Làm đến đâu sẽ có quy chế đến đó
Thưa nhà văn Y Ban, vừa qua, hội Nhà văn Việt Nam vừa đưa ra thông báo giải trình xung quanh giải thưởng năm 2012, trong đó có nội dung cho rằng hoàn toàn không có chuyện bỏ phiếu trắng hay lợi ích nhóm gì trong quá trình bình chọn, quan điểm của chị như thế nào?
Tôi không bất ngờ về những nội dung này, hơn nữa tôi đã lường trước được là họ sẽ trả lời như thế nào. Dĩ nhiên là họ sẽ từ chối, bởi việc thừa nhận sai sót là điều không tưởng đối với các vị thuộc ban chấp hành hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Nhưng đúng hay sai, câu chuyện thực tế nó như thế nào thì họ biết hết. Đối với một nhà văn, việc bẻ cong ngòi bút hay làm trái lương tâm nghĩa là họ đã tự xúc phạm chính mình.
Còn lợi ích nhóm là điều có chối cũng không được. Không tồn tại lợi ích nhóm thì làm sao lại có chuyện quy trình chấm giải lại mù mờ và thiếu công khai thế kia, làm sao Hội đồng chấm giải lại phải tiến hành bỏ phiếu hai lần. Ban chấp hành tự tung hô rồi quyết định trao giải cho nhau.
Nhà văn Y Ban. Ảnh T.G
Cụ thể quy trình đó sai như thế nào so với điều lệ của Hội?
Nguyên tắc là các hội đồng chuyên môn phải đọc và rà soát kĩ lưỡng các tác phẩm đúng quy định xét giải do các đơn vị ở dưới gửi lên. Nhưng cuối cùng thì các vị lại... hồn nhiên và hời hợt đến mức là không đọc và vin vào cái cớ không đọc này, họ bỏ phiếu trắng. Trong phiếu bình chọn có ba cột ghi rõ ràng: Bình chọn cho tác phẩm đạt giải thưởng, bình chọn cho tác phẩm đạt bằng khen và ghi chú. Nếu anh không bỏ phiếu cho bất kì một tác phẩm nào thì anh phải ghi rõ lí do và đề xuất một tác phẩm khác ở phần ghi chú. Việc bỏ phiếu trắng không chỉ phản ánh sự vô trách nhiệm mà còn thể hiện việc thiếu chính kiến. Làm hội đồng chuyên môn mà không có chính kiến, không đọc tác phẩm để bình chọn thì ngồi đấy làm gì?
Quy trình sai thì đã rõ như chị nói, nhưng chuyện thành viên hội đồng có tác phẩm dự thi, suýt nữa vẫn được bỏ phiếu bình chọn thì nghe có vẻ không ổn lắm?
Cuối cùng thì có được bỏ đâu. Thực tế quy chế ra một đường, lại làm một nẻo. Tất cả chỉ có một quy chế duy nhất nằm trong tay ông Chủ tịch mà thôi. Làm đến đâu sẽ có quy chế đến đó.
Cái đẹp thực sự không dễ bị khuất lấp
Người ta nói, cái hay trong văn chương là vô cùng. Mỗi người một quan điểm và với mỗi sự lựa chọn, họ đều có một lí do riêng?
Cái hay thì vô cùng vì nó hay như thế nào. Nhưng hay hay dở thì mình phải biết chứ không thể đánh đồng xấu tốt lẫn lộn như thế. Giống như mình nhìn thấy một cô chân dài đang đi ngoài đường, chân cô ấy thẳng ra sao, thon như thế nào, cổ trắng ngần ra làm sao là điều mình không thể không nhận ra được. Chỉ có điều mình dám thừa nhận hay không mà thôi. Ở đây, việc thừa nhận người khác tài năng dường như lại phải chấp nhận sự kém cỏi của mình. Thế nên họ ngại ngần là vì vậy.
Không ít độc giả cho rằng, những mâu thuẫn bắt nguồn từ cái tôi quá lớn của chị, chị có sợ bị dư luận cho rằng mình đang... vạch áo cho người xem lưng?
Tôi biết khi mình lên tiếng chuyện này, mình sẽ phải hứng chịu búa rìu dư luận ghê lắm. Họ nói tôi hờn ghen vì không được giải thưởng cao nhất, rằng tôi cực đoan, thích gây scandal để gây chú ý, ầm ĩ. Nhưng tôi chấp nhận. Tôi nghĩ, khi văn chương nghệ thuật và các giải thưởng danh giá đang bị thao túng, xâm hại, sẽ phải có ai đó rung chuông cảnh tỉnh chứ không thể để mọi việc cứ rối ren, tồi tệ thế này mãi được.
Câu chuyện và cái tên của chị sẽ trở thành cái gai trong mắt của nhiều người, chị có lo sợ mình sẽ bị dìm và bị gây khó dễ?
Tôi không sợ vì nếu đã sợ thì tôi đã không làm. Tôi chẳng cần những giải thưởng bị bóp méo kia và tôi tin những người giống tôi cũng thế. Văn chương chỉ có giá trị khi nó được nhìn nhận và đánh giá một cách công tâm. Còn nếu ngược lại, nó chỉ là quyển sách câm, là nấm mồ của trí thức. Mọi giải thưởng có cơ chế xin - cho đều chỉ làm cho nó trở nên tồi tệ hơn. Không nhà văn nào sống mãi được, cơ hội đó chỉ dành cho tác phẩm của họ mà thôi. Vậy thì thay vì phải nhọc công luồn cúi, nịnh bợ, tại sao anh không dành thời gian, tâm sức để đầu tư cho tác phẩm.
Sự già cỗi đã làm nảy sinh nhiều điều già cỗi trong nền văn học nghệ thuật. Có dư luận cho rằng, các nhà văn già đang quá bon chen? Đã đến lúc, chúng ta nên nhường sân chơi cho giới trẻ và tôn vinh họ?
Tôi nói ngay rằng, hội viên ban chấp hành trẻ nhất hiện nay sinh năm 1966. Sau đó là đến thế hệ cận kề tuổi với tôi (1961) còn lại là những cái đầu bạc phơ, ngự trị mấy chục năm nay rồi mà vẫn chưa có ý định rút lui hay nhường sân cho ai. Hội viên hội Nhà văn cũng có nhiều lắm. Nhưng thử hỏi đếm được bao nhiêu cái tên có thể sống được với tác phẩm của mình. Không quá mười đầu ngón tay đâu. Nhưng chúng ta không so sánh và bon chen trong nội tình của mình. Ở cái thời hội nhập này, đời sống của một tác phẩm văn học phải được tính bằng cái khoảng cách địa lý từ Việt Nam đến với thế giới. Hoặc ít nhất là trong khu vực. Tác phẩm đó bán được bao nhiêu cuốn ở nước bạn, có bao nhiêu người ngoại quốc đọc và bình luận về nó. Nhưng chúng ta chưa làm được.
Năm 2011, hội Nhà văn Việt Nam bỏ ra 7 tỷ đồng để tổ chức các diễn đàn văn học mang tầm quốc tế. Nhưng hãy nhìn những thứ chúng ta trưng ra mà xem, nó dở dang, kém cỏi thế kia thì làm sao bạn bè người ta thích được.
Theo linh cảm và sự tiên đoán của chị, đến bao giờ văn học Việt Nam mới có sự hội nhập đó?
Còn xa xôi lắm nhưng sẽ có. Quan trọng là chúng ta có niềm tin. Tôi đang ở giữa tâm bão nhưng tôi vẫn tin vì tôi yêu quý và gắn bó với văn chương. Nó là sự sống, sự sống nào cũng cần đấu tranh để sinh tồn.
Y Ban nói về những "viên đạn bọc đường" Có nhiều nhà văn đồng tình với việc chị từ chối giải thưởng nhưng cái gật đầu đó cũng chỉ xảy ra trong bóng đêm. Sự e dè, nửa vời của họ vô tình đã đẩy chị rơi vào sự cô độc? Tôi không muốn xúc phạm đến những người bạn thân trong nghề của mình. Nhưng một sự thực phũ phàng của giới văn chương hiện nay là họ quá hèn. Nếu so sánh họ với đàn bà thì đó là cả một sự phỉ báng đối với những người như tôi và bạn. Họ còn nhỏ nhen, tủn mủn, chi li hơn đàn bà. Họ sợ lên tiếng, sợ nói to, sợ mất đi quyền lợi. Cũng phải hiểu cho họ, những con người cả một đời mang mác nhà văn nhưng không viết nổi một tác phẩm nên hồn. Không có đồng tiền tài trợ của hội, họ vĩnh viễn không bao giờ in nổi tác phẩm thành sách. Bạn thử lên hội Nhà văn mà xem, ở góc nào cũng chỉ nghe những tiếng xì xào, thều thào bình luận. Họ chửi nhau trong bóng tối với những lời mạt hạng, nhưng lúc ra ánh sáng lại vuốt ve nhau, mơn trớn nhau bằng những lời bọc đường. |
Đào Bích