Nhiều nghề thủ công truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 3, 13/08/2024 15:28

Những nghề thủ công truyền thống của Việt Nam không chỉ là biểu tượng của sự khéo léo và tài năng, mà còn là di sản văn hóa quý giá, được UNESCO công nhận và bảo tồn.

Quảng Ngãi có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Quảng Ngãi, một vùng đất miền Trung đầy bản sắc, vừa được công nhận thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đó là nghề làm gốm Sa Huỳnh và nghệ thuật trang trí cây nêu của đồng bào dân tộc Cor. Đây là những giá trị quý báu, khẳng định bản sắc và tính đa dạng văn hóa của vùng đất này.

Cách nay hơn 2.000 năm, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã sản xuất ra nhiều loại đồ gốm phong phú về hình thức, với những họa tiết trang trí tinh xảo. Những sản phẩm gốm mộc này không chỉ thể hiện tài năng, kỹ thuật chế tác của người xưa mà còn là dấu ấn văn hóa đậm nét.

Sau nhiều thế kỷ, nghề gốm Sa Huỳnh vẫn được lưu giữ và truyền dạy, tập trung chủ yếu ở thôn Trung Sơn và Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Tuy nhiên, số hộ dân vẫn còn giữ nghề đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều nghề thủ công truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 1.

Gốm Sa Huỳnh thành phẩm.

Nhận thấy giá trị của nghề gốm truyền thống này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã thực hiện dự án "Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh và đầm An Khê".

Kết quả là sự ra đời của Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh vào cuối năm 2023, nhằm hỗ trợ các nghệ nhân phục dựng và mô phỏng lại kỹ thuật, họa tiết để làm hồi sinh nghề gốm truyền thống.

Không chỉ có nghề gốm, Quảng Ngãi còn được công nhận thêm một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác - nghệ thuật trang trí cây nêu của đồng bào dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng.

Cây nêu của người Cor là biểu tượng của lễ hội ăn trâu, tồn tại và phát triển gắn liền với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc Cor từ hàng ngàn năm trước. Trên cây nêu được trang trí rất công phu, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người dân nơi đây.

Cây nêu cao nhất thường lên tới 10-15m, được dựng vào ngày Tết Ngã rạ, tượng trưng cho sự sung túc, phồn thịnh. Phần thân cây nêu được trang trí hoa văn hai màu đen đỏ, tượng trưng cho trời đất.

Nhiều nghề thủ công truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 2.

Nghệ nhân trang trí cây nêu.

Thân cây nêu còn được treo những bộ Gu (bằng gỗ có vẽ hoặc điêu khắc những hình ảnh hay họa tiết mang yếu tố tâm linh của người Cor) và mâm thờ. Bộ Gu chỉ có ở tộc người Cor. Có thể coi đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc.

Cùng với bộ Gu, cây nêu còn được treo những con chim chèo bẻo gỗ. Trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo. Đây là hình tượng một loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào, để bảo vệ cây lúa. Người dân tộc Cor coi chim chèo bẻo là chim trời do thần linh phái xuống giúp họ. Chính vì thế người Cor không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo.

Nghi lễ dựng cây nêu chỉ có ở người Cor. Mỗi khi dựng cây nêu, người Cor phải làm lễ cúng với những nghi thức rất thiêng liêng. Cây nêu là cầu nối tinh thần của người Cor với thần linh. Những bài cúng trong những bước khác nhau khi ghép nối cây nêu hoặc khi treo những bộ Gu.

'Nghề ướp trà sen Quảng An' trở thành Di sản phi vật thể quốc gia

Cũng theo quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL do Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký ban hành, nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận , Hà Nội) vừa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ướp trà sen ở Quảng An đã trở thành một nghề thủ công quan trọng của người dân nơi đây. Bằng bí quyết, kinh nghiệm ướp trà sen từ bao đời truyền lại, người Quảng An đã tạo ra phẩm trà quý, có giá trị kinh tế cao.

Quảng An xưa có tên gọi là xóm Mẩu, là một vòm đất nhô ra phía Hồ Tây, bao quanh là đầm, ao, hồ và nơi đây cũng chính là cái nôi của nghề ướp trà sen nổi tiếng. Do khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng đặc biệt, Hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép, có hương thơm ngào ngạt, còn được gọi là sen bách diệp.

Sen Hồ Tây không phải ngẫu nhiên đã luôn đứng ở vị trí đẳng cấp hơn hẳn sen các vùng khác. Là bởi sen Hồ Tây được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ, dày từ 0,7 đến 1,2 m - điều mà hiếm đầm nào có được.

Nhiều nghề thủ công truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 3.

Gia đình nghệ nhân ướp trà phường Quảng An, Tây Hồ.

Để tạo ra được thành phẩm trà sen thực vô cùng dụng công. Các thế hệ “trưởng bối,” những bậc cao niên người làng Quảng An chia sẻ rằng họ dùng hoa sen từ Đầm Trị (trong quần thể Hồ Tây) để ướp trà. Đây là giống Bách Diệp liên (loại hoa sen trăm cánh), có mùi thơm ngát và giữ hương lâu. Nghề ướp trà sen Quảng An có hai loại, trà sen bông và trà sen khô.

Bất cứ du khách nào khi ghé thăm Hà Nội đều muốn một lần thưởng thức hương vị của trà sen Tây Hồ.

Trà sen Tây Hồ luôn nằm trong danh sách đặc sản được du khách yêu thích khi du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch miền Bắc nói chung.

Trà sen hồ Tây Hà Nội được chế biến kỳ công để đảm bảo giữ trọn vẹn hương vị trà truyền thống đặc trưng của đất kinh kỳ.

Chính vì vậy, cùng với việc ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là động lực để những người lưu giữ nghề truyền thống ướp trà sen Tây Hồ tiếp tục lưu giữ những gì tinh hoa nhất, thanh tao nhất trong nét đẹp văn hóa tại mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.