Mới đây, các bác sĩ BV Tai Mũi Họng Trung ương tiếp nhận bé N.V.H (Sơn Tây, Hà Nội) trong tình trạng có khối u lớn vùng cổ bên phải kích thước khoảng 4x7 cm, cứng chắc, di động ngang, lồi vào thành bên họng kèm triệu chứng viêm mũi họng cấp.
Gia đình cho biết, khối u trong góc hàm của bé được phát hiện từ năm 3 tuổi, trong vòng 5 năm kích thước u tăng dần. Gia đình đưa bé đi khám ở nhiều nơi và được chẩn đoán là hạch viêm hoác sưng amidan.
Khoảng 2 năm nay, kích thước u tăng nhanh khiến gia đình vô cùng hoang mang. Tại BV Tai Mũi Họng Trung ương, sau thăm khám, hội chẩn các bác sĩ đã xác định bệnh nhi bị u khoang bên họng phải.
Chia sẻ về bệnh nhi, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương, cho biết: Vùng khoang bên họng có nhiều cấu trúc mạch máu thần kinh quan trọng, đặc biệt là động mạch cảnh. Đối với trường hợp của bệnh nhi, khối u dính sát động mạch cảnh trong, lan lên nền sọ nên quá trình bóc tách đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác.
Ca mổ kéo dài gần 4 giờ, các bác sĩ đã bóc tách được trọn vẹn khối u, bảo tồn hệ động mạch cảnh, các dây thần kinh quan trọng và không gây mất quá nhiều máu cho bé.
Hậu phẫu bé tiến triển tốt, sức khỏe ổn định, vết mổ khô, các chức năng và thẩm mỹ vùng cổ mặt được đảm bảo.
PGS Cảnh cho biết thêm, khối u khoang bên họng về cơ bản có 2 loại lành tính và ác tính (ung thư).
Trong đó, khối u lành tính có thể điều trị triệt để bằng phẫu thuật và thường ít tái phát. Khối u ác tính tương đối khó xử lý, ngoài phẫu thuật còn cần điều trị hóa chất hoặc xạ trị. Việc phát hiện và điều trị sớm cho hiệu quả cao hơn.
"Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, đặc biệt khi nhận thấy có các khối sưng vùng cổ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế đúng chuyên khoa uy tín.
Bên cạnh đó, người dân nên thăm khám sức khỏe định kỳ do các dấu hiệu bệnh không biểu hiện rõ ràng, khối u thường đã phát triển lớn mới được phát hiện có thể gây những biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng", PGS Cảnh khuyến cáo.
Quốc Tiệp (T/h theo Giao Thông, Tuổi Trẻ)