Ủy ban Nhân dân Tp.HCM đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Tp.HCM (gọi tắt là chương trình bình ổn thị trường) gồm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu; mặt hàng phục vụ học tập năm 2024-Tết Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
Thông tin trên Vietnam+, theo Kế hoạch, chương trình bình ổn thị trường năm nay có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm ngoái. Đồng thời, phần lớn doanh nghiệp tham gia chương trình có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của chuỗi cung ứng phủ sóng nhiều tỉnh, thành trên địa bàn thành phố cũng như cả nước.
Đặc biệt, có thể kể đến những doanh nghiệp bán lẻ lớn hàng cả nước như Saigon Co.op, Satra, Bách hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, AEON và Fahasa. Riêng về lĩnh vực sản xuất, cung ứng có doanh nghiệp quy mô lớn như Vinamilk, Nutifood, Vissan, Vinh Phát, Ba Huân, San Hà, C.P Việt Nam, Vissan, Vinamit, Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Tây, Miliket, Saigon Food, Cholimex và Intermix.
Ngoài ra, chương trình bình ổn thị trường năm nay có sự hưởng ứng tham gia của một số doanh nghiệp đã xây dựng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường là Tập đoàn Lộc Trời (mặt hàng gạo), Tổng công ty May 28 (đồng phục học sinh, nước uống), Sapuwa (nước uống)… Qua đó, chương trình năm nay được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng sản lượng, cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng hóa bình ổn thị trường đến với mọi đối tượng người tiêu dùng.
Về danh mục hàng bình ổn thị trường, so với năm ngoái chương trình năm nay mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân huỷ sinh học…); bổ sung mặt hàng muối, nước uống vào nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; bổ sung mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, laser...) vào nhóm mặt hàng phục vụ học tập.
Theo Sở Công Thương Tp.HCM, sự tham gia đa dạng của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực giúp gia tăng sản lượng, tăng cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng hóa bình ổn thị trường cho mọi đối tượng người tiêu dùng, nâng cao khả năng chi phối, điều tiết thị trường của chương trình.
Theo Hà Nội mới, riêng về lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4-6% so với năm ngoái, chiếm từ 21-32% thị phần trong tháng thường và chiếm từ 24-41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, về cơ chế thực hiện, năm nay có điểm mới là chương trình bổ sung hình thức tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ về: Giá thuê mặt bằng kinh doanh, bán lẻ; dịch vụ vận chuyển hàng bình ổn thị trường; xây dựng thương hiệu… Đồng thời, chương trình bổ sung nhiều quyền lợi của doanh nghiệp tham gia như hỗ trợ truyền thông, quảng bá, tôn vinh thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, năm 2024, chương trình kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của thành phố như: Kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch, hợp tác kinh tế - xã hội với các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm… Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thành phố nói chung, doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng.
Liên quan đến Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trong năm 2024, đại diện Sở Công Thương Tp.HCM cho biết giải pháp chính của Chương trình là gia tăng hiệu lực chế tài đối với sản phẩm không đạt chất lượng thông qua việc cùng chia sẻ thông tin, cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng.
Chương trình bước đầu có nhóm mặt hàng thí điểm với nhóm mặt hàng trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng và dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt gia súc, gia cầm (lợn, gà).
Minh Hoa (t/h)