cô đơn khủng khiếp, là cái chết tinh thần. Nhưng em không đông cứng trong niềm bao la sợ hãi ấy. Em một mình một lễ hội, tự mình lộng lẫy.

Như Bình thật mạnh mẽ và độc lập. Ấy cũng chính là một thứ trang sức hấp dẫn tôn lên vẻ đẹp của chị. Mỹ phẩm tốt nhất của phụ nữ là trí tuệ. Vì thế câu thơ chị đi giữa cô đơn và lộng lẫy, vẫn đẹp đến xót xa. Đàn bà là thế, dù cương cường, song le, vẫn chỉ đàn bà - những giọt vắn dài gục trên bầu ngực. Thơ Như Bình rất đẹp và quyến rũ, tôi thích thi ảnh “vầng trăng - bầu ngực”. Nó trở đi trở lại trong ngòi bút chị, đẹp kiêu sa và ám ảnh.

Chị đi chân trần vào cõi thơ, người đàn bà trút bỏ áo xiêm để lộng lẫy giữa vô thường. Trở về mình, mong manh, tự cảm nhưng kiêu hãnh vô cùng. Vượt mọi ranh giới nhưng không đi ngoài đường biên đạo đức.

“Đôi khi em chẳng giống ai

Ước chân trần thật lâu trên bãi cát

Ai sẽ khai bữa tiệc trăng trên sóng

dịu dàng

Sẽ hôn em những nụ hôn đẫm trăng ngời sáng”

Tình yêu luôn đi cùng khát vọng. Ước mơ yêu và được yêu một nửa đích thực, đó là điều hiển nhiên, nhưng mấy ai trong đời có được một hồng nhan tri kỷ? Với người đàn bà, điều ấy càng xa vời. Nên đi tìm cảm xúc trong thơ, đó là con đường vượt thoát tất yếu.

Văn hoá - Nhà văn Như Bình: Viết cho mình, cho người, cho đời (Hình 2).

Nhà văn Như Bình.

“Đôi khi em tự hỏi

Những vết thương từ ai mà đau Ai xóa mọi u buồn

Ai gọi được thẳm sâu

Để sóng biển thôi thầm thì nức nở”

Trong câu hỏi của em, đại từ “Ai” phiếm chỉ vang lên nhiều lần. “Từ ai” - nguồn cơn, “Ai xóa” - chia sẻ, “Ai gọi” - cảm xúc. Chỉ vỏn vẹn ngần ấy chữ, Như Bình đã họa nỗi cô đơn kinh khủng khiếp của đàn bà, và cũng là nỗi khát khao không thể nào đàn bà hơn được nữa. Người đàn ông lý tưởng của mỗi đàn bà là người có trái tim đủ ấm áp, đủ rộng chỗ, đủ vững mạnh, đủ để người đàn bà tựa vào, chia sớt và rung cảm, là bờ vai cho mỗi khát khao, mỗi yếu đuối cũng là đàn bà.

“Đôi khi em tưởng mình đang sống tưởng mình đã đi qua vô định nỗi buồn

Đôi khi em không nhận ra mình là ai

Một con dế

Một mảnh trăng Một nức nở

Đôi khi”

Đời phụ nữ là một hành trình đi giữa sự nghiệp, gia đình, khát vọng bản thể. Cô ấy phải có sự nghiệp để sống độc lập, nhưng phải chu toàn gia đình và thực sự được thỏa mãn khát cháy. Giữa những bức tường thành sừng sững ấy, chạy đâu cho thoát khỏi thân phận? Và để trọn vẹn, người đàn bà đã trao gửi vào thơ những thiếu hụt tâm hồn để được làm đầy bằng cảm xúc thật. Nếu không có thơ, có lẽ họ đã trở nên kẻ khuyết tật ước mơ. Vì thế, thơ Như Bình tựa như mảnh trăng, lại là con dế, như dòng nức nở. Để rồi sau những khuya sâu chới với, tự thỏa mãn mình bằng điên cuồng ảo giác, người đàn bà thơ lại trở về chức phận của mình, nghiêm ngắn, tỉnh táo và kiêu hãnh.

Như Bình viết những bài thơ ấy, nhiều khi không còn dành riêng cho chị nữa, mà chị viết cho đời, cho người, cho những phận đàn bà chị từng gặp đã ám ảnh chị. Để rồi, với một tâm hồn và trái tim nghệ sĩ, khi chị sáng tạo qua thi ca, thì tôi, chính là người đàn bà tìm thấy mình trong những câu thơ chị viết.

Tôi đồ rằng, chị - người đàn bà đẹp và trí tuệ ấy cũng như bao người đồng giới khác đã vào “Ảo giác”, “Viết về cái chết” để cân bằng tất cả, để tái sinh. Nếu người phụ nữ không “sợ hãi” thì thế giới này sẽ vụn vỡ từ lâu, bởi họ chính là người giữ lửa, cho hạnh phúc, cho nỗi buồn, cho đủ đầy và khát vọng. Tôi yêu Như Bình, tha thiết với cõi linh giác và trân trọng cách chị tái sinh cho thơ, cho cuộc đời, tình yêu và hạnh phúc của chị.  

 

Ảo giác

Văn hoá - Nhà văn Như Bình: Viết cho mình, cho người, cho đời (Hình 3).

Tập sách "Bùa yêu" mang đậm dấu ấn nữ tính của Như Bình trong văn chương.

Anh sẽ nhớ em nhiều đấy

Căn phòng ấy sáng nay gió lùa trở lạnh

Chiếc ghế gỗ, tiếng mọt kiên trì kêu trong im lặng

Ngoài kia sương giá rơi rồi

Nỗi nhớ sẽ giày vò anh nhiều đấy Trong bủa vây mùi em trên từng

nốt rêu ẩm mốc

Cốc trà nguội dấu môi em còn ướt Ai hôn lên bóng em

Ai gói dùm anh hương em

Sợi tóc hôm qua rụng ngời trên ghế

Anh sẽ nhớ em nhiều lắm

Khi mùa đông lạnh giá đang về

Anh sẽ nhớ em nhiều đấy

Mùa đã qua, những chiếc lá rụng bên thềm xóa bước chân em rất khẽ

Cầu thang cũ ngoài kia run lên rất nhẹ

Nhấn chìm anh những khắc khoải vừa xa

Chúng ta đã tìm nhau, đã rời nhau đã xa vắng nhau

Chúng ta đã hôn lên nỗi cô đơn của nhau

Để giờ đây

Trong căn phòng chật đầy hương em

Anh ngồi ăn kỉ niệm.

 

Viết về cái chết

Đôi khi em thật điên rồ

Ước muốn khỏa thân trong đất nâu yên lặng

Ai sẽ mở tiệc trên cơ thể em

Để chú dế con thôi gục đầu trên ngực em bật khóc

Đôi khi em chẳng giống ai

Ước chân trần thật lâu trên bãi cát Ai sẽ khai bữa tiệc trăng trên sóng

dịu dàng

Sẽ hôn em những nụ hôn đẫm trăng ngời sáng

Đôi khi em tự hỏi

Những vết thương từ ai mà đau Ai xóa mọi u buồn

Ai gọi được thẳm sâu

Để sóng biển thôi thầm thì nức nở

Đôi khi em tưởng mình đang sống tưởng mình đã đi qua vô định nỗi buồn

Đôi khi em không nhận ra mình là ai

Một con dế

Một mảnh trăng Một nức nở

Đôi khi

(Thơ Như Bình)

ĐỖ QUYÊN

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.