Nhầm trứng cóc là trứng ếch, 3 bố con ở Nghệ An nhập viện cấp cứu

Lê Thị Duyên

Lê Thị Duyên

Thứ 5, 20/10/2022 13:23

Do nhầm lẫn giữa trứng cóc và trứng ếch nên 3 bố con đã bị ngộ độc thực phẩm.

Mới đây, theo thông tin từ chính quyền xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm khiến 3 người phải nhập viện điều trị.

Theo đó, sáng 19/10, ông Lữ Văn Thái (47 tuổi) ra đồng, thấy một túi trứng màu vàng và lầm tưởng đó là trứng ếch nên đã mang về chế biến để cùng các con ăn sáng.

Sau khi ăn, đến khoảng 9h sáng cùng ngày, ông Thái và 2 con có hiện tượng đau bụng, nôn mửa. Người thân và hàng xóm đã đưa 3 bố con đến trạm y tế xã, rồi chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu để điều trị.

Được biết, cả 3 bố con ông Lữ Văn Thái thường trú tại xã Châu Hoàn, vừa mới chuyển về ở với họ hàng tại bản Lìm, xã Châu Phong, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn… Ở thời điểm tiếp nhận, cả 3 bố con đều có tình trạng đau đầu, chóng mặt, nôn mửa mạnh. Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã khẩn trương cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Thông tin với báo chí, bác sĩ Lô Thanh Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho biết: Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng. Bệnh nhân Lữ Văn Thái có dấu hiệu suy thận cấp, hiện tại đã tỉnh nhưng vẫn đang nôn nhiều. Hai bệnh nhân còn lại cơ bản đã hồi phục nhưng vẫn cần điều trị, theo dõi thêm.

Đời sống - Nhầm trứng cóc là trứng ếch, 3 bố con ở Nghệ An nhập viện cấp cứu

Bệnh nhân ngộ độc trứng cóc đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu. Ảnh: TTYT Quỳ Châu

Trước đó, hồi tháng 6/2021, trung tâm y tế huyện Cư M'gar cũng tiếp nhận anh Y.T. Ksơr cùng hai con là Y.H. Niê Hra (6 tuổi) và H’B. Niê Hra (3 tuổi) trú buôn Dhung, xã Ea Mdroh, trong tình trạng buồn nôn, đau bụng nghi bị ngộ độc do ăn thịt cóc.

Theo thông tin ban đầu, chiều 10/6 thấy trời mưa anh Y.T ra ruộng bắt cóc về làm thức ăn. Sáng hôm sau, anh nấu thịt cóc cho gia đình ăn thì 3 bố con bị đau bụng, buồn nôn, nghi bị ngộ độc. Sau đó, cả 3 bố con anh được đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu.

Được biết, gia đình anh Y.T có 4 người con. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc, người con cả sang nhà bà ngoại chơi, người con nhỏ nhất mới được mấy tháng tuổi nên may mắn không ăn thịt cóc với anh Y.T.

Bàn về việc ăn thịt cóc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra, cóc có chứa độc tố (nhựa cóc) trong một số bộ phận. Trong đó, nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng. Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin có tác động đến tim mạch, gây ảo giác, gây hạ huyết áp... Thành phần độc tố thay đổi tùy theo loài cóc. Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt...

Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, block nhĩ - thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, việc tự chế biến cóc làm thực phẩm có nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người dùng. Để dự phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc chỉ sử dụng những sản phẩm chế biến đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.

Ngộ độc do độc tố của cóc tiên lượng rất nặng, tỉ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả. Khi phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động và nhanh chóng chuyển đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu. Bệnh nhân cần được cấp cứu chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu, lợi tiểu, lọc thận... Cần thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt tính, thụt, tháo...

THÙY DUNG (t/h theo báo Nghệ An, Tiền Phong, Thanh Niên)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.