Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị nắm phần lớn thị phần phát hành sách trên thị trường và do Nhà nước sở hữu 100% vốn mới đây đã có báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 với đà tăng trưởng ấn tượng.
Trong năm 2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có sản lượng phát hành sách giáo khoa là 206,6 triệu bản, đạt 122% so với kế hoạch đặt ra.
Nhờ đó, doanh thu đạt 2.442,7 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2021 và cao hơn 14% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Trong đó, doanh thu thuần là 2.387 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính là 50,6 tỷ đồng, thu nhập khác là 2,9 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của nhà xuất bản này đạt 331 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoài và gấp rưỡi so với kế hoạch cơ quan chủ quản đặt ra.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Nhà xuất bản Giáo dục đạt mức kỷ lục. Trước thời điểm năm 2017, kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản này chỉ đạt khoảng vài chục tỷ đồng.
Phía Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, nguyên nhân kết quả kinh doanh tăng 3 năm liên tiếp theo đà tăng của giá sách giáo khoa, cụ thể giá cao bởi chi phí tăng ở cả 4 yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.
Về khả năng sinh lời, Nhà xuất bản này có tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 43,2% và tỉ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) đạt 26,1%. Với kết quả này, Nhà xuất bản Giáo dục nhận định việc kinh doanh đạt hiệu quả. Nhờ vậy, doanh nghiệp này đặt chỉ tiêu nộp thuế 229,4 tỷ đồng song đã thực nộp 358,6 tỷ đồng.
Đến 31/12/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tổng tài sản 1.270 tỷ đồng, giảm 340 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả giảm hơn một nửa từ khoảng 700 tỷ đồng xuống gần 320 tỷ đồng.
Dù đạt được mức lợi nhuận cao, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn cho biết năm 2022 đã phải triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đó, Nhà xuất bản này cho biết tác động tiêu cực của đại dịch, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế thế giới gây nên những bất thường trong tỉ giá, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo nguồn lực tài chính, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm của nhà xuất bản.
Cùng với đó, tình hình cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa ngày càng tăng. Thời gian qua, báo chí và dư luận xã hội phản ánh thông tin về nhà xuất bản cũng gây nên nhiều bất lợi, tác động đến hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc cũng gây nên tâm lý lo lắng cho đội ngũ cán bộ và người lao động.
Tính đến hết năm 2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 7 công ty con, tổng mức đầu tư vào các công ty này là 101,7 tỷ đồng. Trong đó, mức đầu tư lớn nhất là tại Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Tổng hợp Tp.HCM gần 37 tỷ đồng. Đây cũng là công ty có quy mô lớn nhất trong 7 công ty có vốn góp của Nhà xuất bản Giáo dục. Tổng cổ tức 7 công ty con mang về cho Nhà xuất bản Giáo dục là 10,2 tỷ đồng.
Trước đó hồi tháng 2/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng tập trung điều tra về giá thành, những dấu hiệu lợi ích nhóm trong sản xuất, phát hành sách giáo khoa. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vi phạm về đấu thầu.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đang điều tra làm rõ tình trạng phát hành những loại sách giáo khoa, trong đó có những bộ sách tham khảo, đồng thời tập trung chính vào giá thành sách giáo khoa quá cao, cao hơn mức sống của người lao động, nhất là người lao động nghèo.