Ngày 9/1/2019, bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với sự tham gia của 63 tỉnh thành trên cả nước, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Hội nghị đã được lắng nghe rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực của các địa phương. Những khó khăn trong quá trình thực hiện cũng được nêu ra, từ đó để có những phương án giải quyết phù hợp.
Các địa phương vùng núi gặp nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc sở GD&ĐT Phú Thọ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ: “Chương trình này khi đi vào thực hiện sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người, đây là một sự thay đổi lớn. Vậy nên, công tác chuẩn bị công phu của Bộ là rất cần thiết. Bởi lẽ, chương trình có hiện đại đến mấy mà không có sự đồng bộ thì khó thành công. Tôi cảm nhận thấy việc triển khai lần này đang rất bài bản”.
Về phần địa phương mình, ông Tường cho biết ở các cấp học thì Phú Thọ đang thiếu khoảng 1.000 giáo viên để chuẩn bị cho chương trình mới. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất ở Phú Thọ là kinh phí thực hiện: “Theo dự tính, tổng nhu cầu kinh phí từ năm 2018 đến 2024 là hơn 8.000 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, không thể có được trong ngày một ngày hai”.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên cho biết hiện địa phương này đang hết tiền, nên việc có ngân sách thực hiện đang là một bài toán “đau đầu”: “Nguồn ngân sách đến năm 2020 của chúng tôi đã hết. Bộ cần chuẩn bị trước, các Sở xây dựng kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025, chứ tỉnh giờ hết tiền không có để triển khai. Tỉnh miền núi nên chúng tôi hạn hẹp về ngân sách, nguồn tiền, không có tiền xã hội hóa”.
Từ những lý do đó, ông Quý đề xuất Bộ tham mưu Chính phủ để có hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn trong quá trình triển khai.
Cân nhắc việc đào tạo giáo viên theo hình thức trực tuyến
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo viên sẽ được đào tạo theo hình thức trực tuyến với nhiều ưu điểm, thuận lợi và tiết kiệm chi phí, việc đào tạo sẽ bắt đầu ngay từ thời điểm này.
Người đứng đầu ngành giáo dục nhận định, chương trình giáo dục phổ thông mới dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả.
“Thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo - những người sẽ thực hiện chương trình. Theo đó, có hai nhiệm vụ sẽ được ngành đặt ra trong thời gian tới. Thứ nhất là công tác hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo. Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình”, ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng cho biết, những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề giáo viên. “Rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy. Những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. Thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự nhịp nhàng phối hợp giữa các bên liên quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên cho biết, ở địa phương ông có nhiều điểm vùng sâu vùng xa nên việc thực hiện đào tạo giáo viên qua mạng sẽ gặp không ít “rắc rối”.
“Đào tạo qua mạng thì phải có mạng, nhiều nơi ở địa phương chúng tôi còn chưa có mạng, công nghệ thì chậm phát triển làm sao giáo viên có thể học trực tuyến được?”, vị Phó Chủ tịch tỉnh đặt câu hỏi.
Ngoài ra, trước chủ trương về việc cắt giảm biên chế trong ngành giáo dục, ông Quý nêu quan điểm: “Theo tôi, giáo dục và y tế phải đáp ứng được nhu cầu người học và khám chữa bệnh cho nhân dân. Đề nghị Bộ nếu giảm biên ở miền núi phải tính toán. Ngoài ra, trong thực hiện tôi đề nghị tăng cường truyền thông để những tiếng nói trái chiều không bị lạc điệu”.
Cũng liên quan đến việc đào tạo giáo viên, địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết hiện đang băn khoăn không dám tuyển mới vì sợ vào thời điểm này tuyển xong không biết sẽ cho đi tập huấn thế nào.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh này đặt câu hỏi: “Đội ngũ cán bộ giáo dục quản lý giáo viên trong biên chế được bồi dưỡng tập huấn theo chương trình tích hợp mới. Chúng tôi đang băn khoăn việc tuyển giáo viên mới, Sở đang lúng túng không biết tuyển như thế nào, nếu tuyển xong lại đưa đi tập huấn?”.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc đào tạo bằng phương pháp trực tuyến có hạn chế khi giáo viên không thể tương tác với người dạy. Đại diện sở GD&ĐT Đà Nẵng cho hay: “Trên tinh thần không cầm tay chỉ việc, chủ động cho giáo viên hỏi đáp thì mới có thể thành công. Đào tạo trực tuyến giáo viên tiếp thu một cách thụ động, trong khi nếu là trực tiếp được nghe những chuyên gia, giáo sư giảng thì chắc chắn sẽ hiểu hơn”.
Clip: Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội trả lời về vấn đề đào tạo giáo viên:
Công Luân - Ngọc Quỳnh