Nhiều năm trở lại đây, ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21 tháng 4 được xem là một sự kiện lớn của giới xuất bản và của sự phát động phong trào đọc sách trong xã hội ta nói chung. Sự kiện được tổ chức ở cấp trung ương, đương nhiên, và hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có hưởng ứng, ở mức độ này hay khác.
Thế nhưng, mặc dù vậy, cũng từ nhiều năm nay lượng tiêu thụ/ đọc sách ở Việt Nam vẫn mãi chỉ loanh quanh ở mức chưa đến một người/ một cuốn/ một năm. Tại sao lại như thế?
Để trả lời câu hỏi này sẽ rất rắc rối, nên tôi đành... lan man quanh một từ khóa: sự kiện. Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, như đã nói, là một sự kiện. Các cuộc ra mắt sách cũng là sự kiện. Là “event”, theo tiếng Anh. Vậy, có trục trặc gì ở các “event” to nhỏ này?
Trước hết, phải thừa nhận một thực tế rằng trong đa số trường hợp, tổ chức ra mắt sách thường chính là người bỏ tiền để in cuốn sách: nhà xuất bản, công ty sách tư nhân, hoặc là chính tác giả.
Tính mục đích ở đây thể hiện khá rõ: cuốn sách cần được quảng bá, thông tin về nó cần được người đọc biết đến nhiều nhất, và cần tạo được sức kích thích với người đọc mạnh nhất có thể.
Tuy nhiên, theo một cách nói đã quá quen thuộc, sách là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, nên thiết nghĩ, những cuộc ra mắt sách không nên chỉ mang nội dung của hoạt động tiếp thị/ quảng cáo sản phẩm thông thường, mà nó cần thiết phải trở thành một sinh hoạt văn chương, nơi tác giả và độc giả có dịp đối thoại trực tiếp, nơi những quan điểm khác nhau được va chạm, cọ xát, nơi có thể làm bật nảy những ý tưởng mới mẻ và mang tinh thần khai phóng.
Để đạt được mục đích ấy, điều kiện tiên quyết là cuốn sách phải… được đọc, càng nhiều người đọc càng tốt, trước khi diễn ra “event”. Nhưng éo le thay, phần lớn những người làm sách thường không đủ kiên nhẫn để cho cuốn sách có thời gian sống một khoảng đời sống của nó trong người đọc. Sách “xuất xưởng” không bao lâu thì đã tổ chức ra mắt, giới thiệu.
“Event” diễn ra, người tham dự hầu hết chưa kịp đọc sách nên không thể có ý kiến gì cả, vì thế, chỉ còn là dịp để tác giả kể lể, trải lòng, và là dịp để một số ít người có điều kiện đọc tác phẩm từ khi nó còn ở dạng bản thảo tung ra những lời khen ngợi mà thôi.
Đó là chuyện ở Ta, còn “event” sách ở Tây thì sao? Để trả lời câu hỏi này, theo tôi, tốt nhất chúng ta hãy tham khảo nhà văn Hồ Anh Thái, một trong số ít những nhà văn Việt Nam liên tục được đi nước ngoài, tham gia các hội thảo văn chương, các hội chợ sách quốc tế và có mối quan hệ rất rộng với nhiều nhà văn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Những chuyện về sách vở “ở Tây” đều đã được ông viết lại khá kỹ trong tập sách “Họ đã trở thành nhân vật của tôi” (NXB Trẻ, 2012, 2022).
Không thấy Hồ Anh Thái nói tới trường hợp một cuốn sách cụ thể nào đó được người ta tổ chức ra mắt giới thiệu khi nó vừa xuất bản, nhưng ông nói nhiều đến “event” sách trong khuôn khổ các hội thảo văn chương, và đặc biệt, các hội chợ sách quốc tế.
Người đọc có lẽ sẽ rất thú vị khi, nhân viết về nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, Hồ Anh Thái đã “tạt ngang” để kể một chi tiết trong hội chợ sách quốc tế 2007 ở thành phố cảng Gothenburg, Thụy Điển: “Trong quầy sách của một nhà xuất bản gieo trồng, người ta để bên cạnh sách hướng dẫn trồng cây những giỏ táo giỏ cam trồng theo phương pháp sạch thân thiện môi trường. Khách vào hội chợ được nhặt táo ăn miễn phí”. Thực sự là một cách làm “event” rất sáng tạo.
Đó là sách về trồng trọt, còn sách văn chương thì sao? Thì đây: cũng tại hội chợ sách quốc tế Gothenburg – có quy mô lớn nhất Bắc Âu, và chỉ chịu đứng hàng thứ hai ở Châu Âu, sau hội chợ sách quốc tế Frankfurt của nước Đức – nhưng trước đó bốn năm, vào năm 2003, Hồ Anh Thái cho biết về một hoạt động đặc trưng của hội chợ, đó là các cuộc đọc sách. Đã là hội chợ sách quốc tế thì phải có các cuộc đọc sách của những nhà văn nước ngoài được mời tham dự.
Năm ấy, trong danh sách khách mời có những tên tuổi rất lớn của văn đàn thế giới: Imre Kertesz, nhà văn Hungary đoạt giải Nobel 2002; Paulo Coelho, tiểu thuyết gia hàng đầu của văn học Brazil đương đại; Pramoedya Ananda Toer, nhà văn lão thành người Indonesia, ứng cử viên Nobel số một của Châu Á vào thời điểm đó v.v…
Cuộc đọc sách của bốn nhà văn Việt Nam (Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Phan Thị Vàng Anh) được xếp trùng giờ với cuộc đọc sách của Imre Kertesz. Lẽ ra, nó đã có thể bị nhà văn người Hung “vét” hết khách nếu không có một nhân tố: diễn giả, nhà văn Sara Lidman, một tên tuổi được kính trọng bậc nhất trên văn đàn Thụy Điển.
Thoạt tiên, bà Sara Lidman đọc diễn cảm bằng tiếng Thụy Điển vài trích đoạn tác phẩm của các nhà văn Việt Nam. Cử tọa chăm chú lắng nghe. Sau đó mới đến phần đối thoại. Rất sôi nổi. Tôi không tin rằng chỉ cần nhờ thế mà người đọc Thụy Điển có một sự hiểu biết cụ thể về văn chương Việt Nam đương đại. Nhưng ít nhất, nhờ thế mà những viên gạch đầu tiên của sự thông hiểu văn chương đã được đặt xuống.
Công ấy, hẳn rồi, trước hết thuộc về những người tổ chức hội chợ sách, là sáng kiến của những người làm “event”. Rõ ràng, họ biết cách để hội chợ sách không chỉ là một hoạt động kinh doanh của ngành xuất bản – nơi người ta đến để thương thảo bản quyền, ký kết các hợp đồng làm ăn, để bán và để mua – mà hơn thế, phải là một hoạt động văn hóa, nơi sách vở chữ nghĩa được tôn vinh đến hết mức.
Dĩ nhiên, đã là hội chợ sách ắt phải có việc bán sách với giá ưu đãi. Nhưng nếu như các hội chợ sách ở ta, quốc nội hay quốc tế cũng thế thôi, dường như mở ra chỉ để bán sách (tồn kho) với những cái giá đã được giảm xuống tới mức tối đa – nói cho dễ hiểu là một dịp để xả hàng – thì ở các hội chợ sách quốc tế do Tây tổ chức, việc bán sách với giá ưu đãi bao giờ cũng bị điều kiện hóa: người ta chỉ có thể được mua sách ưu đãi khi đã phải móc hầu bao cho vé vào cửa.
“Ngày khai mạc, vé vào cửa là 200 sek, tương đương 30 USD, chưa bao gồm phí tham gia những cuộc hội thảo. Giá vé chung cho bốn ngày hoạt động chính từ 2000 đến 2500 sek, chưa tính 25% thuế VAT. Ngày cao điểm, người xếp hàng mua vé dài dằng dặc trước tòa nhà hội chợ. Cầm chiếc vé, người ta có thể ghé vào bất cứ cuộc giao lưu nào trong bất cứ quầy sách hoặc hội trường nào”, Hồ Anh Thái đã mô tả như thế về hội chợ sách quốc tế Gothenburg năm 2010.
Ở hội chợ năm này, tác giả tâm điểm là Nadine Godimer, nữ văn sỹ Nam Phi đoạt giải Nobel 1991. Ngoài bà ra, còn có 799 tác giả đăng đàn trong 400 cuộc giao lưu, mỗi cuộc khoảng 50 phút, cuộc này nối sang cuộc khác.
Cách làm “event” sách như thế, cách người ta đến với sách nô nức, hân hoan và đầy sự trân trọng như thế, chúng ta cũng nên tham khảo chăng?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả