Dễ mua, dễ ngộ độc
Vì thường xuyên thức đêm nên chị Hoàng Thu Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) bị mất ngủ triền miên. Khi biết mình đã mắc chứng bệnh mất ngủ, chị Hiền lên mạng internet tìm hiểu và đặt mua một vỉ thuốc ngủ loại cực mạnh Stilnox với mức giá 700.000đồng/vỉ 14 viên về sử dụng. Uống được một lúc, chị Hiền thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày, toàn bộ cơ thể bị co giật, tím tái. Chị được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán, chị Hiền bị ngộ độc thuốc ngủ.
Anh Trần Thế Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thường xuyên bị mất ngủ vì công việc căng thẳng. Anh Đức đã như ngâm chân, uống sữa, nghe nhạc nhẹ nhằm tạo sự thoải mái, thư giãn nhưng vẫn không thể ngủ. Do mất ngủ kéo dài, cơ thể suy nhược, anh được bạn bè khuyên dùng thuốc ngủ, đặc biệt là hai loại thuốc ngủ cực mạnh là Seduxen và Lexomil. Vào mạng thấy có người rao bán 2 loại trên, anh Đức mua Seduxen giá 400.000 đồng/vỉ/10 viên; Lexomil có giá 650.000 đồng/vỉ 30 viên.
Vì là thuốc bán theo chỉ định nhưng mua ở trên mạng, thuốc không có hướng dẫn sử dụng. Anh Đức lấy 2 viên uống. Sau đó vài tiếng, anh Đức có biểu hiện lơ mơ, co giật, rối loạn ý thức, được đưa vào viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ nhận định anh Đức bị ngộ độc thuốc an thần.
Thuốc ngủ được rao bán trên mạng.
Tại khoa Chống độc bệnh viện Bạch Mai, PV ghi nhận nhiều trường hợp như anh Đức, chị Hiền. Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị ngộ độc do tự ý dùng thuốc ngủ (thuốc an thần, hướng thần) khá nhiều. Họ được người nhà đưa đến cấp cứu với các triệu chứng như ngủ say, thở đều, mạch đều và rõ; phản ứng khi véo da, châm kim... các phản xạ gân và đồng tử giảm hoặc vẫn bình thường, tức ở thể ngộ độc nhẹ.
Trường hợp hôn mê sâu, thở chậm và nông, khò khè, mạch nhanh, huyết áp hạ hoặc không đo được, đồng tử co và giảm phản xạ với ánh sáng, phản xạ gần mất thuộc thể ngộ độc nặng. Ngộ độc thuốc ngủ không được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể liệt trung tâm hô hấp, phù phổi cấp, viêm phổi...
Nguy hiểm tính mạng
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Giám đốc Trung tâm DI & ADR (thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc) Quốc gia thì, sử dụng thuốc ngủ phải do chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng, nguy cơ dẫn đến nhiều tác hại không mong muốn rất lớn.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh nhân lệ thuộc thuốc và bị hội chứng cai thuốc. Hội chứng cai thuốc là co giật, run, co cứng cơ bụng, nôn, toát mồ hôi sẽ xảy ra khi người bệnh ngừng sử dụng thuốc đột ngột.
Tiến sỹ Phạm Đức Thịnh, nguyên viện trưởng viện Pháp y tâm thần TƯ phân tích: "Seduxen là diazepam; Lexomil là bromazepam. Hai thuốc này đều thuộc dẫn chất của nhóm benzodiazepin, nhưng Lexomil có tác dụng mạnh hơn. Chúng có tác dụng an thần, gây ngủ, chống co giật, giãn cơ, giải lo âu do tác động thần kinh trung ương.
Thuốc được dùng chủ yếu trong chuyên khoa tâm thần. Nó chỉ được số ít các hiệu thuốc tân dược bán và phải bán theo đơn của bác sĩ. Người dân tự ý mua và sử dụng những loại thuốc đó rất nguy hiểm. Vì chúng gây quen thuốc, gây nghiện làm cho người bệnh phải lệ thuộc vào thuốc.
Nếu sử dụng nhiều, vượt lượng sẽ gây hại trực tiếp tới sức khỏe, gây ra các triệu chứng như: Nói luyên thuyên, lo sợ vô cớ, tim đập nhanh, vã mồ hôi, bồn chồn, ảo giác, dễ bị kích thích, mất ngủ, chóng mặt, choáng váng; nặng hơn thì xuất hiện cảm xúc hận thù, cơn thịnh nộ, giận dữ dẫn đến không kiềm chế, kiểm soát được bản thân, ý tưởng tự sát...
Theo tiến sỹ Thịnh, không tự ý mua và sử dụng hai loại thuốc ngủ nêu trên, đặc biệt là mua bán qua mạng.
Quy định của ngành y tế, thuốc ngủ là những loại thuốc thuộc danh mục thuốc kê đơn, dùng theo chỉ định của bác sĩ và được quản lý chặt chẽ. Việc rao bán thuốc tràn lan trên mạng cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, tránh những ngộ độc đáng tiếc xảy ra. |
Quỳnh Chi