Sáng nay (6/12), buổi toạ đàm về bạo lực trên không gian mạng đã được diễn ra trong bối cảnh hành vi này đang được diễn ra vô cùng phức tạp với nhiều hình thức khác nhau.
Đánh giá về nguyên nhân và nhận diện những hành vi bạo lực trên mạng xã hội, ông Hà Anh Tuấn - Chủ tịch Vinalink Media cho biết có 3 nhóm người trên không gian mạng có những hành vi xấu, độc gây ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức, cá nhân.
Thứ nhất là những nhóm người mong muốn tăng tương tác, sự nổi tiếng cho bản thân. “Nhóm người này có thể chưa nghiên cứu sâu sự việc nhưng vẫn đăng các quan điểm cá nhân với nội dung gây tranh cãi, bới móc đời tư,…nhằm mục đích có nhiều người quan tâm và nhiều người coi việc làm này là một nghề kiếm tiền”, ông Tuấn phân tích.
Nhóm thứ hai, theo ông Tuấn là những người có động cơ rõ ràng muốn bôi nhọ. “Đối với nhóm này phần lớn đều dùng tài khoản ảo gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Nếu chỉ một ý kiến các nhân sẽ ít tạo ra làn sóng ý kiến nhưng với tài khoản ảo tạo ra hàng nghìn bình luận khiến xã hội nhầm tưởng đó chuyện nguy hiểm, từ đó tạo ra hiệu ứng đám đông”, ông Hà Anh Tuấn cho biết.
Nhóm thứ 3 là những người luôn luôn hiềm khích với cuộc sống, luôn phê phán các vấn đề xã hội.
Ở đây, theo ông Tuấn người dùng mạng xã hội nên hướng tới các nội dung tích cực, phê phán theo góc nhìn hài hước, cung cấp các kiến thức giúp người khác tốt hơn thay vì những hành vi tiêu cực.
Trước những ảnh hưởng của bạo lực trên không gian mạng hiện nay, ông Hà Anh Tuấn cũng cho rằng khi đối diện với thông tin thất thiệt các nạn nhân cần ổn định tinh thần, có tiếng nói phản biện nhưng không biện minh, phản đối hay đấu tranh. Nếu sự việc gây hậu quả nghiêm trọng cần phải thông báo cho cơ quan chức năng.
Dưới góc độ pháp luật, Luật gia Nguyễn Anh Tuấn – Văn phòng Luật sư Interala, Đoàn Luật sư Hà Nội: “Những hành vi bắt nạt trực tuyến, lan truyền thông tin xấu độc trên không gian mạng hiện chúng ta có chế tài nghiêm khắc được quy định của thể tại Luật An ninh mạng 2018”.
Theo chuyên gia tuỳ theo tính chất, mức độ, diễn biến của hành vi vi phạm có thể xử lý hành chính hoặc hình sự.
Cũng tại toạ đàm, ông Vương Duy Biên – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá không nên nghĩ mạng xã hội chỉ là cuộc sống ảo.
“Vấn đề bạo lực trên không gian mạng đang diễn ra vô cùng phức tạp và cần sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành, các bộ phận an ninh mạng để có sự quản lý chặt chẽ, xây dựng quy tắc ứng xử, có tính răn đe để ngăn chặn những sự việc”, ông Vương Duy Biên chia sẻ.
Theo ông Biên cũng cần có những giải pháp tăng cường sự giáo dục trong xã hội và nhà trường để cá nhân sử dụng không gian mạng một cách văn minh, có văn hoá.
Là một nạn nhân của bạo lực trên không gian mạng, chia sẻ tại hội thảo Lê Huỳnh Bảo Ngọc (sinh năm 2008) tại Cần Thơ chia sẻ, bản thân em đã phải đối mặt với rất nhiều "cuộc tấn công online" từ cộng đồng, nhưng nghiêm trọng nhất là vụ việc diễn ra trong khoảng đầu tháng 11/2023.
Nguyên nhân được bắt nguồn từ đoạn video kể về thời gian làm việc chung với một bạn diễn viên nhí của một nữ YouTuber nổi tiếng.
Trong video, nữ Youtuber chỉ trích nữ diễn viên nhí này đã có những hành động và thái độ ứng xử không tốt. Dù không tiết lộ tên của đối phương, nhưng nhiều người đều cho rằng đó là Bảo Ngọc và bắt đầu "tấn công" cô bé bằng rất nhiều cách thức khác nhau.
"Con gần như bị cô lập, có thể khóc bất cứ lúc nào; đồng thời có hành vi mất kiểm soát như la hét, thậm chí tự làm tổn thương bản thân và từng 2 lần nghĩ tới việc kết thúc cuộc sống vì khủng hoảng", Bảo Ngọc chia sẻ cô bé đã phải nghỉ học hơn 1 tháng trở lại đây; đồng thời không hiểu vì sao mình lại... bỗng dưng trở thành nạn nhân của nạn bạo lực trên không gian mạng.
Bà Trần Kiều Oanh, mẹ Bảo Ngọc cho hay, bản thân bà "không thể tin được" khi chứng kiến những cuộc tấn công diện rộng dồn dập ập tới với gia đình. Không chỉ trên mạng xã hội, mẹ con bà bị kỳ thị, tấn công ngay trong cuộc sống hằng ngày.