Trong Tây du ký, do Tôn Ngộ Không đạp đổ lò bát quái mà tạo nên ngọn lửa oan nghiệt ở Hỏa Diệm Sơn: "Lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, bốn xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy à, dù có mình đồng da sắt cũng chảy ra nước hết".
Trong khi đó chỉ có Quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến Công Chúa mới dập được lửa, mà Thiết Phiến Công Chúa lại có quan hệ rất mật thiết với Tôn Ngộ Không. Ngộ Không gọi Thiết Phiến Công Chúa là tẩu tẩu, bởi bà là vợ của Ngưu Ma Vương (anh em kết nghĩa với Tôn Ngộ Không). Tuy nhiên, vì căm hận Tôn Ngộ Không đã khiến Hồng Hài Nhi bị Quan Âm Bồ Tát thu phục chia lìa mẹ con bà nên kiên quyết không cho mượn quạt.
Không mượn được quạt Tôn Ngộ Không đã, hết đấu sức lại đấu trí với Thiết Phiến Công Chúa và Ngưu Ma Vương, nhưng khi đối diện với bảo bối lợi hại như Quạt Ba Tiêu thì cũng phải bó tay. Chỉ đến khi Tôn Ngộ Không được Linh Cát Bồ Tát cho mượn Định Phong Đơn thì mới có thể khắc chế được Quạt Ba Tiêu.
Sau này, Tôn Ngộ Không dùng quạt bảy bảy bốn chín lần, khiến Hỏa Diệm Sơn từ ngọn núi cháy quanh năm thành nơi cỏ cây tươi mát.
Có thể thấy, trong Tây du ký tuyệt đại đa số các yêu tinh cản đường Đường Tăng đều có kết cục bi ai, người thì bị đánh chết, người thì bị thu phục dẫn đi. Tuy nhiên chỉ có Thiết Phiến Công Chúa cản đường thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, dẫn đến một cuộc truy sát của các thần tiên với gia đình Ngưu Ma Vương. Nhưng cuối cùng, tiên giới không thu, địa ngục không nhận, lại được phóng thích tự do. Vậy Thiết Phiến Công Chúa rốt cuộc là ai mà lại có cái kết cục đặc biệt vậy?
Đoạn đối thoại của Tôn Ngộ Không với tiều phu ở núi Thuý Vân tại hồi thứ 59 đã hé lộ lai lịch của Thiết Phiến công chúa. Sau khi Tôn Ngộ Không được người chỉ đến núi Thuý Vân tìm Thiết Phiên Tiên, đến nơi lại gặp một người tiều phu vừa đốn củi vừa ca hát. Tôn Ngộ Không liền bước tới hỏi:
“Chào bác tiều phu, muốn hỏi bác một điều”.
Người tiều phu buông rìu đáp lễ, rồi hỏi:
“Trưởng lão đi đâu đấy?”.
Ngộ Không đáp:
“Xin hỏi bác một điều, đây có phải là núi Thúy Vân không ạ?”.
Người tiều phu nói:
“Chính phải”.
Tôn Ngộ Không nói:
“Động Ba Tiêu của Thiết Phiến Tiên ở nơi nào?”.
Người tiều phu cười, nói:
“Động Ba Tiêu thì có, nhưng không có Thiết Phiến Tiên. Chỉ có Thiết Phiến Công Chúa, và có tên nữa là bà La Sát thôi”.
Tôn Ngộ Không nói:
“Người ta đồn rằng vị ấy có cây quạt Ba Tiêu có thể dập tắt được lửa Hỏa Diệm Sơn có phải không?”.
Người tiều phu nói:
“Phải! Phải! Vị thánh ấy có thứ bảo bối có thể dập tắt lửa, bảo vệ cho người dân vùng ấy, nên ở vùng ấy người ta gọi là Thiết Phiến Tiên. Chứ người vùng tôi không cần đến vị thánh ấy, nên chỉ gọi theo tên là Bà La Sát, vợ của Đại Lực Ngưu Ma Vương”.
Mấu chốt chính là nằm trong đoạn hội thoại này, một là Thiết Phiến Tiên, hai là Bà La Sát. Qua đây có giả thuyết cho rằng, Thiết Phiến Công Chúa chính là hình tượng nhân vật kết hợp giữa văn hoá Trung Hoa và văn hoá Phật giáo. Thiết Phiến Tiên là một nhân vật trong thời cổ đại của dân tộc Trung Hoa, còn Bà La Sát (hay Nữ La Sát) lại thuộc về văn hoá của Phật giáo Ấn Độ cổ.
Thiết Phiến Công Chúa không phải người cũng không phải yêu mà là một loại ác quỷ tên La Sát, bản chất ăn thịt, uống máu người, đây chính là một nhân vật trong văn hoá Phật giáo. Bà La Sát trong Phật giáo còn được gọi với tên La Sát Tư, là một ác quỷ trong thần thoại Ấn Độ cổ. Trong văn hoá Phật giáo, Bà La Sát là một ác quỷ nhưng có dung mạo tuyệt đẹp, mà cũng không phải 1 người mà có đến hơn 10 người.
Thế nhưng Thiết Phiến Công Chúa lại vô cùng lương thiện, không hề giết người khi người dân có thỉnh cầu thì nhất định sẽ không từ chối. Năm xưa, khi Tôn Ngộ Không đánh đổ lò bát quái, gây ra đại hỏa hoạn ở Họa Diệm Sơn bây giờ, dân chúng vô cùng lầm than, đói khổ. Thiến Phiến vì có Quạt Ba Tiêu có thể dập được lửa, đã bằng lòng về đây giúp dân dập lửa, mưa thuận gió hòa, cuộc sống của người dân không còn nghèo khổ như trước nữa.
Trong nguyên tác có đoạn viết như sau: “Tiên quạt sắt (Thiết Phiến Tiên) có cây Quạt Ba Tiêu, quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai cái thì sanh gió, quạt ba cái thì mưa xuống. Chúng tôi làm ruộng mới có nếp mà làm bánh. Bằng không thì cỏ mọc cũng chẳng đặng” và đoạn: “Thiên hạ xứ này, cứ 10 năm đậu bạc tiền và mua lễ vật, thịt, dê, heo, ngỗng, đồng ăn chay tắm gội, đem lễ đi thỉnh tiên Thiết Phiến đến quạt một kỳ”.
Rõ ràng, khác với các yêu quái chỉ biết ăn thịt, uống máu hại người, Thiết phiến công chúa là người có tấm lòng từ bi, biết quý sinh mạng con người nên được người dân yêu quý, kính trọng.
Cũng bởi vậy mà trong mắt dân chúng, Thiết Phiến được gọi là Thiết Phiến Tiên, so với những tiên nhân khác địa vị không hề kém cỏi.
Việc Thiết Phiến Công Chúa cản đường thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh là do căm hận Tôn Ngộ Không nên kiên quyết không cho mượn quạt, chứ thật chất không có ý đồ ác. Đến cuối cùng bà cũng đã nhận ra lỗi lầm của mình, nên đã may mắn hơn những yêu quái khác là không bị trừng phạt.
Quốc Tiệp (t/h)