Cầu treo Đò Rô xuất hiện nhiều vết nứt nghiêm trọng
Cầu treo Đò Rô dài 194m, rộng 2m, nối hai xã Nghĩa Bình và xã Nghĩa Đồng của huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Đây là cây cầu dây văng lớn nhất huyện Tân Kỳ, nối từ đường Hồ Chí Minh đi qua các xã và theo tuyến đường liên huyện nối với Quốc lộ 48 đi các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An. Vì vậy, hằng ngày có rất nhiều người dân tham gia lưu thông.
Cầu treo được Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đầu tư xây dựng năm 2009 và bắt đầu sử dụng từ năm 2010. Lúc đầu, mặt cầu và thanh ngang, thanh dọc bằng gỗ nên nhanh chóng bị hư hỏng.
Để đảm bảo giao thông cho nhân dân đi lại lâu dài và an toàn, UBND tỉnh đã cho khắc phục, sửa chữa, thay thế toàn bộ ván mặt cầu bằng thép chống trơn với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng vào năm 2019.
Sau gần 15 năm sử dụng, thời gian gần đây, cầu treo tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an.
Qua quan sát, những vết nứt này rộng khoảng 1 – 2cm cắt ngang mặt cầu. Một phần đất trong mố cầu bên phía xã Nghĩa Đồng đã bị sụt xuống tạo một khoảng trống lớn phía trong. Đất bị sụt ở trong mố cầu để lộ ra khe hở rộng khoảng 20cm, dài hơn 1m.
Một phần đường lên cầu từ phía xã Nghĩa Bình cũng đã bị nứt nẻ, lún hướng về phía lòng sông Con. Ở ngay trụ cầu, những vết nứt chằng chịt hơn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình thông tin, cầu nối giữa 2 xã nên các đơn vị thay phiên nhau quản lý và bảo vệ cầu. Hằng năm, xã Nghĩa Bình vẫn tổ chức phát dọn hai bên mố cầu, bôi dầu mỡ ở dây cáp và các con ốc.
"Việc các vết nứt này có ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu hay không cần chờ cơ quan có chuyên môn xem xét. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã ngăn cấm các xe ô tô lưu thông", đại diện xã Nghĩa Bình thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, UBND xã Nghĩa Đồng cũng đã có Công văn số 48/TB-UBND ngày 18/9 về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho cầu treo Đò Rô.
Cụ thể, đề nghị bà con nhân dân hạn chế di chuyển qua cầu Đò Rô trong thời gian mưa gió. Khi có việc cần thì di chuyển theo đường Tỉnh lộ 545 hướng cầu Phà Sen sang đường mòn Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cấm các ô tô lưu thông qua cầu.
Mối nguy hiểm từ những cây cầu treo "già"
Theo Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 70 cầu treo. Trong đó, Sở và Khu quản lý đường bộ 2 quản lý 2 cầu treo, 68 cầu còn lại do chính quyền địa phương quản lý.
Do quá trình sử dụng khá lâu năm, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên không ít cầu treo ở các địa phương khác như huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong… cũng đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng.
Đặc biệt, vào tháng 3/2024, cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu (thuộc xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) bất ngờ đổ sập hoàn toàn xuống sông. Rất may thời điểm này không có người dân lưu thông.
Được biết, cầu Kẻ Nính được xây dựng từ năm 2013, thiết kế cầu treo dây võng, bản mặt cầu bằng tấm bê tông rộng 2,4m; chiều dài toàn cầu 237m.
Sau hơn 10 năm sử dụng, cây cầu có dấu hiệu bị hư hỏng nặng đang được UBND huyện Quỳ Châu lên phương án sửa chữa thì xảy ra sự cố trên.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, do đất nền đường đầu cầu phạm vi dưới thanh neo bị sụt lún làm thanh neo phía hạ lưu mố neo M2 bị chuyển vị, gãy sập; dây cáp chủ kéo đỉnh trụ tháp phía hạ lưu mố M2 chuyển vị theo phương ngang, gây mất ổn định trụ tháp, làm sập toàn bộ nhịp treo của cầu.
Ông Nguyễn Trọng Quang, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải Nghệ An) cho biết, hệ thống cầu treo ở Nghệ An được xây dựng từ lâu, nên hiện có nhiều cầu xuống cấp.
Cầu treo có ưu điểm là kinh phí đầu tư thấp, thời gian thi công ngắn và đáp ứng ngay nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, cầu treo lại có trọng tải thấp. Các cầu treo chủ yếu là dạng cầu dây võng, với trụ cổng làm bằng thép hoặc bê tông, dầm thép, mặt cầu bằng thép hoặc gỗ, và quang treo bằng thép.
Cũng vì vậy, việc bảo dưỡng và sửa chữa cầu cần được thực hiện thường xuyên, nhưng công tác duy tu bảo dưỡng còn rất hạn chế. Các huyện cũng gặp khó khăn về kỹ thuật trong việc bảo trì và sửa chữa cầu. Sau hơn chục năm sử dụng, tuổi thọ và độ an toàn của các cây cầu treo sẽ trở thành điều đáng lo lắng trong mùa mưa lũ.